Tuyển vượt chỉ tiêu, ồ ạt mở ngành mới: Các trường đại học bị 'tuýt còi'
Những năm gần đây, nhiều trường đại học đã mở thêm nhiều ngành học mới nhằm thu hút thí sinh. Thế nhưng, không phải ngành mới nào cũng đi cùng chất lượng. Theo Thanh tra Bộ GD&ĐT, tính đến tháng 9/2023 Bộ đã ban hành 94 quyết định xử phạt vi phạm hành chính các trường đại học liên quan đến công tác tuyển sinh, mở ngành.
Gây nhiễu hệ thống lọc “ảo”
Theo đó, năm 2022 và 9 tháng đầu năm 2023, 95 lượt cơ sở giáo dục đại học đã bị xử phạt hành chính với tổng số tiền phạt trên 3 tỷ đồng do vi phạm tuyển sinh và mở ngành đào tạo.
Tháng 6 vừa qua, Bộ GD&ĐT đã thông báo tạm dừng thực hiện quyền tự chủ xác định chỉ tiêu tuyển sinh trong 5 năm đối với một số trường đại học do vi phạm về tuyển sinh, cụ thể là tuyển vượt chỉ tiêu so với quy định.
Đặc biệt, trong diện này có 2 tên tuổi trường công nổi tiếng là Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng và Trường Đại học Nông Lâm TP HCM, Bộ GD&ĐT đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 78 cơ sở giáo dục đại học vi phạm trong công tác tuyển sinh như: vượt chỉ tiêu, tuyển sinh không đúng đề án…
Nhiều trường bị xử lý vi phạm vì tuyển sinh không đúng đề án đã xác định và công khai dù chưa tuyển sinh vượt chỉ tiêu tối đa theo năng lực. Thậm chí có trường vượt chỉ tiêu gần 1.400%.
Một số cơ sở đào tạo vi phạm điển hình như: Trường Đại học FPT tuyển sinh vừa vượt chỉ tiêu tối đa theo năng lực, vừa tuyển sinh không đúng đề án đã công khai, vượt chỉ tiêu cả trình độ đại học cả trình độ thạc sĩ. Trường Đại học Kinh doanh Công nghệ Hà Nội, Trường Đại học Nguyễn Trãi đều tuyển vượt và đã bị xử lý…
Việc nhiều trường tuyển vượt chỉ tiêu sẽ gây khó khăn cho hệ thống lọc “ảo”, làm nhiễu hệ thống tuyển sinh, ảnh hưởng tới quyền lợi người học. Mức xử phạt cao nhất được áp dụng là 150 triệu đồng với tổ chức và 75 triệu đồng với cá nhân.
Theo quy định hiện hành, trường đại học vi phạm về đối tượng, điều kiện, chỉ tiêu tuyển sinh sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật và không được tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh trong 5 năm, kể từ khi có kết luận về việc vi phạm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Trao đổi với báo chí, Tiến sĩ Nguyễn Đức Cường, Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT cho biết, việc xử lý đối với các cơ sở đào tạo tuyển sinh không đúng quy định là việc làm thường niên hằng năm của Bộ.
Đối với các cơ sở đào tạo có dấu hiệu tuyển sinh không đúng quy định, Vụ Giáo dục Đại học tổng hợp danh sách kèm dấu hiệu gửi Thanh tra để xem xét xử lý theo quy định pháp luật.
Căn cứ quy định, Thanh tra Bộ tiến hành mời các đơn vị có dấu hiệu vi phạm làm việc, xác định hành vi vi phạm, lập biên bản vi phạm hành chính và tổng hợp trình lãnh đạo Bộ đề xuất hình thức xử phạt theo quy định pháp luật. Trên cơ sở đó, Thanh tra tiến hành xử phạt, áp dụng hình thức khắc phục hậu quả theo quy định pháp luật.
Cũng theo Chánh Thanh tra Nguyễn Đức Cường, việc xử phạt chính bằng tiền đối với lĩnh vực giáo dục có thể tính răn đe còn thấp. Nhưng đối với cơ sở giáo dục khi bị áp dụng các hình thức phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả sẽ có tính răn đe cao và mạnh.
Trước đó, Chính phủ ban hành Nghị định 04/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục.
Đối với hành vi vi phạm quy định về tổ chức tuyển sinh, Nghị định nêu rõ: Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Thông báo tuyển sinh, công bố đề án tuyển sinh không đúng hoặc không đầy đủ thông tin theo quy định pháp luật; Thông báo tuyển sinh không đủ thời gian theo quy định pháp luật.
Phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Công bố chỉ tiêu tuyển sinh vượt số lượng theo quy định về xác định chỉ tiêu tuyển sinh. Không thực hiện đúng quy trình tuyển sinh theo quy định của pháp luật.
Phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Không công bố ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào đối với ngành đào tạo có quy định ngưỡng bảo đảm chất lượng. Thực hiện tuyển sinh không đúng đề án tuyển sinh đã công bố.
Phạt tiền từ 40 triệu đồng đến 60 triệu đồng đối với hành vi tổ chức tuyển sinh đối với ngành, chuyên ngành hoặc chương trình giáo dục của nước ngoài khi chưa được phép thực hiện.
Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc các cơ sở chuyển người học đủ điều kiện trúng tuyển đã nhập học sang cơ sở giáo dục khác đủ điều kiện được phép hoạt động giáo dục hoặc hủy bỏ quyết định trúng tuyển, trả lại kinh phí đã thu cho người học nếu không chuyển được đối với hành vi vi phạm…
Ngoài ra, một số trường xác định chỉ tiêu tuyển sinh, tổ chức tuyển sinh các trình độ chưa đúng quy định. Chưa bảo đảm các điều kiện mở ngành, duy trì ngành đào tạo. Chưa bảo đảm chuẩn chương trình đào tạo; tổ chức quản lý đào tạo các trình độ, các phương thức đào tạo thiếu chặt chẽ. Không bảo đảm khối lượng giảng dạy; hồ sơ quản lý văn bằng, chứng chỉ chưa đúng, chưa cập nhật đầy đủ thông tin và ký chứng chỉ sai thẩm quyền...
Một số cơ sở giáo dục cũng chưa thực hiện công khai hoặc công khai không đầy đủ theo quy định. Đặc biệt là thông tin về các điều kiện bảo đảm chất lượng, học phí, tuyển sinh, thông tin về văn bằng, chứng chỉ. Hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục còn chưa được chú trọng, nặng về hình thức, còn có những hoạt động mang tính đối phó.
Những hệ lụy, mập mờ ngành học mới
Về vi phạm quy định trong công tác quản lý tài chính, Thanh tra Bộ GD&ĐT cho biết, một số đơn vị đào tạo thực hiện các khoản thu, chi, trích lập các quỹ chưa đúng quy định. Kết quả giải ngân chưa đúng tiến độ kế hoạch. Đặc biệt, công tác quản lý hồ sơ của người học, thực hiện chế độ chính sách đối với người học, chế độ học bổng, học phí, miễn giảm học phí chưa thực hiện đúng.
Về sai phạm trong công tác quản lý, hoạt động giáo dục, ông Cường cho rằng nguyên nhân có thể xuất phát từ cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục. Cụ thể, hệ thống văn bản pháp luật quy định về đào tạo đại học còn có những bất cập; ban hành văn bản quy định, văn bản hướng dẫn còn chậm... Một số cơ sở giáo dục đại học chưa hiểu đúng về tự chủ đại học nên triển khai chưa đúng.
Trước thực trạng trên, theo ông Cường, cần hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về giáo dục đại học, tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về giáo dục. Về phía cơ sở giáo dục đại học, các đơn vị cần hoàn thiện thể chế nội bộ. Thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật, văn bản hướng dẫn của Bộ về tuyển sinh, đào tạo. Cũng như cần cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nội bộ.
Việc các trường bị tước quyền tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh không đồng nghĩa với việc trường dừng tuyển sinh. Thay vào đó, từ những năm tới, các trường bắt buộc phải xác định chỉ tiêu theo đúng các điều kiện bảo đảm chất lượng và được sự cho phép của Bộ GD&ĐT.
Bộ GD&ĐT sẽ căn cứ vào số lượng chỉ tiêu do trường đề xuất để xem xét phê duyệt trên nguyên tắc trừ đi số chỉ tiêu đã tuyển vượt ở năm trước. Việc này được Bộ GD&ĐT thực hiện theo quy định tại Thông tư 10, Luật Giáo dục Đại học sửa đổi nhằm bảo đảm công bằng, minh bạch trong tuyển sinh.
Cùng với đó, việc liên tục các trường mở thêm nhiều mã ngành để thu hút các thí sinh, tăng lượng sinh viên vào trường học cũng kéo theo nhiều lo lắng. Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, nhiều trường đại học, cao đẳng trên cả nước đã cho nhiều sinh viên dừng học vì không hoàn thành các tín chỉ đăng ký. Thậm chí có nhiều sinh viên khi bắt đầu vào ngành học mình đăng ký sau khi đỗ đại học thì mới phát hiện bản thân chọn nhầm ngành, nhầm trường. Sự vội vã cũng như các trường liên tục mở mã ngành mới khiến học sinh dễ bị loạn trong việc lựa chọn mục tiêu - ngành học của mình.
Khi được hỏi về những mã ngành mới mở ở trường mình, đa số các trường đều đưa ra lý do chủ yếu là đáp ứng nhu cầu của xã hội, người tuyển dụng và người học, nhu cầu nhân lực. Tuy nhiên, thực tế chất lượng ra sao thì chưa ai có thể chứng minh được. Thậm chí ngay cả Bộ GD&ĐT cũng khó quản lý hết được chất lượng các chương trình đào tạo mới mở và các trường tăng chỉ tiêu đomino mỗi năm.
Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TP HCM cho rằng, việc mở ra ngành mới là tất yếu khi các trường được tự chủ. Việc này nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực khi đất nước ngày càng hội nhập và hướng đến Cách mạng công nghiệp 4.0, đồng thời giúp các trường dễ thu hút học sinh để tuyển sinh tốt hơn.
Tuy nhiên, mở ngành là một chuyện, tên ngành có thể hay nhưng quan trọng là chương trình đào tạo, đội ngũ giảng viên và việc bảo đảm được việc làm cho sinh viên sau khi ra trường sẽ thế nào. Bởi có những ngành nghề quá cụ thể, doanh nghiệp cũng chưa cập nhật khiến sinh viên ra trường không có việc làm. Dù quy định hiện hành không ngăn cấm bất cứ cơ sở đại học nào mở ngành học mới nếu đủ tiêu chuẩn. Nhưng việc nhiều trường lâu nay chỉ đào tạo ngành kỹ thuật, công nghệ mà mở thêm mã ngành kinh tế. Nhiều trường chuyên đào tạo kinh tế lại lấn sân sang khối ngành y tế khiến không ít người lo lắng.
Chưa kể, việc mở thêm nhiều ngành khiến hệ thống ngành nghề bị trùng lặp. Có nhiều ngành mới mở ra thực chất chỉ là dựa trên những ngành cũ hoặc cùng lĩnh vực nhưng mỗi trường đặt tên một kiểu nhằm thu hút thí sinh. Điều này ảnh hưởng và gây khó khăn trong việc tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh. Và lúc đó cần sự tỉnh táo cũng như nhận định đúng, lựa chọn đúng khoa, đúng trường của các thí sinh, tránh những hệ lụy đáng tiếc...