Thời gian này, tận dụng lúc rảnh rỗi, anh Nguyễn Văn Thao (SN 1985), trú tại thôn Lâm Phúc, xã Sơn Lâm, Hương Sơn (Hà Tĩnh) lại mang tổ ong mồi treo ở những gốc cây trong trang trại của gia đình với mục đích “dụ” đàn ong rừng về nhà thuần hóa nuôi lấy mật.
Từ tháng 9 bắt đầu se lạnh, đây là lúc những đàn ong mật sống tự nhiên trong rừng sâu bắt đầu quá trình di cư tìm chỗ trú đông, tránh rét vào mùa đông.
Theo anh Thao, khi thời tiết chuyển lạnh, nhiệt độ ở vùng núi xuống thấp cũng là lúc đàn ong bắt đầu rời tổ cũ đi tìm nơi ấm hơn để xây tổ mới.
Lúc này anh sẽ chuẩn bị một tổ ong được làm từ thân gỗ rỗng bên trong có hình trụ và cây vợt có bán bằng vải màn với mục đích tìm ong sứ.
Ong sứ là loài được cử đi để tìm nơi ở mới. Chúng thường dò thăm ở những cây cổ thụ, cột điện. Để “dụ” loài này, anh Thao đốt lửa chờ đợi. Sau khi phát hiện ong, thợ săn sẽ nhanh chóng dùng vợt để bắt. Sau đó, khéo léo cho ong sứ vào tổ ong mồi và bịt kín nhốt khoảng 3 phút sau rồi mở cửa.
Dụng cụ bắt ong sứ vào tổ được anh Thao chuẩn bị từ trước.
Nếu tổ mới này đảm bảo, ong sứ sẽ bay đi gọi đàn đến. Chờ đợi chừng 3 giờ đồng hồ, anh Thao vui mừng khi đàn ong ruồi hàng vạn con vù vù bay tới.
Háo hức, chàng thợ săn cầm điện thoại quay lại khoảnh khắc độc đáo này. Chờ chừng vài phút, khi đàn ong vào hết trong tổ, anh dùng đồ nghề tự chế để bắt ong sứ.
Đàn ong mật đậu tại những cây xung quanh tổ.
Theo anh Thao, nghề săn ong ruồi về nuôi thường diễn ra từ tháng 9 tới tháng 2 âm lịch năm sau. Nghề này ngoài kiếm thêm thu nhập còn thỏa mãn đam mê.
Sau khi “dụ” được đàn ong vào tổ, anh Thao sẽ tách ra tổ khác rộng lớn hơn.
Tổ nuôi ong lấy mật được làm bằng gỗ mít rỗng ruột có hình trụ, dài khoảng 50 cm, hai đầu bịt kín bằng hai mảnh gỗ, có trổ hai cửa ra vào.
Từ đây, đàn ong sẽ bắt đầu quá trình sinh trưởng, làm việc để lấy mật. Việc nuôi tại nhà cũng theo hình thức cho ong làm mật tự nhiên, không cho ăn thêm đường… Với mỗi tổ này người nuôi sẽ thu từ 2-4 lít mật.
Hoài Nam