Tuyệt chiêu 'Độc xà thám nguyệt'
Bình Định những ngày cuối năm trời trở lạnh, gió rít liên hồi nhưng hàng chục võ sinh vẫn say sưa luyện tập tại Võ đường Phan Thọ ở xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn.
Tiếp chúng tôi, võ sư Phan Minh Hải - HLV cao cấp, chưởng môn đời thứ 3 Võ đường Phan Thọ - tự hào kể về ông ngoại là cố võ sư Phan Thọ (1926 - 2014), người sáng lập võ đường này cách nay 72 năm.
Võ sư Phan Thọ sinh năm 1926 tại xã Bình Nghi. Là con út trong gia đình nghèo, cha mất sớm, anh cả mắc bệnh tâm thần nên từ nhỏ, Phan Thọ đã phải giúp mẹ việc nhà và đồng áng. Sống ở đất võ Tây Sơn, cậu hiểu rằng chỉ có giỏi võ mới giúp gia đình thoát cảnh bị ức hiếp. Tuy nhiên, vì nhà nghèo nên đến năm 17 tuổi, cậu mới bắt đầu theo đuổi đam mê tại làng võ An Vinh danh tiếng cách nhà 3 km với võ sư Cai Bảy.
Năm 21 tuổi, Phan Thọ lập gia đình nhưng nghiệp võ vẫn không dứt. Đến năm 24 tuổi, sau khi tinh thông bài bản của các thầy Cai Bảy, Sáu Hà, ông tiếp tục qua An Thái học cụ Tàu Sáu rồi lên Thuận Truyền nhờ cụ Hồ Ngạnh chỉ điểm côn thuật...
Cứ thế, việc tầm sư học đạo của Phan Thọ ròng rã suốt 20 năm với 12 vị võ sư danh tiếng Bình Định bấy giờ. Thậm chí lúc khốn khó, ông vẫn bàn với vợ bán cặp bò là tài sản lớn của gia đình để theo học võ.
Nhờ kiên tâm khổ luyện, võ sư Phan Thọ trở thành một trong những người hiếm hoi sử dụng nhuần nhuyễn "thập bát ban binh khí" cũng như tuyệt chiêu của các môn phái Tây Sơn về quyền pháp, đao pháp, côn pháp... Ông còn thuần thục các loại "võ thế", "võ vườn" với rựa quéo, đòn xóc hiếm gặp, chỉ lưu truyền ở Tây Sơn.
Theo võ sư Lê Công Hoàng, đệ tử chân truyền của võ sư Phan Thọ, vốn liếng võ thuật của sư phụ ông là sự kết hợp giữa nhiều môn phái thuộc 3 làng võ nổi tiếng An Thái, An Vinh, Thuận Truyền ở Bình Định. Sở trường của võ sư Phan Thọ là quyền, được nhiều cao thủ xem là "người có bộ tay hay nhất".
Võ sư Lê Công Hoàng khẳng định: "Sư phụ tôi thông thạo cả cương quyền lẫn nhu quyền, với kỹ thuật từ đơn giản đến phức tạp. Ông luôn tâm niệm quyền là linh hồn của võ thuật, bài quyền là hiện thân của các chiêu thức. Bài quyền càng cao thâm, phong phú bao nhiêu thì chiêu thức càng huyền ảo, đa dạng bấy nhiêu".
Ông Tạ Xuân Chánh, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Bình Định, cho biết sinh thời võ sư Phan Thọ được xem là nguồn tư liệu sống về võ cổ truyền Bình Định. Ông là người kế thừa di sản đồ sộ của môn phái quyền An Vinh, giữ lửa cho làng quyền có lịch sử trên 200 năm này. Võ sư Phan Thọ đã đào tạo, truyền dạy hàng ngàn môn sinh, trong đó có trên 100 võ sư, huấn luyện viên võ dân tộc và hầu hết đã thành danh.
Có rất nhiều câu chuyện về cuộc đời và sự thăng trầm trong nghề võ của võ sư Phan Thọ. Trong đó, ấn tượng nhất là các giai thoại về việc ông diệt trừ thú dữ và 3 lần hạ gục các cao thủ taekwondo Hàn Quốc với tuyệt chiêu "Độc xà thám nguyệt" (rắn dữ tìm trăng).
Theo các bậc cao niên ở xã Bình Nghi, những năm 1960, vùng này rất hoang vắng, thú dữ thường đến phá phách mùa màng, thậm chí hại người. Trong đó, một con heo rừng gần 200 kg thường về giẫm phá ruộng mía, dân làng cài bao nhiêu bẫy cũng vô dụng.
Nghe tin, Phan Thọ vớ lấy chiếc đòn gánh đi tìm. Cuộc ác đấu giữa người và mãnh thú diễn ra. Dân làng kéo đến xem đông như trẩy hội. Sau gần 3 giờ quần thảo, ông hạ gục con heo rừng khổng lồ. Chứng tích cuộc ác đấu đó là bộ răng nanh dài gần một gang tay, hiện còn lưu giữ tại Võ đường Phan Thọ.
Những năm chiến tranh, Bình Định là địa bàn đóng quân của Sư đoàn Mãnh hổ của địch. Nghe danh người Bình Định giỏi võ, giữa năm 1969, trung úy Lee - võ sư tứ đẳng huyền đai taekwondo người Hàn Quốc - lên tiếng thách đấu.
Qua nhiều ngày không thấy ai phản hồi, võ sư Phan Thọ nhận lời võ sư Lee. Trận đấu giữa 2 người diễn ra tại Trung tâm Huấn luyện quân sự Phú Tài, sau khi đã cùng ký sinh tử trạng (bản cam đoan thi đấu "sống nhờ chết chịu").
"Đạo cao long hổ phục/ Đức trọng quỷ thần kinh" là câu đối mà võ lâm Tây Sơn dành tặng cố võ sư Phan Thọ.
Chứng kiến trận đấu không cân sức giữa một võ sư trẻ cao 1,8 m, nặng 75 kg với một võ sư lớn tuổi hơn, chỉ cao 1,6 m, nặng 55 kg, nhiều người tỏ ra lo lắng. Hiệp 1, Lee liên tục dồn ép đối phương. Võ sư Phan Thọ bình tĩnh né đòn và tìm điểm yếu của đối thủ. Sang hiệp 2, khi đối phương tung cú đá liên hoàn để lộ sơ hở, ông liền áp sát, dùng chiêu "Độc xà thám nguyệt" húc thẳng vào bụng dưới làm Lee ngã nhào, bất tỉnh.
Sinh thời, khi luyện "Độc xà thám nguyệt", võ sư Phan Thọ bố trí các hình nộm xen kẽ nhau, buộc dây chằng chịt ngang tầm thắt lưng chúng. Ông tập né tránh, luồn qua dây, lách qua hình nộm thật lanh lẹ, nhuần nhuyễn. Đây là chiêu thức cúi hụp người xuống né đòn đá rồi dùng đầu húc thẳng vào nơi yếu hại của đối thủ - tựa như mãnh xà đột ngột nhô đầu lên dò xét mặt trăng.
Theo võ sư Phan Minh Hải, "Độc xà thám nguyệt" chia làm 3 bộ Trung, Thượng và Hạ, lần lượt tấn công từ chấn thủy xuống đan điền, từ chấn thủy trở lên và từ đan điền trở xuống. Nét độc đáo trong chiêu thức này là ra đòn nhanh, mạnh, dứt khoát với yếu quyết lấy nhu thắng cương.
Để phục hận cho đồng hương, tháng 3-1970, thiếu tá Kim - võ sư ngũ đẳng huyền đai taekwondo - lại đề nghị thi đấu với các võ sư Bình Định tại TP Pleiku. Dù đã 45 tuổi, vóc dáng nhỏ hơn nhiều nhưng võ sư Phan Thọ vẫn tự tin thượng đài.
Cũng như lần đấu với Lee, ở hiệp 1, võ sư Phan Thọ luôn tìm cách tránh né nhưng vẫn thỉnh thoảng dính đòn. Qua hiệp 2, tay võ sư Hàn Quốc ra đòn càng quyết liệt. Khi thấy chỗ sơ hở của Kim, võ sư Phan Thọ lại tung chiêu "Độc xà thám nguyệt" làm đối thủ té nhào. Hai khuỷu tay chống mạnh xuống sàn khiến xương vỡ nát, máu tuôn lênh láng, Kim đành ra hiệu xin dừng trận đấu.
Có lẽ võ sư Lee và Kim đã kể lại với môn đệ của họ nên năm 1998, 2 võ sĩ Hàn Quốc tìm đến võ sư Phan Thọ xin học hỏi một số chiêu thức. Gặp lão võ sư đã 72 tuổi trông già yếu, có vẻ coi thường nên một võ sĩ xin đấu thử với ông. Võ sư Phan Thọ đã hạ gục anh ta ngay từ hiệp đầu, cũng với "Độc xà thám nguyệt". Sau đó, võ sĩ này đã cúi người tạ lỗi với ông...
Võ sư Phan Minh Hải nhớ lại: "Ông ngoại tôi cho rằng khi người ta thua một chiêu thức hay một trận đấu, không có nghĩa là môn phái họ kém cỏi. Điều quan trọng là họ đã tiếp thu được gì trong tinh hoa võ thuật ấy. Vì vậy, ông luôn nhắc nhở con cháu và đệ tử rằng thắng đừng kiêu, bại chớ nản".
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/tuyet-chieu-doc-xa-tham-nguyet-196250114140651665.htm