Tuyệt chiêu mới của 'ông trùm' Alibaba và JD.com
Thông qua các thương vụ thâu tóm tỷ USD trong lĩnh vực dịch vụ hậu cần thương mại điện tử (e-logistics), các 'ông trùm' thương mại điện tử Trung Quốc đang định hình lại cuộc chơi khi 'mảnh đất' chuyển phát nhanh vẫn còn thưa và trên bản đồ ngành chưa có nhiều 'ngôi sao' xuất hiện.
Cánh tay nối dài của “ông trùm” Alibaba
Gần đây, thị trường thương mại điện tử và logistics Việt Nam dấy lên thông tin sắp xuất hiện đối thủ mới. Đó là BEST Inc. - công ty chuyển phát nhanh có trụ sở ở Hàn Châu (Trung Quốc) sẽ chính thức kinh doanh dưới hình thức nhượng quyền thương hiệu tại Việt Nam, cung cấp 2 dịch vụ: kinh doanh nhượng quyền bưu cục và chuyển phát nhanh.
Để vào được thị trường Việt Nam nhanh chóng, BEST Inc. đầu tư vào VNC (VNCPOST - thương hiệu giao hàng thuộc Công ty TNHH Vinacapital Việt Nam). Bước đi này sẽ giúp BEST Inc. khai thác hiệu quả độ phủ thị trường sẵn có từ VNC. Bên cạnh đó, những kinh nghiệm về tâm lý người tiêu dùng Việt cũng rất có giá trị với ngoại binh như BEST Inc.
Đáng chú ý, BEST Inc. được cho là cánh tay nối dài của Tập đoàn Alibaba của tỷ phú Jack Ma. Năm 2017, sau thương vụ IPO nhiều tháng ế ẩm ở thị trường Mỹ, BEST Inc. được Alibaba đầu tư thêm khoảng 150 triệu USD.
Alibaba cũng là cổ đông lớn nhất của BEST Inc. trước khi IPO với 23,4% cổ phần. Ngoài ra, Cainiao Smart Logistics Network (công ty hậu cần của Alibaba) sở hữu 5,6%. Các nền tảng mua sắm trực tuyến của Alibaba như Taobao, Tmall sở hữu 69% lưu lượng giao hàng của BEST Inc. thời điểm đó.
Khoảng 2 năm trở lại đây, dịch vụ e-logistic trở thành “tuyệt chiêu” mới của Alibaba. Đặc biệt, e-logistics là động lực chính thúc đẩy sự phát triển thương mại điện tử tại châu Á. “Gã khổng lồ” thương mại điện tử này đang từng bước mở rộng thị trường quốc tế của mình thông qua nhiều thương vụ M&A trong lĩnh vực e-logistics với các hãng dịch vụ viễn thông trên thế giới như SingPost, AustraliaPost, Correios.
Trong đó, Alibaba đã chi 138,6 triệu USD để mua cổ phần của Công ty Bưu chính Singapore (SingPost). Hồi tháng 5/2016, Tập đoàn cũng đã bỏ ra 249 triệu USD để mua 10,35% cổ phần đơn vị này.
Cùng với kế hoạch nắm giữ 14,52% cổ phần SingPost, Alibaba bỏ thêm 67,85 triệu USD để mua 35% cổ phần Công ty Quantium Solutions International (QSI) - một chi nhánh của SingPost chuyên cung cấp dịch vụ logistics và giải pháp lưu kho cho hơn 10 quốc gia trên khắp khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Trước đó, Alibaba đầu tư 5,3 tỷ nhân dân tệ (khoảng 800 triệu USD) vào Logistics Cainiao (Trung Quốc) để nâng cổ phần của mình từ 47% lên 51%. Số vốn này nằm trong tổng số 15 tỷ USD mà Alibaba sẽ đầu tư trong 5 năm nhằm xây dựng mạng lưới giao hàng nhanh mọi nơi trên thế giới.
Chiến lược bán lẻ mới và đặt cược vào Đông Nam Á
Ông Daniel Zhang, Giám đốc điều hành Alibaba, người sẽ kế vị chức Chủ tịch Alibaba của Jack Ma vào ngày 10/9/2019 tới đây cho rằng, Tập đoàn đang tiếp tục chiến lược “bán lẻ mới” để đem đến những trải nghiệm mua sắm liền mạch cho người mua.
Để thực hiện chiến lược đó, Alibaba sẽ liên tục bắt tay với các đối tác logistics để xây dựng mạng lưới toàn cầu có thể giao hàng mọi nơi ở Trung Quốc trong 24 giờ và ở nước ngoài trong 72 giờ. Trong đó, các kênh bán hàng trực tiếp ở Indonesia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam là đích đến. Tuy nhiên, châu Á hay Đông Nam Á vốn là thị trường đầy tiềm năng, không chỉ riêng Alibaba để mắt tới. Tại đây, Alibaba đang phải đối mặt với JD.com và Amazon.com
Không giống như JD và Amazon kinh doanh bằng cách bán sản phẩm trực tiếp cho người tiêu dùng, Alibaba có các kênh mua sắm trực tuyến lớn được phân phối bởi hàng ngàn nhà bán lẻ độc lập.
Điều này đặt Alibaba vào tình thế bất lợi về hậu cần, vì phải dựa vào đối tác thứ ba để vận chuyển hàng hóa đến người tiêu dùng. Trong khi, Amazon và JD có thể đóng gói, vận chuyển hàng hóa trực tiếp, nhanh chóng từ kho của mình.
Để thu hẹp khoảng cách đó, Alibaba đã thiết lập Cainiao cung cấp dịch vụ hỗ trợ hậu cần cho các đối tác thương mại. Công ty đang lên kế hoạch cho mô hình “bán lẻ mới” kết hợp mua sắm trực tuyến với mua hàng truyền thống.
Alibaba đang trong quá trình cải thiện phương thức bán lẻ xuyên biên giới, vốn là hoạt động rất tốn kém và dễ bị chậm trễ trong vận chuyển bởi sự kiểm tra gắt gao của hải quan các nước.
Năm ngoái, Alibaba đầu tư thêm 2 tỷ USD vào Lazada, nâng mức đặt cược vào thị trường thương mại điện tử ở Đông Nam Á lên 4 tỷ USD, đồng thời, đưa một trong những nhà điều hành cấp cao nhất của “đế chế” thương mại điện tử Trung Quốc - bà Lucy Peng trở thành Giám đốc điều hành (CEO) mới của Lazada.
Bủa vây Việt Nam
Việc các ông lớn không ngại chi số tiền “khủng” để thâu tóm các công ty trong hệ sinh thái thương mại điện tử và
e-logistics ở Đông Nam Á cho thấy, đây thực sự là thị trường tiềm năng và cũng rất khốc liệt. Đặc biệt, tại thị trường trên 96 triệu dân như Việt Nam, với mức tăng trưởng lên tới 22%/năm của thương mại điện tử (theo Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam), lĩnh vực này đang trở thành thị trường tiềm năng cho mảng logistics.
Sau khi nhận 4 tỷ USD từ Alibaba, Lazada sẽ tập trung phát triển mạng lưới giao nhận đáp ứng tốc độ tăng trưởng tại Việt Nam. “Chúng tôi sẽ sớm hoàn thành mục tiêu xây dựng hệ sinh thái giao nhận. Cụ thể là, xây dựng kho bãi mới tại Hà Nội, TP.HCM và dự kiến hoàn thành trong năm tới, tăng 50% số lượng trung tâm xử lý đơn hàng tại Hà Nội, nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin của toàn bộ trung tâm xử lý đơn hàng”, ông Fabian Wandt, CEO Công ty Giao nhận Lazada e-Logistics cho hay.
Với tân binh BEST Inc., Alibaba sẽ đầu tư mạnh tay để thực hiện mô hình tiên phong về nhượng quyền kinh doanh bưu cục tại Việt Nam. Mua lại VNC, BEST Inc. sở hữu lợi thế về độ phủ thị trường với mạng lưới 90 bưu cục rộng khắp từ VNC. Đồng thời, Hãng sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng hoàn thiện 7 trung tâm khai thác với dây chuyền phân loại hàng hóa chuẩn quốc tế, hiện đại khắp từ Bắc vào Nam. Dự kiến, BEST Inc. sẽ mở rộng đến hơn 300 bưu cục vào cuối năm 2019.
Sự đầu tư mạnh tay của Lazada và màn ra mắt của BEST Inc. liệu có gây náo loạn thị trường Việt Nam? Hiện nay, hạ tầng logistics tại Việt Nam vẫn còn một số hạn chế, vì vậy, sự tham gia của càng nhiều người chơi còn góp phần thúc đẩy sự phát triển của logistics, tạo ra nhiều giá trị hơn cho khách hàng...
Theo ông Henry Low Kwee Kok, CEO TikiNOW Smart Logistics, thị phần thương mại điện tử tại Việt Nam vẫn khiêm tốn so với tổng thị trường bán lẻ, chỉ đạt khoảng 3%, trong khi con số này ở Trung Quốc là 20% và Indonesia là 6%. Sự thâm nhập thị trường chủ yếu tập trung ở TP.HCM và Hà Nội, ngoài ra, thị trường ở khu vực nông thôn cũng còn rất nhiều cơ hội để khai thác.
Trong khi đó, Tiki có sự “chống lưng” của JD.com - tập đoàn thương mại điện tử lớn thứ hai ở Trung Quốc, với tổng giá trị 2 lần bơm vốn khoảng gần 100 triệu USD trong năm 2017 và trở thành cổ đông lớn nhất của Tiki.
Ông Trần Ngọc Thái Sơn, sáng lập, kiêm Chủ tịch HĐQT Tiki kỳ vọng, những kỹ năng, kinh nghiệm, quy trình vận hành, quản lý, công nghệ của JD.com sẽ giúp Tiki thực hiện tham vọng thành đế chế thương mại điện tử số một Việt Nam.
Theo ông Henry Low Kwee Kok, vào đầu những năm 2010, lợi thế cạnh tranh của các đơn vị 3PL (third-party logistics - hậu cần bên thứ 3) là độ phủ và giá cả. Tuy nhiên, ngày nay, các đơn vị này phải cạnh tranh nhiều hơn về chất lượng dịch vụ và các giá trị gia tăng cho khách hàng.
Các công ty đa quốc gia có khá nhiều lợi thế về hệ thống và quy trình, nhưng họ cũng phải đối mặt với một số thách thức như thói quen, văn hóa... của khách hàng Việt Nam. Đây là “chiêu” để các tay chơi trong nước tối đa hóa khả năng cạnh tranh của mình và chính là lý do vì sao, Tiki cực kỳ chú trọng mở rộng và cải thiện hệ thống fulfillment center (trung tâm tiếp nhận, lưu trữ, xử lý hàng hóa) cùng dịch vụ giao vận.
Tiki đang sở hữu hơn 50.000 m2 fulfillment center trên toàn quốc, cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh với tốc độ trung bình trên toàn quốc đạt 2 ngày cùng nhiều loại dịch vụ giao hàng, như point-to-point, giao hàng trong 2 giờ TikiNOW, giao hàng trong ngày, giao hàng trong ngày hôm sau và thậm chí là vận chuyển xuyên biên giới.
Mặc dù vậy, thương mại điện tử và e-logistics là cuộc đua đường dài và “đốt tiền”, bởi các tên tuổi trên thị trường vẫn ghi nhận mức lỗ khủng. Năm 2018, Tiki lỗ 757 tỷ đồng, gấp gần 3 lần so với năm 2017, qua đó nâng tổng lỗ lũy kế của Tiki đến cuối năm 2018 vào khoảng 1.300 tỷ đồng. Trước đó, Lazada cũng từng có mức lỗ này vào các năm 2015 -2016 và lỗ lũy kế đến cuối 2017 là hơn 3.100 tỷ đồng. Shopee cũng lỗ lũy kế trên 800 tỷ đồng đến cuối năm 2017.