Tuyệt chiêu xử lý đồ ăn thừa ngày Tết
Hết Tết mà tủ lạnh vẫn đầu ăm ắp thức ăn lưu trữ từ trong Tết sẽ làm cho các bà nội trợ đau đầu. Những gợi ý dưới đây phần nào giúp các bạn 'dọn tủ' bằng cách chế biến món ăn ngon từ lượng thức ăn dư thừa đó.
Giò chả
Giò chả là món nhà nào cũng có trong dịp Tết mà lại là món hay thừa nhất. Sau Tết các món có thể dùng đến giò chả cũng khá nhiều nhé:
Thịt kho chả: Món này ăn xôi buổi sáng thì cực tốn, nhớ làm thêm ít dưa chuột dấm để chống ngán.
Giò rim nước mắm và hạt tiêu: Đưa cơm cực kỳ.
Bún thang: Dùng giò nạc thái chỉ.
Giò thái sợi + thịt luộc + trứng tráng thái sợi + rau sống cuốn chấm nước mắm chua ngọt. Món này ăn vào Tết rất thích vì mát và nhẹ bụng.
Món bánh cuốn sẽ giúp bạn giải quyết chả dư đó. Bánh cuốn ăn kèm nước mắm ngon sẽ làm bạn ăn hoài không chán.
Bánh chưng, bánh tét rán
Bánh chưng và bánh tét là hai món ăn không thể thiếu của mỗi gia đình mỗi dịp Tết đến xuân về. Sau Tết chắc hẳn rất nhiều gia đình vẫn còn thừa bánh chưng và bánh chưng rán thường được nhiều người lựa chọn để ăn đổi bữa.
Cách làm bánh chưng rán bằng nồi chiên không dầu rất đơn giản. Bạn chỉ cần cắt bánh chưng thành các miếng tùy ý thích, sau đó có thể lót giấy bạc, giấy nến rồi cho bánh chưng vào nồi chiên không dầu và set nhiệt độ khoảng 180 độ trong 10 phút, sau đó bạn lật mặt bánh và để tiếp trong 10 phút là được.
Cơm chiên
Món ăn này quá tiện lợi để tận dụng đồ thừa sau Tết. Các bạn có thể sử dụng chả lụa, lạp xưởng, xúc xích và các loại rau củ còn thừa trong Tết, thậm chí có thể kết hợp cùng thịt heo kho, xé nhỏ rồi đảo cùng cơm nữa.
Đầu và vỏ tôm
Dịp tết, món tôm được sử dụng làm món ăn: Tôm cho vào nhân nem, tôm tẩm bột chiên, tôm xào thập cẩm, vv món nào cũng cần bóc vỏ, bỏ đầu. Và kết quả là cả đống đầu và vỏ tôm sẽ bị bỏ đi thật là lãng phí.
Vì vậy, đây là một vài gợi ý để tận dụng nguyên liệu thừa này: Đầu tôm tươi xay và lọc (giống như cua xay), nấu canh với bầu/bí băm/thái sợi rất ngon và ngọt, gạch tôm và thịt tôm cũng nổi lên mặt bát canh nhìn rất hấp dẫn.
Sấy sơ đầu tôm ở 150 độ trong 20-30p đến khi thấy đầu tôm khô hết nước và đỏ au. Đem đầu tôm nấu lấy nước dùng được rất nhiều việc. Chẳng hạn, cho thêm vào nồi nước gà khi nấu canh bóng, hoặc nước bún thang thay cho nước đầu tôm he. Hoặc nấu đầu tôm đã sấy với củ cải, su hào, cà rốt thành một loại nước dùng rất ngọt và thanh.
Nước dùng này buổi sáng chỉ cần thả vài viên sủi cảo, con tôm và quả trứng cút và mấy cái nấm hương, thêm chút hẹ là có được ngay bát sủi cảo ăn sáng siêu ngon. Nếu không có sẵn các món đồ đó mình có thể thả ngay túi Mandu mua ở siêu thị cũng được một bữa sáng ngon lành rồi.
Trái cây các loại
Tết nào nhà cũng đầy ắp trái cây từ táo, lê, nho, cam, thanh long,... Ăn mãi cũng chán nên phải nghĩ cách xử lý hết đống trái cây này cho thật nhanh.
Dưới đây là một vài món đơn giản, hi vọng có thể là gợi ý cho các bạn cùng làm:
Trái cây trộn thập cẩm: Táo, lê, thanh long, cam, dưa hấu... cắt miếng nhỏ (hạt lựu), cho chút rượu rum, nước cam và vài thìa đường trộn đều là cả nhà đánh bay 1 bát tô lớn.
Trái cây trộn sữa chua: Cắt nhỏ và trộn với sữa chua (quá nhanh và dễ lại healthy).
Trái cây sấy: Món này con gái mình hay làm cho mẹ. Các loại trái cây như cam, táo, lê, thanh long chỉ đơn giản cắt lát và sấy trong lò nướng khoảng 3 tiếng ở nhiệt độ 100 độ C hoặc đến khi trái cây đủ khô. Trái cây sấy uống cùng trà tuyệt ngon, bảo quản bằng cách hút chân không và cất tủ lạnh dùng dần.
Trái cây làm sinh tố thập cẩm.
Nếu làm hết các món rồi mà chưa hết, các bạn hầm trái cây lấy nước cốt để làm nước dùng cho các món chay (nước canh, nước lẩu,...) rất ngon ngọt tự nhiên.
Trái cây không nên để lâu quá vì sẽ làm mất vitamin, do đó, bạn nên xử lý trong vòng 1 tuần sau Tết.
Không nên cố chế biến lại những món ăn có dấu hiệu hư hỏng vì sẽ gây nguy hại cho sức khỏe các thành viên trong gia đình.
Nếu muốn bánh, mứt giữ được lâu, bạn nên cho vào lọ thủy tinh hút chân không hoặc những túi kín để giữ trọn vị thơm, ngon.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/gia-dinh/tuyet-chieu-xu-ly-do-an-thua-ngay-tet-A91zxrEMR.html