Tuyệt đối không ăn so biển, tránh ngộ độc thực phẩm
Thời gian gần đây, số ca ngộ độc do ăn so biển có xu hướng tăng. Dù biết so biển có độc, nếu không cẩn trọng trong chế biến sẽ bị ngộ độc, nguy cơ tử vong cao. Tuy nhiên, vì chủ quan trong chế biến, sử dụng dẫn đến nhiều trường hợp phải nhập viện cấp cứu.
Nhiều người nhập viện vì ngộ độc sau ăn so biển
Gần đây nhất là ông N.V.T. (55 tuổi, trú tại Hoàng Tân, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh) nhập viện cấp cứu sau khi ăn so biển. Trước khi nhập viện, ông T. đã bị ngộ độc nhẹ với biểu hiện nôn mửa, tiêu chảy sau khi ăn con so biển, nhưng vẫn chủ quan nghĩ không sao.
Lần này hàng xóm đi biển bắt được con so biển, khi chế biến xong có mời ông T. sang ăn cùng. Sau khi ăn khoảng 5 phút, ông T. thấy tê bì đầu môi, ngón tay, mệt rũ toàn thân và lập tức được đưa đến cấp cứu tại Trung tâm Y tế (TTYT) thị xã Quảng Yên trong tình trạng lơ mơ, thở yếu do liệt cơ hô hấp.
Lúc này, bác sĩ nhanh chóng đặt nội khí quản để hỗ trợ hô hấp và chuyển người bệnh đến Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí.
Ngay khi tiếp nhận người bệnh, các bác sĩ Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí thăm khám lâm sàng, cận lâm sàng và xác định người bệnh bị ngộ độc so biển.
Các bác sĩ đã nhanh chóng thực hiện các biện pháp xử trí thải độc theo phác đồ, kháng sinh, thở máy, chống độc đặc hiệu. Sau 3 ngày điều trị tích cực, người bệnh đã tỉnh táo, tự thở được, còn cảm giác tê tay, yếu chân và đau đầu. Sau khi sức khỏe ổn định, ông T. được xuất viện về nhà.
Qua trường hợp trên, bác sĩ Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí khuyến cáo, trong con so biển có chứa độc tố tetrodotoxin, với độc tính rất mạnh, bền với nhiệt, các biện pháp chế biến hiện nay không đảm bảo loại trừ hết nguy cơ gây ngộ độc. Đáng chú ý, độc tố gây ảnh hưởng đến thần kinh (đặc biệt là liệt) và ảnh hưởng đến tim mạch, tiêu hóa.
Với liều độc thấp có thể gây rối loạn cảm giác như: tê môi, lưỡi, tay, chân, liệt các cơ vận động. Trường hợp nặng có thể dẫn đến suy hô hấp, rối loạn nhịp tim, tụt huyết áp khiến người bệnh nhanh chóng rơi vào tình trạng suy hô hấp, thiếu oxy não, tổn thương thần kinh và có thể tử vong nhanh chóng nếu không được cấp cứu kịp thời.
Trước đó, ngày 16/4, TTYT huyện Cô Tô (tỉnh Quảng Ninh) cũng đã tiếp nhận và cấp cứu cho 8 bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm do nghi ngờ ăn nhầm con so biển. Trong đó, có 3 bệnh nhân có biểu hiện nhiễm độc nặng, 5 bệnh nhân còn lại có biểu hiện nhiễm độc nhẹ.
Theo lời các nạn nhân, sau khi ăn con so biển khoảng 15 phút, họ thấy chóng mặt, tê đầu lưỡi, tê bì chân tay, tức ngực, buồn nôn và nôn ra thức ăn. Các nạn nhân sau đó, đã được đưa đến cấp cứu tại TTYT huyện Cô Tô trong tình trạng tê lưỡi, ngứa mặt, tê tay chân, tức ngực khó thở, chóng mặt, mạch nhanh, oxy giảm.
Trước tình thế khẩn cấp, các bác sĩ đã tiến hành gây nôn, rửa dạ dày bằng than hoạt tính, truyền dịch, lợi tiểu, thở ôxy qua gọng kính cho các bệnh nhân. Đến nay, 3 bệnh nhân có biểu hiện nhiễm độc nặng đã ổn định, hết tức ngực khó thở, hết tê bì chân tay, phân áp oxy bình thường, mạch huyết áp ổn định, còn mệt mỏi, choáng nhẹ.
Tương tự, vào hồi tháng 3/2023, các bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh cũng đã cấp cứu thành công nam bệnh nhân N.V.T. (nam, 42 tuổi) ở huyện Vân Đồn, làm nghề chài lưới, ngộ độc nguy kịch, suy hô hấp biến chứng ngừng tuần hoàn do ngộ độc khi ăn so biển.
Hàng năm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh tiếp nhận không ít trường hợp ngộ độc hải sản. Trong đó có những ca ngộ độc nặng, nguy kịch do ăn so biển như trường hợp của bệnh nhân T.
Phân biệt con sam và con so biển
Theo bác sĩ Phạm Tiến Dũng - Phó Giám đốc TTYT huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh, con sam và con so biển nhìn bề ngoài rất giống nhau. Hình dáng, kích thước con so với con sam khó phân biệt. Đặc biệt, con so biển có chất độc tetrodotoxin, không ăn được.
Nếu người dân không phân biệt được thì sẽ rất nguy hiểm vì đôi khi chỉ ăn nhầm một chút thôi cũng đã có triệu chứng nôn, khó thở, đau bụng, dị cảm tay chân, nặng hơn là sẽ ức chế hô hấp, ngừng tim, ngừng thở, nguy hiểm đến tính mạng. Hiện nay, chưa có thuốc giải độc chất tetrodotoxin.
Bác sĩ Phạm Tiến Dũng khuyến cáo, người dân cần nâng cao ý thức của bản thân, tuyệt đối không dùng so biển làm nguyên liệu thực phẩm dưới bất kỳ hình thức nào, không ăn dù chỉ một lần. Khi phát hiện người bị ngộ độc do ăn so biển, cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để sơ cứu, cấp cứu kịp thời.
Theo Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, con so và con sam đều sống ở vùng ven biển, đầm nước mặn và các cửa sông, có hình dạng giống hệt nhau tuy nhiên nếu ăn phải con so biển sẽ bị ngộ độc do có chứa độc tố tetrodotoxin.
Hằng năm, cả nước vẫn ghi nhận các vụ ngộ độc chết người do ăn trứng so biển. Con sam biển thường phân bố vùng ven biển, sống từng cặp, mỗi cặp làm tổ để sinh sống cùng nhau.
Mỗi cặp sam thường đẻ rất nhiều trứng, do đó, người ta thường bắt sam để lấy trứng ăn là chính. Sam trưởng thành nặng 1,5-2 kg. Chúng có vỏ cứng mình tròn vẹt, chiều dài khoảng 30 cm, dưới bụng có tám chân càng nhỏ, đuôi sam có gờ mặt lưng rất rõ, có gai trên gờ đuôi, tiết diện cắt ngang của đuôi có dạng hình tam giác.
Trong khi đó, so biển là một loài có độc, khi ăn có thể dẫn đến chết người. Loài này sống ở ven biển và nơi các dòng sông lách nước ngọt. Chúng có hình dạng rất giống sam biển nhưng kích thước nhỏ hơn và không đi theo thành từng cặp.
Chiều dài thân của so biển khoảng 20-25cm, không kể đuôi. Đuôi không có gờ mặt lưng, tiết diện cắt ngang của đuôi có dạng hình tròn, không có gai trên gờ đuôi.
Chất độc giết người trong loài so biển là tetrodotoxin, chất độc này tan trong nước, không bị nhiệt phá hủy. Chất độc này được hấp thu nhanh qua đường tiêu hóa, đạt nồng độ cao nhất trong máu sau 20-30 phút và chỉ mấy giờ sau khi ăn các triệu chứng ngộ độc xuất hiện.
Độc tố này tác động lên thần kinh trung ương, gây tê liệt cơ thể, ngừng tuần hoàn, hô hấp, nạn nhân tử vong nhanh chóng. Liều tử vong đối với người là 1-2 mg độc chất tetrodotoxin.
Vì vậy, các chuyên gia y tế khuyến cáo, người dân cần nâng cao ý thức của bản thân, tuyệt đối không dùng so biển làm nguyên liệu thực phẩm dưới bất kỳ hình thức nào, không ăn dù chỉ một lần.
Khi phát hiện người bị ngộ độc do ăn so biển với các triệu chứng nôn mửa, tê môi, miệng, chân, tay, lơ mơ, choáng váng, toàn thân biểu hiện mệt mỏi,… cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để sơ cứu, cấp cứu kịp thời.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/tuyet-doi-khong-an-so-bien-tranh-ngo-doc-thuc-pham.html