Tuyệt đối không chủ quan, lơ là khi lũ rút, bảo đảm an toàn hệ thống đê sông

Ngoài xảy ra 300 sự cố, mực nước các sông lớn vẫn ở mức cao đe dọa an toàn hệ thống đê sông. Các tỉnh, thành phố tuyệt đối không chủ quan, lơ là khi lũ rút.

Lũ sông Bùi, đoạn huyện Chương Mỹ vẫn đang vượt báo động cấp III. Ảnh Bảo Châu

Lũ sông Bùi, đoạn huyện Chương Mỹ vẫn đang vượt báo động cấp III. Ảnh Bảo Châu

Đài Khí tượng thủy văn khu vực đồng bằng và trung du Bắc Bộ dự báo, đêm nay (14-9), thành phố Hà Nội mưa vài nơi, thời tiết mát, nhiệt độ dao động 24-28 độ C. Ngày mai (15-9), thành phố Hà Nội nắng; chiều tối mưa rào và dông rải rác có thể kèm lốc, sét, gió giật mạnh.

Về thủy văn, mực nước sông Đà đang xuống; mực nước sông Hồng, sông Đuống đang xuống nhanh; mực nước sông Đáy đang xuống chậm. Dự báo đêm nay và ngày mai (15-9), mực nước các sông: Hồng, Đà, Đuống, Đáy, đoạn chảy qua thành phố Hà Nội tiếp tục xuống. Ngoài mực nước sông Đáy đang ở mức báo động lũ cấp II, các sông Hồng, Đà, Đuống đang ở mức dưới báo động lũ cấp I.

Về lũ sông nội địa, cơ quan trên cho biết, mực nước sông Bùi, sông Tích đang biến đổi chậm; sông Cầu, sông Cà Lồ đang xuống. Dự báo, 7h sáng mai, mực nước sông Bùi, đoạn huyện Chương Mỹ ở mức 7,73m, trên báo động lũ cấp III là 73cm. Sông Tích, đoạn huyện Quốc Oai, ở mức 8,55m, trên báo động lũ cấp III là 55cm. Sông Cà Lồ, đoạn huyện Đông Anh, ở mức 8,32m, trên báo động lũ cấp III là 32cm. Sông Cầu, đoạn huyện Sóc Sơn, ở mức 8,34m, trên báo động lũ cấp III là 34cm.

Với tốc độ tiêu thoát như hiện nay, tình trạng ngập lụt còn diễn ra nhiều ngày tới tại những vùng trũng, thấp, ven sông, bãi bồi ngoài đê thuộc địa bàn các huyện: Phúc Thọ, Thanh Oai, Ứng Hòa, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Quốc Oai, Thạch Thất, Đông Anh, Sóc Sơn... Cụ thể, vùng trũng thấp, ven sông Bùi ở huyện Chương Mỹ lũ rút sau 10-13 ngày, sông Tích khoảng 7-10 ngày, hạ lưu sông Cà Lồ 3-5 ngày, sông Nhuệ 2-3 ngày.

Theo Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) do ảnh hưởng của đợt mưa, lũ lớn, hệ thống sông Hồng - sông Thái Bình, sông Đáy, sông Hoàng Long… đã xảy ra hơn 300 sự cố, uy hiếp an toàn đê. Mặc dù lũ trên hệ thống sông đang xuống nhưng mực nước vẫn còn duy trì ở mức cao, nguy cơ tiếp tục xảy ra sự cố sạt lở đê, kè bảo vệ đê, sạt lở bờ, bãi sông…

Để bảo đảm an toàn hệ thống đê điều, tối 14-9, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai đề nghị các tỉnh, thành phố tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tập trung ứng phó lũ lớn, bảo đảm an toàn đê điều. Trong đó, tuyệt đối không chủ quan, lơ là khi lũ rút, tiếp tục kiểm tra, rà soát toàn bộ các tuyến đê; lưu ý theo dõi chặt chẽ diễn biến các khu vực đã xảy ra sự cố, rà soát các vị trí có nguy cơ xảy ra các sự cố sạt lở đê, kè bảo vệ đê, sạt lở bờ, bãi sông… khi lũ rút; tiếp tục duy trì lực lượng, vật tư, phương tiện, máy móc, thiết bị để hộ đê, bảo vệ trọng điểm đê điều xung yếu, kịp thời xử lý các sự cố xảy ra ngay từ giờ đầu, bảo đảm an toàn cho các tuyến đê…

Cập nhật về thiệt hại, cơ quan trên cho biết, tính đến 17h ngày 14-9, bão lũ, sạt lở đất những ngày vừa qua đã làm 276 người chết, 76 người mất tích. Cụ thể, tỉnh Lào Cai có 113 người chết, 59 người mất tích. Tỉnh Cao Bằng có 53 người chết, 5 người mất tích. Tỉnh Yên Bái có 53 người chết, 1 người mất tích. Tỉnh Quảng Ninh có 25 người chết. Tỉnh Phú Thọ có 1 người chết do sạt lở đất, 1 người chết do lũ và 8 người mất tích tại sự cố sập cầu Phong Châu…

Kim Nhuệ

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/tuyet-doi-khong-chu-quan-lo-la-khi-lu-rut-bao-dam-an-toan-he-thong-de-song-678196.html