Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng có nguồn vốn nhưng không giải ngân được ảnh hưởng tiến độ các chương trình mục tiêu quốc gia

Đó là chỉ đạo của Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) tỉnh Võ Văn Hưng tại cuộc họp đánh tình hình triển khai thực hiện các chương trình MTQG giai đoạn 2021- 2023, triển khai giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2024- 2025 vào sáng nay 10/11. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam dự họp.

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời chỉ đạo các địa phương triển khai xây dựng nông thôn mới đúng kế hoạch đề ra- Ảnh: NV

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời chỉ đạo các địa phương triển khai xây dựng nông thôn mới đúng kế hoạch đề ra- Ảnh: NV

Báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ: Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã hỗ trợ thiết thực cho người dân về cơ sở hạ tầng, chuyển đổi nghề, nâng cấp điều kiện sinh hoạt văn hóa, bảo vệ môi trường cũng như nâng cao ý thức tự chủ của người dân đối với sự phát triển của cộng đồng.

Theo đó, nguồn vốn đầu tư phát triển từ ngân sách trung ương năm 2022 đến ngày 31/1/2023 giải ngân 32.197 triệu đồng/150.630 triệu đồng, đạt 21,4%. Kế hoạch vốn ngân sách trung ương năm 2022 được phép kéo dài qua năm 2023 đến ngày 31/10/2023 giải ngân 83.370 triệu đồng/118.433 triệu đồng, đạt 70,4%. Kế hoạch vốn ngân sách trung ương năm 2023 đến ngày 31/10/2023 giải ngân 94.684 triệu đồng/192.739 triệu đồng, đạt 49,1%.

Nguồn vốn sự nghiệp, kế hoạch vốn bố trí năm 2023 và kế hoạch vốn năm 2022 được phép kéo dài thực hiện trong năm 2023 đến ngày 7/11/2023 đã giải ngân 36.964 triệu đồng/246.195 triệu đồng, đạt 15%.

Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, nguồn vốn đầu tư phát triển từ ngân sách trung ương năm 2022 đến ngày 31/1/2023 giải ngân 47.744 triệu đồng/123.622 triệu đồng, đạt 38,6%. Kế hoạch vốn ngân sách trung ương năm 2022 được phép kéo dài qua năm 2023 đến ngày 31/10/2023 giải ngân 62.003 triệu đồng/75.878 triệu đồng, đạt 81,7%. Kế hoạch vốn ngân sách trung ương năm 2023 đến ngày 31/10/2023 giải ngân 58.497 triệu đồng/79.518 triệu đồng, đạt 73,6%.

Nguồn vốn sự nghiệp, vốn bố trí năm 2023 và kế hoạch vốn năm 2022 được phép kéo dài thực hiện trong năm 2023 đến ngày 7/11/2023 giải ngân được 21.910 triệu đồng/193.682 triệu đồng, đạt 11%.

Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, nguồn vốn đầu tư phát triển từ ngân sách trung ương năm 2022 đến ngày 31/1/2023 giải ngân 92.993 triệu đồng/141.240 triệu đồng, đạt 65,8%. Kế hoạch vốn ngân sách trung ương năm 2022 được phép kéo dài qua năm 2023 đến ngày 31/10/2023 giải ngân 40.112 triệu đồng/48.247 triệu đồng, đạt 83,1%. Kế hoạch vốn ngân sách trung ương năm 2023 đến ngày 31/10/2023 giải ngân 61.615 triệu đồng/95.860 triệu đồng, đạt 64,3%.

Nguồn vốn sự nghiệp, vốn bố trí năm 2023 và kế hoạch vốn năm 2022 được phép kéo dài thực hiện trong năm 2023 đến ngày 7/11/2023 giải ngân được 8.495 triệu đồng/32.722 triệu đồng, đạt 26%.

Để thực hiện tốt các chương trình theo kế hoạch, Sở Kế hoạch và Đầu tư đề nghị UBND tỉnh kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành trung ương sớm ban hành, cập nhật, sửa đổi, bổ sung các văn bản hướng dẫn để thực hiện tốt các chương trình MTQG.

UBND tỉnh chỉ đạo Ban Dân tộc, Sở Tài nguyên và Môi trường quan tâm các trường hợp vướng mắc thủ tục đất đai trong thực hiện nội dung hỗ trợ nhà ở thuộc Dự án 1 Chương trình MTQG phát triển KT- XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cũng như chỉ đạo Sở Tài chính phối hợp với cơ quan chủ chương trình tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và kịp thời nắm bắt, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho đơn vị, địa phương trong quá trình triển khai thực hiện các nội dung, dự án sử dụng nguồn vốn sự nghiệp thuộc chương trình MTQG.

UBND huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị được giao vốn thực hiện dự án, tiểu dự án thuộc chương trình MTQG quyết liệt, chủ động đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện, đảm bảo giải ngân nguồn vốn đã bố trí theo quy định. Trong trường hợp có khó khăn, vướng mắc kịp thời báo cáo cơ quan chủ chương trình và cơ quan tổng hợp, quản lý vốn có phương án tháo gỡ.

Sau khi nghe lãnh đạo các ngành, địa phương báo cáo nguyên nhân giải ngân nguồn vốn chậm, khó đảm bảo đúng lộ trình đề ra, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng cho rằng, các chương trình MTQG này đặc biệt quan trọng để thúc đẩy KT-XH của tỉnh phát triển, nâng cao đời sống cho người dân.

Do đó, yêu cầu các cấp, ngành liên quan bám sát quy định của nhà nước, tình hình thực tế địa phương, không né tránh, đùn đẩy công việc từ cấp này đến cấp khác, từ ngành này qua ngành khác mà phải nỗ lực, quyết tâm thực hiện cho bằng được nhiệm vụ được giao, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng có nguồn vốn nhưng không giải ngân được làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện chương trình MTQG.

Đối với Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, cấp ủy, chính quyền các địa phương và ngành liên quan quan tâm chỉ đạo thực hiện, trong đó chú trọng tổ chức lại sản xuất, tạo việc làm cho người lao động cũng như phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương. Tiếp tục triển khai các giải pháp huy động sức dân, doanh nghiệp tham gia đóng góp nguồn lực nhằm thực hiện tốt các tiêu chí sớm về đích nông thôn mới. Sở Nông nghiệp và PTNT tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời chỉ đạo các địa phương triển khai xây dựng nông thôn mới đúng kế hoạch đề ra.

Đối với Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững và Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, những khoản nào không giải ngân được, có thể chuyển nguồn sang năm sau thì tiến hành chuyển nhưng phải đảm bảo quy định để thúc đẩy KT-XH của tỉnh phát triển.

Nguyễn Vinh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/thoi-su-trong-tinh/tuyet-doi-khong-de-xay-ra-tinh-trang-co-nguon-von-nhung-khong-giai-ngan-duoc-anh-huong-tien-do-cac-chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia/181244.htm