Tuyệt vời nếu được thư khen của Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội
ĐBQH cho rằng thư khen của lãnh đạo Đảng, Nhà nước là nguồn động viên, khích lệ to lớn với những tập thể, cá nhân có thành tích.
Hôm nay (27/5), tiếp tục kỳ họp 3, Quốc hội khóa XV, các đại biểu dành thời gian thảo luận về Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi).
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP.HCM) cho biết, tại họp tổ về dự án luật này, ông đã đề nghị bổ sung thêm một hình thức khen thưởng là thư khen của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đối với những trường hợp cần sự động viên, khen thưởng kịp thời, tuy nhiên chưa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân phân tích, tại nhiều nước, học sinh cũng được Tổng thống, Thủ tướng gửi thư khen kịp thời, động viên các cháu khi có thành tích xuất sắc.
Theo đại biểu đoàn TP.HCM, ở Việt Nam chúng ta rất cần hình thức này.
"Nếu như bản thân tôi hay con cháu chúng tôi nhận được thư khen của Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ quả thật rất tuyệt vời. Vì các cháu sẽ phấn đấu làm tốt hơn, không cần phải làm những hồ sơ thi đua khen thưởng gì cả mà có ngay được cái thư khen", đại biểu Ngân nêu.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, ngay tại Quốc hội, cũng cần hình thức khen thưởng này.
"Thưa với Chủ tịch Quốc hội, ở Quốc hội mà tôi được Chủ tịch Quốc hội tặng một thư khen thì rất tuyệt vời", đại biểu Ngân nói.
Đồng thời ông Ngân cho rằng, nếu như trong một kỳ họp mà có những đại biểu Quốc hội tham gia thảo luận chuyên môn sâu, đóng góp rất nhiều trí tuệ, đưa ra những sáng kiến cho Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhìn nhận được và có thư khen ngay tại kỳ họp thì tinh thần cuộc họp sẽ phấn khởi hơn, đại biểu Quốc hội sẽ năng nổ, làm việc nhiều hơn, đóng góp công sức nhiều hơn.
"Chỉ cần một thư khen không cần thưởng", đại biểu Ngân nói và cho biết hiện tại, trong điều 9 dự thảo luật Thi đua khen thưởng về hình thức khen thưởng đã quy định 7 hình thức khen thưởng, gồm: huân chương; huy chương; danh hiệu vinh dự nhà nước; giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước; kỷ niệm chương, huy hiệu; bằng khen và giấy khen; thì giờ chỉ cần thêm một dòng thứ 8 là thư khen.
Đại biểu Ngân không đồng tình khi báo cáo tiếp thu giải trình gửi tới các đại biểu lý giải rằng cái này rất có lý nhưng phải đánh giá tác động và có thể bổ sung kỳ sau.
"Tôi nghĩ rằng tại sao ở đây chúng ta không làm luôn. Nó rất là phù hợp và rất động viên, không tốn kém gì cả. Một chữ ký của Chủ tịch Quốc hội là tuyệt vời lắm. Ở đây có Chủ tịch nước và Thủ tướng, tôi cũng rất mong lãnh đạo Nhà nước tặng nhiều thư khen thì sẽ động viên phong trào thi đua khen thưởng", đại biểu Ngân nhấn mạnh.
Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) bày tỏ đồng tình với ý kiến vừa phát biểu về quy định về thư khen của Thủ tướng, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội theo ý kiến của đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân.
Đại biểu cho rằng, thư khen của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước hết sức cao quý, sẽ có ý nghĩa động viên rất lớn cho các đối tượng được khen tặng, do vậy nên được bổ sung vào trong dự thảo Luật.
Ông Trí cũng bày tỏ nhất trí đối với phương án mở rộng đối tượng xét tặng danh hiệu "nghệ sĩ nhân dân", "nghệ sĩ ưu tú" cho cá nhân hoạt động trong các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật.
Các cá nhân bao gồm: diễn viên, đạo diễn, chỉ đạo nghệ thuật, chỉ huy dàn nhạc, biên đạo, quay phim, nhạc sĩ, họa sĩ, soạn giả, nhiếp ảnh, nhà văn, kiến trúc sư, phát thanh viên vào dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) như các đại biểu Quốc hội trước đã phát biểu với những phân tích rất xác đáng.