Twitter và tương lai khó đoán định sau khi về tay tỷ phú Elon Musk
Ngay sau khi hoàn tất thâu tóm Twitter, tỷ phú Elon Musk nhanh chóng để lại những dấu ấn đầu tiên ở công ty, được giới quan sát đặc biệt quan tâm vì tính chất khó dự đoán và chưa từng có tiền lệ.
Sau hơn nửa năm ồn ào kiện tụng qua lại, ngày 27/10 vừa qua, Twitter đã chính thức về tay tỷ phú Elon Musk, Chủ sở hữu hai công ty "tỷ đô" - Hãng xe điện Tesla và Công ty vận tải vũ trụ SpaceX.
Ngay sau khi hoàn tất thương vụ thâu tóm trị giá 44 tỷ USD này, tỷ phú Elon Musk đã nhanh chóng để lại những dấu ấn đầu tiên ở công ty, được giới quan sát đặc biệt quan tâm vì tính chất khó dự đoán và chưa từng có tiền lệ.
Tháng 4 năm nay, ông Musk đề nghị mua Twitter với giá 44 tỷ USD, trong đó mỗi cổ phiếu giá 54,2 USD. Tuy nhiên, ngày 8/7, ông tuyên bố chấm dứt thỏa thuận này với lý do Twitter gian lận về số lượng tài khoản giả mạo và tin nhắn rác trên nền tảng này cũng như từ chối trao cho ông toàn quyền xử lý lượng dữ liệu của công ty.
Twitter sau đó đã kiện ông Musk phá vỡ hợp đồng. Đến ngày 4/10, ông Musk bất ngờ đề nghị hoàn tất thương vụ mua lại Twitter với mức giá thỏa thuận ban đầu là 44 tỷ USD.
Sau khi tiếp quản điều hành mạng xã hội Twitter, tờ Washington Post ngày 28/10 đăng tin ông Musk đã ngay lập tức sa thải lãnh đạo cấp cao nhất của Twitter là Giám đốc điều hành (CEO) Parag Agrawal cùng Giám đốc tài chính (CFO) Ned Segal.
Cùng "ra đi" trong đợt "dọn dẹp" này còn có Trưởng bộ phận pháp lý - bà Vijaya Gadde và luật sư cố vấn chính Sean Edgett của Twitter.
Như vậy, tỷ phú Elon Musk trở thành giám đốc duy nhất của Twitter, và điều này được khẳng định trong văn kiện trình Ủy ban Chứng khoán và sàn giao dịch Mỹ (SEC) ngày 31/10.
Không chỉ sa thải toàn bộ dàn lãnh đạo cũ, hàng ngàn nhân viên của Twitter ngày 3/11 cũng nhận được tin nhắn qua thư điện tử (email) để thông báo về tình hình công việc của mình.
Nội dung bức thư nêu rõ Twitter sẽ trải qua quá trình khó khăn để giảm lực lượng lao động trên toàn cầu. Điều này sẽ ảnh hưởng đến một số cá nhân đã có những đóng góp có giá trị cho Twitter, nhưng hành động này là cần thiết để đảm bảo sự thành công cho công ty trong tương lai.
Được biết các nhân viên của Twitter đã chuẩn bị tinh thần đối với thông tin xấu này kể từ khi tỷ phú Musk hoàn tất thương vụ mua lại trị giá 44 tỷ USD. Và một đơn kiện tập thể đã ngay lập tức được gửi lên tòa án liên bang ở San Francisco sau khi tân CEO Elon Musk của hãng thông báo sa thải khoảng một nửa lực lượng lao động.
Trong đơn kiện, các nhân viên của Twitter khiếu nại công ty đang sa thải lượng lớn lao động mà không đưa ra thông báo đầy đủ nào và điều này vi phạm luật liên bang và luật của bang California.
Các nguồn thạo tin trước đó còn cho biết ông Musk cũng dự định đảo ngược chính sách làm việc linh hoạt (có thể làm việc từ xa) hiện hành của Twitter, yêu cầu các nhân viên đến văn phòng, nhưng vẫn có một số trường hợp ngoại lệ.
Song song với cắt giảm nhân sự, vị tỷ phú còn yêu cầu Twitter cắt 1 tỷ USD chi phí cơ sở hạ tầng hàng năm, đặt mục tiêu tiết kiệm từ 1,5 triệu-3 triệu USD/ngày từ máy chủ và dịch vụ đám mây trong "Kế hoạch cắt giảm sâu”.
Các nguồn tin cho biết việc cắt giảm mạnh tay chi phí cơ sở hạ tầng có thể khiến trang web và ứng dụng Twitter có nguy cơ "sập" trong các sự kiện quan trọng, khi người dùng đổ xô vào Twitter để xem và chia sẻ thông tin, chẳng hạn như trong thời điểm khủng hoảng hoặc các sự kiện chính trị lớn trong đó có cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ của Mỹ sắp tới.
Các bộ phận của Twitter đang phải "chạy đua" để trình bày kế hoạch tiết kiệm chi phí trước hạn chót là ngày 7/11. Một số nhân viên đã được yêu cầu làm việc cả tuần tại văn phòng để có thể kịp thời hạn. Nguồn tin hé lộ việc cắt giảm chi phí cũng có thể đến từ khoản chi tiêu cho các dịch vụ Google Cloud.
Một mặt cắt giảm nhân sự, tiết giảm chi phí hạ tầng, mặt khác, tỷ phú Elon Musk còn tính cách tăng nguồn thu cho mạng xã hội này khi thông báo sẽ tính phí người dùng Twitter Blue có tích xanh 8 USD/tháng, thay vì mức 5 USD/ tháng hiện nay.
Ông Musk khẳng định kế hoạch này không chỉ giải quyết vấn đề phát tán thông tin gây tranh cãi, tình trạng bỡn cợt trên mạng xã hội, mà còn tạo ra nguồn thu mới cho công ty.
Theo kế hoạch mới, người dùng Twitter có trả phí (được gọi là người dùng Twitter Xanh - Twitter Blue) sẽ nhận được dấu kiểm xanh nổi tiếng của nền tảng mạng xã hội này, theo đó xác nhận tài khoản này được xác minh chính chủ.
Hiện tính năng này mới chỉ được cung cấp cho các nhân vật nổi tiếng. Những người dùng đã nhận dấu kiểm xanh sẽ bị mất dấu hiệu này nếu không tuân thủ quy định đóng phí mới.
Trước đó, hơn 80% người dùng Twitter tham gia một cuộc thăm dò cho biết họ sẽ không trả tiền cho tích xanh. Khoảng 10% cho biết họ sẵn sàng trả 5 USD mỗi tháng.
Vốn là người theo chủ nghĩa chuyên chế về tự do ngôn luận, trong thư ngỏ ngày 27/10, ông Musk nói lý do khiến ông mua lại Twitter vì muốn có một diễn đàn tự do ngôn luận chung cho mọi người, để mọi quan điểm, niềm tin đều có thể được thảo luận lành mạnh mà không cần dùng tới bạo lực.
Ông Musk từng cam kết sẽ nới lỏng các quy định kiểm soát nội dung tên Twitter, trong đó có việc đảo ngược các lệnh cấm vĩnh viễn với một số tài khoản.
Tuy nhiên, các nguồn thạo tin ngày 31/10 cho hay tỷ phú Elon Musk đã đảm bảo với Ủy ban châu Âu rằng Twitter sẽ tuân thủ các quy tắc "cứng rắn" của châu Âu về kiểm soát nội dung trực tuyến bất hợp pháp.
Điều này khiến người dùng Twitter đặt ra câu hỏi liệu mạng xã hội này sắp tới sẽ có nhiều giới hạn hơn về nội dung?
Theo giới quan sát, có thể sẽ không cần phải đợi lâu nữa để kiểm chứng cách tiếp cận với tự do ngôn luận của tỷ phú Musk khi tới đây sẽ diễn ra sự kiện chính trị lớn là bầu cử giữa nhiệm kỳ của Mỹ.
Twitter từng cam kết sẽ cấm mọi thông tin gây nhiễu loạn về việc bỏ phiếu cũng như kết quả bầu cử, nhưng đó là trước khi ông Musk sở hữu mạng xã hội này.
Trong diễn biến liên quan, hãng sản xuất ô tô General Motors của Mỹ đã trở thành doanh nghiệp lớn đầu tiên ngừng quảng cáo trên Twitter sau khi tỷ phú Elon Musk tiến hành nhiều cải tổ. Theo sau đó là nhiều doanh nghiệp hàng đầu thế giới như: tập đoàn chuyên sản xuất và kinh doanh thực phẩm tiêu dùng của Mỹ General Mills; hãng sản xuất ô tô Volkswagen của Đức; tập đoàn dược phẩm Pfizer; công ty thực phẩm Mondelez International của Mỹ - vốn nổi tiếng với thương hiệu bánh Oreo.
Tân Giám đốc điều hành của mạng xã hội trực tuyến Twitter đã cố gắng xoa dịu lo lắng của các nhà quảng cáo - vốn là nguồn thu nhập chính của hãng, theo đó đảm bảo với họ rằng trang mạng này sẽ không trở thành “nơi mọi người tùy tiện mắng nhiếc nhau”, đồng thời ông thông báo thành lập một hội đồng điều độ nội dung.
Người phát ngôn của General Mills cho biết doanh nghiệp này sẽ ngừng quảng cáo trên Twitter và sẽ theo dõi tình hình, cũng như đánh giá chi phí tiếp thị của tập đoàn.
Hãng hàng không United Airlines là cái tên mới nhất gia nhập danh sách các công ty quyết định ngừng quảng cáo trên mạng xã hội Twitter.
Trước đó, việc Giám đốc tiếp thị Twitter Sarah Personette thông báo từ chức cũng khiến nhiều nhà quảng cáo cảm thấy hoang mang với chính sách tương lai của nền tảng này.
Trải qua 10 ngày đầu tiên dưới quyền điều hành của tân CEO đầy sóng gió, giới truyền thông Mỹ cho rằng đây mới chỉ là khởi đầu cho một chương mới của sự thiếu chắc chắn tại Twitter. Chưa chuyên gia nào dám đưa ra nhận định chính xác về những gì sẽ diễn ra trong cách vận hành và phát triển của Twitter, cũng như trả lời câu hỏi: "Ông Musk định làm gì với mạng xã hội này?"./.