Tỷ giá căng thẳng trở lại, có đáng lo?

Tính đến ngày 27/6, tỷ giá USD trên thị trường tự do tiếp tục tăng mạnh, vượt ngưỡng 26.000 đồng/USD. Các ngân hàng thương mại cũng tăng giá mua - bán đồng USD.

Tỷ giá trung tâm tăng lên mức 24.258 đồng. Sau 2 tháng gần như đi ngang, tỷ giá lại căng thẳng trở lại.

Viêc tỷ giá tăng trở lại không quá bất ngờ. Trong báo cáo cập nhật kinh tế mới nhất về Việt Nam, Ngân hàng Standard Chartered dự báo nền kinh tế có thể vẫn còn phải đối mặt với những thách thức trong quý III trong bối cảnh áp lực giá cả, tỷ giá và nhu cầu suy giảm trên toàn cầu.

Mặt khác, giá USD trên thị trường quốc tế cũng đi lên những ngày gần đây, kéo tỷ giá trong nước tăng. Trong tháng 6/2024, đồng USD có xu hướng phục hồi nhẹ, tăng 0,8% so với cuối tháng 5.

Diễn biến này có thể là yếu tố tỷ giá có thể thúc đẩy Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tăng lãi suất trong quý IV hoặc sớm hơn, theo ADB. Các động thái từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ là yếu tố trọng yếu ảnh hưởng đến các quyết định chính sách của NHNN.

Giới chuyên gia phân tích, việc Fed hạ lãi suất muộn và thấp hơn nhiều so với dự báo đầu năm sẽ khiến áp lực tỷ giá USD/VND trở thành vấn đề thường trực. Không những thế, áp lực này có thể gia tăng thêm trong mùa Hè khi cán cân thương mại đang nghiêng về nhập siêu để chuẩn bị cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu cuối năm.

Có nhiều lý do để lo ngại rủi ro giảm giá đối với VND vẫn còn hiện hữu với nguy cơ đồng USD tăng trở lại trong nửa cuối năm 2024. Đó là sự phục hồi của đồng USD trong tháng qua diễn ra khi một số ngân hàng trung ương (T.Ư)đã bắt đầu cắt giảm lãi suất chính sách trong khi lãi suất của Fed vẫn giữ nguyên.

Hiện tại, thị trường vẫn đang dò tìm kỳ vọng về thời điểm và mức độ cắt giảm lãi suất của các ngân hàng T.Ư. Việc Fed chần chừ trong việc cắt giảm lãi suất trong khi các ngân hàng T.Ư khác như Ngân hàng T.Ư châu Âu (ECB), Ngân hàng T.Ư Anh (BoE), Ngân hàng Quốc gia Thụy Sỹ (SNB) tiến hành cắt giảm lãi suất sớm và nhiều hơn có thể khiến cho chênh lệch lãi suất giữa Mỹ và các nước khác gia tăng. Điều này ít nhất sẽ giữ cho nhu cầu đối với đồng USD vẫn mạnh.

Bên cạnh đó, bất ổn địa chính trị kéo dài sẽ được bổ sung bằng cuộc bầu cử Mỹ sắp diễn ra vào cuối năm nay. Trong đó, kịch bản nổi lên là nguy cơ thuế quan với hàng Trung Quốc và áp lực mất giá đối với đồng nhân dân tệ (NDT).

Đánh giá về ảnh hưởng của việc tỷ giá trên thị trường tự do tăng mạnh, giới chuyên gia nhìn nhận, khối lượng giao dịch trên thị trường tự do là rất nhỏ trong tổng thể hoạt động của thị trường ngoại hối trong nước.

Gần như toàn bộ giao dịch phục vụ nhu cầu xuất nhập khẩu, vay trả nợ nước ngoài, đầu tư nước ngoài của các DN và các giao dịch hợp pháp của cá nhân như du học, du lịch, kiều hối… đều diễn ra trên kênh giao dịch ngân hàng. Do vậy, các biến động lớn hơn nếu có từ thị trường tự do không phải là yếu tố trọng yếu có thể gây áp lực lên sự ổn định của thị trường.

Gần đây, NHNN đã có động thái mới được cho là bước đi tiếp theo trong nỗ lực kiểm soát tỷ giá. Trong hai phiên giao dịch gần đây (ngày 21/6 và 24/6), nhà điều hành đã giảm kỳ hạn tín phiếu xuống 14 ngày nhưng lãi suất trúng thầu vẫn được giữ nguyên ở mức 4,25%/năm, sau thời gian dài chào bán tín phiếu có kỳ hạn 28 ngày.

Động thái này được cho là nhằm tăng tính hấp dẫn cho công cụ hút thanh khoản tiền đồng, từ đó nâng cao mặt bằng lãi suất VND liên ngân hàng trong bối cảnh áp lực tỷ giá vẫn còn hiện hữu và lãi suất liên ngân hàng tại các kỳ hạn dưới 1 tháng giảm mạnh trong những phiên gần đây.

Hà Lâm

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ty-gia-cang-thang-tro-lai-co-dang-lo.html