Tỷ giá tạm giảm nhiệt
Cùng nhịp với giá vàng, trên thị trường ngoại hối, USD cũng đồng thời hạ nhiệt. Ngày 13/3, các điểm mua bán ngoại tệ giảm mạnh chiều mua vào 160 đồng xuống 25.320 đồng và hạ 40 đồng chiều bán ra xuống 25.550 đồng.
Qua 2 phiên, giá USD tự do giảm 180 đồng chiều mua và hạ 150 đồng chiều bán, quanh mức 25.320 - 25.550 đồng/USD. Hiện giá USD trên thị trường tự do đang ở quanh mốc 25.500 đồng/USD, tăng 3,3% so với đầu năm. (Trước đó, trong năm 2023, USD trên thị trường tự do tăng 4,2%). Tỷ giá USD tại các ngân hàng biến động không đáng kể, neo quanh 24.430 - 24.800 đồng, tăng 1,32% so với đầu năm.
Vừa qua với việc duy trì lãi suất thấp, đồng VND bớt hấp dẫn, ngược lại việc nắm giữ USD có lợi thế hơn. Kết hợp thêm yếu tố giá vàng làm tăng áp lực tỷ giá cả thị trường chính thức lẫn phi chính thức.
Theo quan sát của Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới càng lớn, áp lực tăng giá của tỷ giá USD/VND càng mạnh, đặc biệt trên thị trường tự do.
Theo Theo thống kê của Hội đồng Vàng thế giới vài năm gần đây, năm ngoái, Việt Nam tiêu thụ khoảng 55,5 tấn vàng. Lượng vàng khai thác trong nước mỗi năm chỉ vài tấn, như vậy đa phần nhu cầu vàng trên thị trường được đáp ứng thông qua việc thu mua từ người dân và vàng nhập từ con đường không chính ngạch, trong đó có cả nhập lậu.
“Chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới luôn duy trì ở mức 15 - 18 triệu đồng thậm chí 20 triệu đồng/lượng càng kích thích nhập lậu vàng, gây áp lực lớn lên tỷ giá” - TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho biết.
Giới chuyên gia bình luận việc phát hành tín phiếu vừa qua (sau 4 tháng tạm ngưng) của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là động thái nhằm hạ áp lực tỷ giá, kìm hãm dòng tiền đầu cơ trên thị trường.
3 phiên liên tiếp (11 - 13/3), nhà điều hành đã hút về gần 45.000 tỷ đồng ra khỏi hệ thống ngân hàng qua kênh tín phiếu với kỳ hạn 28 ngày, lãi suất trúng thầu là 1,4%/năm. Thực tế, ngay sau khi NHNN có động thái hút tiền qua kênh tín phiếu, giá USD tự do đã quay đầu giảm mạnh trong hai phiên gần đây.
Tuy hạ nhiệt nhưng giá USD tại thị trường tự do vẫn cao hơn khá nhiều tại các ngân hàng thương mại. Giá USD mua vào trên thị trường tự do đang cao hơn 1.000 đồng/USD còn giá USD bán ra đắt hơn khoảng 700-800 đồng so với giá tại ngân hàng.
Ông Hồ Đức Thành - chuyên gia phân tích Chứng khoán KBSV cho rằng, tỷ giá hiện vẫn chịu áp lực khi chỉ số USD Index duy trì cao. Ngoài ra, "nhu cầu nhập khẩu lớn trong khi xuất khẩu tiền thực chảy về chậm hơn. Cả hai vấn đề này đều chỉ có thể giải quyết khi Fed hạ lãi suất hoặc lãi suất VND tăng (giảm chênh lệch lãi suất VND-USD) hoặc cả hai”.
Một chuyên gia tài chính khác nhận xét, diễn biến tỷ giá thời điểm này khác với thời điểm tháng 9 năm ngoái. Kinh tế năm 2023 tăng trưởng chậm, nhu cầu nhập khẩu tư liệu sản xuất và hàng hóa tiêu dùng giảm làm tăng xuất siêu, tức là tăng nguồn cung USD.
Tuy nhiên sang năm 2024, dự báo các hoạt động kinh tế và tiêu dùng sẽ sôi động hơn, kéo theo nhu cầu nhập khẩu tăng và khả năng xuất siêu giảm. Do vậy, tín phiếu và công cụ trên thị trường liên ngân hàng có khả năng chống đỡ hay không vẫn khó đoán định.
Theo PGS TS Nguyễn Hữu Huân, có thể động thái hút tiền về của NHNN nhằm hạn chế việc đầu cơ tỷ giá trong tình hình tỷ giá đang căng thẳng cả trong lẫn ngoài ngân hàng do ảnh hưởng bởi việc giá vàng tăng cao và do nhu cầu nhập khẩu đầu năm.
TS Huân cho rằng, với lượng tiền hút về nói trên sẽ chưa có ảnh hưởng đến thị trường, nhưng nếu NHNN hút liên tiếp nhiều phiên cùng khối lượng thì sẽ có ảnh hưởng.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện yêu cầu NHNN khẩn trương tổng kết Nghị định 24/2012/NĐ-CP ngày 3/4/2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng; đề xuất giải pháp quản lý hiệu quả thị trường vàng trong tình hình mới, hoàn thành trong quý I/2024.
PGS.TS Nguyễn Hữu Huân góp ý, NHNN cần sớm sửa Nghị định 24/2012 về quản lý thị trường vàng. Điều này sẽ tránh những cú sốc đột ngột cho thị trường cũng như bảo đảm lợi ích cho DN và người mua, bán vàng.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ty-gia-tam-giam-nhiet.html