Tỷ giá USD suy yếu thúc đẩy giá cà phê Arabica tăng trở lại
Tỷ giá USD/BRL suy yếu đã lấn át tốc độ hồi phục của dữ liệu tồn kho trên Sở ICE-US, từ đó thúc đẩy lực tăng đối với giá cà phê Arabica.
Khép lại phiên giao dịch 25/3, giá hai mặt hàng cà phê tăng trở lại lần lượt 1,76% với Robusta và 0,43% với Arabica. Tỷ giá USD/BRL suy yếu đã lấn át tốc độ hồi phục của dữ liệu tồn kho trên Sở ICE-US, từ đó thúc đẩy lực tăng đối với giá cà phê Arabica.
Cụ thể, chỉ số Dollar Index giảm 0,19% trong phiên hôm qua đã tạo áp lực lên đồng USD và kéo tỷ giá USD/BRL giảm gần 0,6%. Chênh lệch tỷ giá thu hẹp đã kìm hãm nhu cầu bán cà phê của nông dân Brazil.
Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), giá Robusta tăng mạnh khi rủi ro thiếu hụt nguồn cung vẫn rình rập trên thị trường. Những cơn mưa trái mùa được dự báo sẽ quay lại vùng trồng cà phê chính của Việt Nam vào giữa tuần. Dù vậy, điều này vẫn khó xoa dịu tâm lý tiêu cực về triển vọng nguồn cung vụ 24/25 tại quốc gia xuất khẩu Robusta lớn nhất thế giới do thời tiết bất thường.
Nhiều chuyên gia ngành hàng cà phê đánh giá, chất lượng cà phê nhân Robusta của Việt Nam đã tăng lên vượt bậc. Từ việc chỉ được xem là nguồn hàng chất lượng thấp, cà phê Robusta của Việt Nam vốn có giá chỉ bằng 1/3 nay đã lên hơn 80% giá cà phê Arabica.
Đến nay, các nhà rang xay trên thế giới đã đưa cà phê Robusta vào công thức chế biến. Trong các loại cà phê rang xay phổ biến trên thế giới, tỉ lệ Robusta từ mức 20-30% trước đây nay đã chiếm 40-50%. Còn với cà phê hòa tan, Robusta chiếm tỉ lệ áp đảo nhờ hàm lượng caffeine cùng nhiều đặc tính khác.
Qua từng năm, các nhà máy chế biến cà phê trên thế giới ngày càng gia tăng sử dụng nguồn nguyên liệu Robusta của Việt Nam. Giá cà phê tăng nhanh đột biến hiện nay là do sản lượng Robusta bị hụt gần 20% - một phần vì ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, tác động mạnh của hiện tượng El Nino
Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam Thái Như Hiệp nhận định, thị trường cà phê đang ở trong giai đoạn sốt giá, tập trung vào Robusta - loại cà phê mà Việt Nam là nhà cung cấp số 1 cho toàn cầu.
Giá cà phê tăng nhanh đột biến hiện nay là do sản lượng Robusta bị hụt gần 20%, một phần vì ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, tác động mạnh của hiện tượng El Nino.
Tổng cục Hải quan Việt Nam báo cáo dữ liệu sơ bộ cho thấy xuất khẩu cà phê, chủ yếu là cà phê Robusta, trong nửa đầu tháng 3 đã đạt 199.719 tấn (khoảng 3,32 triệu bao), tăng 119,47% so với cùng kỳ năm trước. Khối lượng xuất khẩu cao này đã bác bỏ đồn đoán nông dân Việt Nam găm hàng, không muốn bán ra ở mức giá hiện tại.
Theo Reuters đưa tin, nguồn cung thấp trong khi nhu cầu cao đã khiến giá cà phê Robusta nhân xô tại thị trường nội địa Việt Nam sẽ sớm đạt mức cao kỷ lục 100.000 đồng/kg.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), xuất khẩu cà phê từ Việt Nam sang Indonesia ghi nhận tốc độ tăng trưởng lên đến ba con số trong hai tháng đầu năm. Cụ thể, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 21.300 tấn cà phê sang Indonesia, thu về 71,37 triệu USD, tương đương tăng 215% về lượng và 235% về trị giá so với cùng kỳ.
Indonesia cũng là nước sản xuất cà phê lớn trong khu vực, tuy nhiên trong vài năm gần đây, sản lượng của nước này bị ảnh hưởng do nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan.
Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho rằng trong niên vụ 2023-2024, sản lượng cà phê của nước này sẽ giảm 2,2 triệu bao so với niên vụ trước, xuống còn 9,7 triệu bao. Chủ yếu là do sản lượng Robusta giảm 2,1 triệu bao xuống còn 8,4 triệu bao.
Mưa quá nhiều trong giai đoạn phát triển của trái cà phê đã làm giảm sản lượng ở các vùng đất thấp của Nam Sumatra và Java, nơi chiếm khoảng 75% diện tích Robusta của Indonesia. Sản lượng cà phê Arabica cũng được dự báo giảm nhẹ xuống 1,3 triệu bao. Với dự báo này, xuất khẩu cà phê nhân của Indonesia dự kiến giảm 2,7 triệu bao xuống chỉ còn 5 triệu bao trong niên vụ 2023-2024.