Tỷ giá USD/VND vọt lên vùng cao nhất trong lịch sử, các chuyên gia kiến nghị gì?
Các nhà phân tích cho rằng, đồng USD tăng mạnh gây áp lực lớn lên tỷ giá hối đoái của Việt Nam. Trong bối cảnh đó, Ngân hàng Nhà nước đứng trước 2 khó khăn, nếu ổn định tỷ giá thì phải can thiệp, can thiệp trong bối cảnh gia tăng xuất khẩu cũng không dễ dàng. Điều hành tỷ giá đang là 'bài toán' khó đối với cơ quan quản lý.
Thống kê của VnBusiness cho thấy, tỷ giá USD/VND tăng vọt lên vùng cao nhất trong lịch sử. Giá mua USD tại các ngân hàng thương mại đã tăng lên tới 4% so với đầu năm, trong khi tỷ giá liên ngân hàng cũng ở mức cao nhất kể từ tháng 3/2020.
Cụ thể, hiện giá USD tại phần lớn nhà băng khác giao dịch quanh vùng 23.800 đồng, mức cao nhất từ trước đến nay. Tại Eximbank, tỷ giá USD/VND chốt cuối tuần qua ở mức 23.530 – 23.790 đồng. Còn tại Techcombank, giá USD lên 23.519 – 23.810 đồng, Vietcombank giao dịch ở mức 23.485 - 23.795 VND/USD. Thậm chí, tại VietinBank giá mua vào/bán ra USD đã vọt lên tới 23.450 VND/USD và 23.890 VND/USD.
Tại thị trường tự do, giá USD giá bán ra niêm yết trên 24.000 VND/USD, trong khi giá mua vào là 23.980 VND/USD.
Các nhà phân tích cho rằng, việc đồng USD tăng mạnh gây áp lực lớn lên tỷ giá hối đoái của Việt Nam. Tuy nhiên, so với các đồng tiền trong khu vực, VND vẫn là một trong những đồng tiền ổn định nhất. Kể từ đầu năm 2022 (dữ liệu tính đến ngày 8/9/2022), hầu hết các loại tiền tệ trong khu vực đã giảm hơn 4% so với USD, bao gồm Peso Philippines (-11,4% so với USD), Baht Thái Lan (-9,9% so với USD), Nhân dân tệ của Trung Quốc (-9,5% so với USD), Ringgit Malaysia (-8,1% so với USD) và Rupiah Indonesia (-4,5% so với USD).
Trên thực tế, để ổn định tỷ giá, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã phải can thiệp vào thị trường và bán ra một lượng lớn dự trữ ngoại hối. Tuy nhiên, nếu đồng USD tiếp tục mạnh lên, Ngân hàng Nhà nước sẽ có ít nguồn lực hơn để can thiệp do dự trữ ngoại hối đã mỏng hơn trước.
Trong trường hợp xấu hơn, các nhà phân tích cho rằng, Ngân hàng Nhà nước có thể phải tính đến việc tăng lãi suất điều hành, từ đó làm tăng chi phí kinh doanh và ảnh hưởng tiêu cực tới đà phục hồi kinh tế.
TS. Trương Văn Phước, nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia Việt Nam nhấn mạnh: Việt Nam phải giữ cho bằng được ổn định tỷ giá. "Đây là 'phòng tuyến sông Cầu', nếu vỡ phòng tuyến này thì lạm phát sẽ tràn vào”.
Ông Phước đánh giá, thời gian vừa qua, NHNN đã làm tốt việc giữ tỷ giá trung tâm khoảng 0,6 và cho thị trường dao động trong biên độ cộng trừ 3%. Như vậy là sự lan truyền của lạm phát và Việt Nam sẽ bị ngưng lại bởi phòng tuyến tỷ giá này.
Theo chuyên gia này, Ngân hàng Nhà nước đứng trước 2 khó khăn, nếu ổn định tỷ giá thì phải can thiệp, mà can thiệp trong bối cảnh xuất khẩu cũng không dễ dàng.
"Ngân hàng Nhà nước nên nghiên cứu để mở rộng đối tượng cho vay ngoại tệ xem như là cầu về ngoại hối hiện nay sẽ di chuyển vào trong tương lai. Đương nhiên sẽ có câu hỏi vì sao chúng ta đang chống đô la hóa mà lại hỗ trợ cho vay ngoại tệ. Nhưng đây là vấn đề cân nhắc và sự đánh đổi đó là hết sức cần thiết cho Việt Nam", ông Phước gợi ý.
Góp ý với cơ quan quản lý tiền tệ, GS Andreas Hauskrecht, Đại học Indiana, Hoa Kỳ cũng nói, Việt Nam không nên giảm giá tiền đồng bởi nếu không sẽ gây rủi ro tài chính.
Nhìn vào chỉ số dự báo thị trường, chỉ số thị trường tương lai, cũng như các chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) dự kiến tăng lãi suất trong những tháng cuối năm 2022 và năm 2023, GS.Andreas Hauskrecht cho biết, khi FED thay đổi chính sách tiền tệ, khả năng cao FED sẽ tạo suy thoái ở Hoa Kỳ. Điều này cũng tác động đến kinh tế Việt Nam, nhất là tỷ giá VND/USD.
"Dự báo VND sẽ tăng mạnh so với đồng EURO và các đồng tiền khác, khi đó, Việt Nam sẽ phải đối mặt với vấn đề thanh toán, ảnh hưởng nhất đến giá trị xuất nhập khẩu", vị chuyên gia này lưu ý.
Dù vậy, GS Hauskrecht khuyên: "Việt Nam không nên giảm giá tiền đồng, cũng không tăng lãi suất bởi có thể gây bất ổn tài chính. Thay vào đó Việt Nam nên dùng các công cụ tài chính thận trọng, an toàn".
Còn theo khẳng định của cơ quan quản lý, Ngân hàng Nhà nước đã gặp nhiều khó khăn trong điều hành và thực tế trong 8 tháng qua Ngân hàng Nhà nước đã sử dụng nhiều công cụ, biện pháp để ổn định thị trường tiền tệ, ổn định mặt bằng lãi suất, cố gắng không để rơi vào vòng xoáy mất giá đồng nội tệ như nhiều nước.
Tuy nhiên, áp lực lạm phát còn lớn và kéo dài nên không thể chủ quan được trong công tác điều hành. Mục tiêu quan trọng trong những tháng tiếp theo là kiểm soát lạm phát, đồng thời đảm bảo an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, đảm bảo thanh khoản cho các thị trường tiền tệ và ngoại hối. Các biến số như lãi suất, tỷ giá đều được đưa vào bài toán tổng thể điều hành chính sách tiền tệ.