Tỷ giá và lãi suất biến động thế nào sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức?
Các chuyên gia tài chính ngân hàng dự báo, năm 2025, tỷ giá sẽ chịu ảnh hưởng lớn từ các chính sách kinh tế của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Ông Donald Trump vừa tuyên thệ nhậm chức và trở thành Tổng thống thứ 47 của Mỹ vào ngày 20/1 (theo giờ Mỹ), mở ra nhiệm kỳ 4 năm được dự báo sẽ có rất nhiều biến động.
Giá USD giảm sâu
Ngay khi Chỉ số Dollar Index (DXY), đo lường đồng USD với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF), đã dừng ở mức 108,26 - tăng nhẹ so với giao dịch ngày 22/01/2025, tuy nhiên vẫn thấp hơn mức 110 điểm (ngày 13/1) trước khi hạ nhiệt.
Ông Trần Đức Anh, Giám đốc vĩ mô & chiến lược thị trường, Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) dự báo, dư địa DXY tăng giá không còn nhiều. Ông Trump cũng không muốn đồng bạc xanh quá mạnh.
DXY cơ bản sẽ đi ngang hoặc có thể giảm nhẹ trong năm 2025 sau đợt tăng mạnh vừa qua do tiêu dùng có thể suy giảm ở Mỹ.
Tại Việt Nam, trong 3 ngày qua, tỷ giá tại các ngân hàng thương mại đã điều chỉnh giảm mạnh.
Ngân hàng Vietcombank niêm yết tỷ giá USD ngày 23/1 từ 24.890-25.280 đồng/USD (mua vào/bán ra), giảm 220 đồng so với ngày 20/1.
Tương tự, Ngân hàng Vietinbank và BIDV niêm yết tỷ giá USD lên mức từ 24.895-25.255 đồng/USD, giảm 226 đồng.
Ngân hàng Eximbank cũng thông báo tỷ giá USD từ 24.850-25.270 đồng/USD, cũng giảm 230 đồng.
Giá USD trên thị trường liên ngân hàng cũng giảm khá sâu, còn 25.200 đồng/USD, giảm 70 đồng so với ngày trước đó và thấp hơn so với những ngày đầu năm 250 đồng/USD.
Diễn biến giá USD đi xuống những ngày gần đây hoàn toàn trái ngược với những gì đã xảy ra vào những ngày cuối năm 2024 và đầu năm 2025.
Trên thị trường mở Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện bơm 34.601,2 tỷ đồng, trong đó 7 thành viên trúng thầu khối lượng 14.601,2 tỷ đồng ở kỳ hạn 14 ngày; 9 thành viên trúng thầu 20.000 tỷ đồng ở kỳ hạn 21 ngày. Ở chiều ngược lại, nhà điều hành hút về 3.650 tỷ đồng với kỳ hạn 14 ngày. Đây là phiên Ngân hàng Nhà nước bơm tiền ra mạnh nhất từ đầu năm đến nay.
Một điểm đáng lưu ý trong giai đoạn này là kỳ hạn bơm hút tiền của Ngân hàng Nhà nước lên 14 ngày và 21 ngày thay vì 7 ngày như trước đó. Đồng thời, lãi suất trúng thầu cũng ở mức 4%/năm. Ngân hàng Nhà nước đã bơm ròng trong 3 ngày qua. Điều này phần nào khiến giá USD sụt giảm nhanh.
Việc can thiệp thị trường từ Ngân hàng Nhà nước đã giữ cho lãi suất tiền đồng trên thị trường liên ngân hàng bị kìm hãm ở mức cao. Ngày 21.1, lãi suất tiền đồng kỳ hạn qua đêm ở mức 4,2%/năm, 1 tuần 4,82%/năm, 2 tuần 4,8%/năm, 1 tháng 4,9%/năm, 3 tháng 5,16%/năm, 6 tháng 5,62%/năm…
Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh cho biết giá ngoại tệ trong ngân hàng gần đây giảm do nguồn cung ngoại tệ trên thị trường như vốn đầu tư nước ngoài, thu từ xuất khẩu, kiều hối… tăng lên. Bên cạnh đó, công tác quản lý, phòng chống buôn lậu cũng tạo điều kiện tốt cho thị trường ngoại tệ, hạn chế giao dịch mua bán trái quy định.
Ngoài ra, trước đó, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh đã có công văn yêu cầu các ngân hàng tăng cường công tác quản lý đại lý thu đổi ngoại tệ trên địa bàn. Các tổ chức thực hiện tốt dịch vụ ngoại hối, thu đổi ngoại tệ phục vụ nhu cầu của du khách nước ngoài và thực hiện nghiêm các quy định về thu đổi và mua bán ngoại tệ; không mua bán ngoại tệ tự do, góp phần hạn chế và ngăn ngừa tình trạng buôn lậu thường phát sinh và diễn biến phức tạp trong dịp cuối năm.
Trong khi đó, giá vàng lại có diễn biến ngược với đồng USD nhưng xu hướng này đã được dự báo trước. Giá vàng đã tăng lên mức cao nhất trong gần 3 tháng trong phiên giao dịch 23/1 do đồng USD yếu.
Các nhà đầu tư cũng lo ngại rằng các chính sách mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể gây ra căng thẳng thương mại quốc tế và làm gia tăng sự biến động của thị trường, vì vậy các nhà đầu tư đã nhanh chóng chuyển hướng sang các tài sản trú ẩn an toàn.
Giá vàng giao ngay tăng 0,4% lên 2.755,2 USD/ounce. Giá vàng lên mức cao nhất kể từ ngày 31/10/2024 khi đạt kỷ lục 2.790,15 USD/ounce. Giá vàng Mỹ giao kỳ hạn cũng tăng 0,4% lên 2.770,90 USD/ounce.
Tại Việt Nam, các công ty kinh doanh vàng cùng niêm yết giá vàng SJC từ 86,40-88,40 triệu đồng/lượng, tăng 1,7 triệu đồng mỗi lượng so với ngày 20/1.
Dự báo tỷ giá và lãi suất năm 2025
Chứng khoán MBS nhận định tỷ giá sẽ dao động trong khoảng 25.500-25.800 đồng/USD vào quý I/2025 khi các kế hoạch nới lỏng tài khóa của chính quyền mới, kết hợp với các chính sách nhập cư chặt chẽ hơn, cùng với lãi suất cao của Mỹ so với các nước khác và chủ nghĩa bảo hộ tương đối cao của Mỹ, dự kiến sẽ hỗ trợ cho việc gia tăng giá trị của đồng USD trong năm 2025.
Ở chiều ngược lại, vẫn có những yếu tố tích cực hỗ trợ cho VND như thặng dư thương mại tích cực khoảng 24,77 tỷ USD trong năm 2024; dòng vốn FDI giải ngân hơn 25,3 tỷ USD; khách quốc tế phục hồi mạnh mẽ; kiều hối chảy về mạnh vào giai đoạn cuối năm… Đồng thời, sự ổn định của môi trường vĩ mô nhiều khả năng sẽ được duy trì và cải thiện hơn nữa sẽ là cơ sở để ổn định tỷ giá trong năm 2025.
Tuy nhiên ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán VPBank phân tích, nhìn lại năm 2024, giai đoạn tháng Sáu và tháng 12, tỷ giá liên ngân hàng luôn ở mức kịch trần. Trong năm 2025, nếu Ngân hàng Nhà nước không tăng lãi suất thì có thể phải lên biên tỷ giá mới.
Còn về mặt điều hành, với chính sách hỗ trợ tăng trưởng, trong 6 tháng đầu năm, Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ có thể không tăng lãi suất ngay. Nhưng trên thị trường liên ngân hàng, các ngân hàng thương mại cũng đã đẩy mạnh tín dụng và tăng huy động đồng thời, lợi suất trái phiếu Chính phủ đã tăng lên.
“Có thể về xu hướng trong năm 2025, lãi suất điều hành sẽ tăng, nhưng nhiều khả năng không phải trong nửa đầu năm. Nếu Ngân hàng Nhà nước chưa tăng lãi suất thì sẽ phải điều hành linh hoạt hơn trong câu chuyện tỷ giá, cho phép VND biến động trong biên độ lớn hơn,” ông Sơn nhấn mạnh.
Đối với doanh nghiệp, Tiến sỹ Hà Thị Cẩm Vân, Chủ nhiệm cấp cao bộ môn Kinh tế, Trường Đại học RMIT Việt Nam cũng cho rằng sự sụt giảm xuất khẩu đồng nghĩa với việc nguồn cung USD vào Việt Nam giảm, tạo áp lực lên tỷ giá hối đoái. Đồng VND có thể mất giá, khiến các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu và máy móc đối mặt với chi phí cao hơn. Điều này làm tăng chi phí sản xuất trong nước, ảnh hưởng đến lợi nhuận và giá cả tiêu dùng.
Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng cũng dự báo, năm 2025, tỷ giá sẽ chịu ảnh hưởng lớn từ các chính sách kinh tế của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Chính sách giảm thuế cho người thu nhập cao có thể làm tăng thâm hụt ngân sách, buộc Mỹ phát hành trái phiếu lãi suất cao, dẫn đến lạm phát tăng. Fed có thể chuyển từ chính sách tiền tệ nới lỏng sang thắt chặt, tăng lãi suất, khiến USD mạnh lên, gây sức ép giảm giá VND và tăng tỷ giá tại Việt Nam./.