Tỷ giá, vàng và bài toán ứng xử của nhà điều hành

Nửa đầu năm 2024, tỷ giá và vàng như 'con ngựa bất kham' liên tục lập các đỉnh giá. Hàng loạt biện pháp từ 'mềm' đến 'cứng' được Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra nhằm bình ổn thị trường, tránh tác động mạnh vào nền kinh tế.

Tỷ giá “nóng bỏng tay”, doanh nghiệp “khóc”

Tỷ giá diễn biến căng thẳng trong những tháng đầu năm 2024, ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí của các doanh nghiệp có liên quan nhiều đến ngoại tệ, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu.

Phân tích về các tác động của tỷ giá USD/VND tăng cao, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cho biết, việc USD tăng mạnh khiến xuất khẩu được hưởng lợi, trong khi nhập khẩu lại chịu tác động ngược lại.

“Tuy nhiên, Việt Nam là nước có xu hướng xuất siêu, tăng xuất khẩu để bù nhập khẩu, nên có sự bù trừ giữa 2 chiều xuất - nhập khẩu, do đó tác động sẽ có nhưng không quá mạnh. Vì vậy, NHNN chủ động trong việc ổn định tỷ giá hối đoái” - ông Thịnh nói.

 Theo giới chuyên gia, việc đưa khoảng cách giá vàng trong nước về sát với diễn biến giá vàng thế giới sẽ ổn định thị trường, qua đó xóa bỏ tâm lý kỳ vọng giá vàng còn tăng cao của người dân. Ảnh: Quang Hùng

Theo giới chuyên gia, việc đưa khoảng cách giá vàng trong nước về sát với diễn biến giá vàng thế giới sẽ ổn định thị trường, qua đó xóa bỏ tâm lý kỳ vọng giá vàng còn tăng cao của người dân. Ảnh: Quang Hùng

Trong khi các doanh nghiệp có tỷ trọng xuất khẩu cao như thủy sản, dệt may, săm lốp hưởng lợi thì các doanh nghiệp chuyên nhập khẩu nguyên liệu bằng USD lại “méo mặt” vì tỷ giá.

Ông Trần Đình Long - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát (HPG), trong phiên họp Đại hội đồng cổ đông 2024 thừa nhận, yếu tố tỷ giá có ảnh hưởng rất lớn tới doanh nghiệp. Nguyên liệu của HPG chủ yếu đến từ nguồn nhập khẩu, trong khi thị trường tiêu thụ chính là trong nước khiến rủi ro chênh lệch tỷ giá tăng. Ngoài ra, HPG còn duy trì tỷ trọng vay nợ nước ngoài, phải trả lãi và nợ gốc bằng USD.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng: Tỷ giá vào cuối năm nay sẽ hạ nhiệt

Tỷ giá được kỳ vọng sẽ hạ nhiệt sau giai đoạn tăng nóng, nhiều chuyên gia kinh tế lưu ý doanh nghiệp cần tính đến các công cụ phòng ngừa rủi ro tỷ giá cũng như việc cân nhắc kỹ lưỡng các điều khoản trong hợp đồng vay ngoại tệ.

Bà Phạm Thị Ngọc Thủy - Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) lưu ý, trong bối cảnh tỷ giá biến động, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu phải chú ý đến tỷ giá hối đoái để kịp thời điều chỉnh kế hoạch kinh doanh và lựa chọn thị trường xuất nhập khẩu, lựa chọn đồng tiền thanh toán có lợi cho doanh nghiệp mình, giảm dần việc chỉ sử dụng đồng USD.

 Ngân hàng Nhà nước khuyến nghị doanh nghiệp và người dân cần thận trọng trước những tin đồn không chính xác về thay đổi điều hành tỷ giá. Ảnh: Minh Sơn

Ngân hàng Nhà nước khuyến nghị doanh nghiệp và người dân cần thận trọng trước những tin đồn không chính xác về thay đổi điều hành tỷ giá. Ảnh: Minh Sơn

Theo bà Thủy, về lâu dài, để phòng ngừa rủi ro tỷ giá, doanh nghiệp cũng có thể lựa chọn những ngân hàng có khả năng tài trợ thương mại tốt, sử dụng những công cụ tài chính phái sinh như mua bán ngoại tệ có kỳ hạn, các hợp đồng hoán đổi (SWAP), bảo đảm cho các hoạt động xuất nhập khẩu được kế hoạch hóa một cách khoa học…

Thời gian gần đây, tỷ giá lại chịu nhiều áp lực do cả yếu tố kinh tế cũng như một số tin đồn gây ảnh hưởng tới tâm lý, kỳ vọng thị trường. Dữ liệu do ông Phạm Chí Quang - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN cung cấp cho thấy: Từ đầu năm đến giữa tháng 5 năm 2024, nhập khẩu của nền kinh tế phục hồi mạnh - ước đạt 132,23 tỷ USD, tăng 19,7 tỷ USD (tăng 17,5%) so với cùng kỳ năm 2023, làm gia tăng nhu cầu mua ngoại tệ, đặc biệt nhu cầu ngoại tệ để thanh toán nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu thiết yếu phục vụ sản xuất trong nước.

Trần tình trước Quốc hội về vấn đề tỷ giá, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết: Trong môi trường kinh tế thế giới biến động như hiện nay, tỷ giá có lúc tăng, lúc giảm là điều hết sức bình thường. Chính phủ đã chỉ đạo phải ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối. Với sự phát triển quay trở lại của sản xuất và tăng xuất khẩu trong thời gian tới, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho rằng, điều này sẽ hỗ trợ cho cung - cầu ngoại tệ. Nhiều dự báo cho thấy, tỷ giá vào cuối năm nay sẽ được hạ nhiệt và NHNN vẫn tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường để các doanh nghiệp yên tâm vấn đề điều hành của Chính phủ và NHNN.

Rút ngắn khoảng cách chênh lệch giá vàng

Cùng với tỷ giá, giá vàng năm 2024 cũng như “con ngựa bất kham” liên tiếp xô đổ kỷ lục mọi thời đại lên ngưỡng trên 92 triệu đồng/lượng. Thị trường vàng “nóng ran”, trong khi bảng giá điện tử liên tục nhảy múa thì dòng người xếp hàng mua bán vàng tại các cửa hàng vàng càng dài thêm.

Sau 9 phiên đấu thầu vàng kể từ ngày 19/4 - 23/5, NHNN đã cung ứng ra thị trường 48.500 lượng vàng. Nhưng nhận thấy chênh lệch giá thì giảm không được như kỳ vọng, NHNN đã dừng đấu thầu vàng miếng và thực hiện bán ra cho 4 ngân hàng thương mại Nhà nước để các ngân hàng này bán vàng trực tiếp tới người dân.

Đề cập tới giải pháp mới của Ngân hàng Nhà nước, ông Huỳnh Trung Khánh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, Cố vấn Hội đồng vàng thế giới tại Việt Nam - nhận định đây là biện pháp tích cực, sẽ cung cấp thêm vàng miếng ra thị trường, đáp ứng nhu cầu của người dân và nhà đầu tư. Vị chuyên gia này kỳ vọng, khi biện pháp được triển khai, mức giá vàng mà Ngân hàng Nhà nước bán cho ngân hàng thương mại càng sát giá vàng thế giới càng tốt.

Chuyên gia vàng Trần Duy Phương cũng cho rằng, giải pháp này sẽ tác động tích cực đến thị trường bởi trước đây Ngân hàng Nhà nước tổ chức đấu thầu vàng, doanh nghiệp trúng thầu bán giá theo tự quyết định, có thể họ bán với giá cao để thu nhiều lợi nhuận. Lần này, Ngân hàng Nhà nước triển khai theo hình thức thông qua các ngân hàng thương mại quốc doanh, những ngân hàng này sẽ bán theo giá Ngân hàng Nhà nước chỉ định, căn cứ giá thế giới.

“Như vậy, có thể hiểu, giá vàng Ngân hàng Nhà nước chỉ định sẽ có biên độ +-, giống như tỷ giá trung tâm; theo đó, giá vàng miếng SJC sẽ sát hơn với giá thế giới, và quan trọng là người dân có thể mua vàng theo nhu cầu. Giải pháp này sẽ giúp giá vàng SJC diễn biến theo giá thế giới, giúp xóa tan tâm lý vàng SJC khó giảm giá, từ đó xóa bỏ tâm lý đầu cơ, găm vàng” - ông Phương nói.

Đại biểu Quốc hội Phạm Đức Ấn (Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội) nêu quan điểm về lâu dài cần xem xét sửa đổi Nghị định 24 vì đã hết giá trị lịch sử. Theo vị đại biểu này, với người dân, nếu đầu tư chạy theo vàng thế giới có khi mất nhiều hơn được và có thể khiến một bộ phận giao dịch kinh tế quay lại tình trạng vàng hóa như trước đây. “Thời gian tới, cơ quan chức năng cần hoàn thiện phương thức, chính sách quản lý phù hợp đối với vàng để tránh vàng hóa” - đại biểu Phạm Đức Ấn gợi ý.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho biết: Chính phủ và các thành viên Chính phủ rất quan tâm đến việc chênh lệch giá vàng trong nước và giá vàng thế giới đang ở mức cao như hiện nay. “Hiện nay, NHNN đang đánh giá lại và sẽ có những phương án mới để bình ổn thị trường vàng về mặt ngắn hạn, còn về mặt lâu dài sẽ nghiên cứu sửa đổi Nghị định 24 để chúng ta có giải pháp về lâu dài”.

An Hạ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/ty-gia-vang-va-bai-toan-ung-xu-cua-nha-dieu-hanh-post298204.html