Tỷ lệ đầu tư nước ngoài vào Việt Nam liên tục tăng trưởng
Qua nhiều năm, tỷ lệ đầu tư nước ngoài vào Việt Nam liên tục tăng trưởng, và kể cả khi toàn cầu chịu tác động không nhỏ của đại dịch COVID-19, hoạt động đầu tư của các nhà đầu tư vào Việt Nam vẫn không giảm về độ sôi động, tính hiệu quả và chất lượng.
Ngày 15/9, tại TP. Hồ Chí Minh diễn ra “Diễn đàn hỗ trợ đầu tư và tổng kết chuỗi sự kiện Xúc tiến đầu tư 2022”. Phát biểu khai mạc Diễn đàn, TS. Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đưa ra những nhận định sơ bộ về tình hình đầu tư tại Việt Nam, những khó khăn, thách thức và cơ hội cho Việt Nam trong thời gian tới.
Thực tế cho thấy, sau hơn 30 năm mở cửa thu hút đầu tư, nguồn vốn FDI đã và vẫn đang đóng vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Sự tăng trưởng của nguồn vốn đầu tư nước ngoài không chỉ tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho Việt Nam đẩy nhanh thời gian mở rộng thị trường quốc tế, mà ngày càng cải tiến hơn về nhiều mặt trong hoạt động kinh doanh (chuyên môn, công nghệ, kỹ thuật…), giảm gánh nặng về vốn cho nhiều dự án lớn. Bên cạnh đó, việc thu hút và sử dụng nguồn vốn nước ngoài còn góp phần tác động thúc đẩy chuyển dịch, cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, ngành, sản phẩm, dịch vụ; thúc đẩy cải cách thể chế, chính sách pháp luật, môi trường kinh doanh, phát triển nền kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại và hội nhập.
Nhận diện được ý nghĩa và vai trò của nguồn vốn FDI đối với Việt Nam, chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách, triển khai nhiều giải pháp tạo lập môi trường đầu tư hấp dẫn, an toàn. Bản thân các doanh nghiệp cũng không ngừng hoàn thiện về mặt nhân lực, dây chuyền sản xuất để thu hút các nhà đầu tư. Đáp lại những nỗ lực ấy, qua nhiều năm, tỷ lệ đầu tư nước ngoài vào Việt Nam liên tục tăng trưởng, và kể cả khi toàn cầu chịu tác động không nhỏ của đại dịch COVID-19, hoạt động đầu tư của các nhà đầu tư vào Việt Nam vẫn không giảm về độ sôi động, tính hiệu quả và chất lượng.
Cụ thể, theo thống kê từ Cục Đầu tư nước ngoài – Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 8 tháng đầu năm 2022, nhà đầu tư nước ngoài đã “rót” gần 16,8 tỷ USD vào Việt Nam. Đây có thể nói là một tín hiệu đáng mừng và cho thấy rằng Việt Nam vẫn đang giữ vững được vị trí là một địa điểm đầu tư đáng tin cậy. Là vùng kinh tế trọng điểm của quốc gia, đầu tàu kinh tế của đất nước, TP. Hồ Chí Minh luôn là vùng đất quy tụ những nhà đầu tư lớn, với nguồn vốn đầu tư chảy vào mạnh mẽ qua từng năm. Trong 53 tỉnh thành tiếp nhận nguồn vốn đầu tư, TP. Hồ Chí Minh là nơi dẫn đầu về tỷ lệ đầu tư cũng như các dự án mới.
TS. Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh, mặc dù các nhà đầu tư vẫn khẳng định TP. Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung sẽ luôn là điểm đến lý tưởng ở hiện tại cũng như trong thời gian tới. Tuy nhiên, để có thể thu hút mạnh mẽ các FDI mới, tiềm năng, hầu hết các nhà đầu tư cho rằng TP. Hồ Chí Minh cần giải quyết những vướng mắc, trì trệ trong thủ tục, quy trình; cải thiện hơn về khung pháp lý điều chỉnh hoạt động đầu tư cùng với đó thúc đẩy hơn sự phát triển của các lĩnh vực mới như công nghệ, tài chính, hạ tầng đô thị…
Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh (ITPC) Cao Thị Phi Vân nhận định bức tranh đầu tư tại TP luôn có những diễn biến sôi động và đầy mạnh mẽ. Qua thời gian, tỷ lệ đầu tư tại thị trường TP. Hồ Chí Minh ngày càng có nhiều dấu hiệu tích cực và tiến triển tốt.
Bà đánh giá, ở giai đoạn đầu, Việt Nam trong bối cảnh mới thực thi Luật Đầu tư trực tiếp nước ngoài nên kết quả thu hút vốn FDI còn ít (214 dự án với vốn đăng ký cấp mới là 1,6 tỷ đồng), FDI chưa tác động đến tình hình kinh tế - xã hội đất nước. Các nhà đầu tư tại TP. Hồ Chí Minh bắt đầu thăm dò thị trường và theo xu hướng tăng theo từng năm. Những năm tiếp theo có đặc trưng từng giai đoạn và nhìn chung là tăng trường ổn định ở mức cao. Nhờ chính sách tích cực của Trung ương và TP. Hồ Chí Minh trong kiềm chế lạm phát, tái cấu trực nền kinh tế và giải quyết các khoản nợ xấu, tăng tính thanh khoản của thị trường bất động sản đã góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, phục hồi môi trường kinh doanh, đầu tư trong nước. Đây là một yếu tố quan trọng tạo đà cho hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài bước vào một chu kỳ tăng trưởng mới. Hiện nay TP đang có 115 quốc gia và vùng lãnh thổ đang đầu tư với 10.925 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đạt 78,32 tỷ đô la.
Đưa ra những lợi thế nhằm thu hút đầu tư của TP, bà Cao Thị Phi Vân cho rằng, TP có vị trí chiến lược thuận lợi, diện tích lớn cùng mật độ dân số cao, lao động có trình độ chuyên môn, trung tâm sản xuất và dịch vụ công nghệ cao lớn nhất cả nước cũng như là một đô thị đa văn hóa thích hợp cho người nước ngoài tìm đến làm việc, sinh sống và du lịch, TP luôn đồng hành cùng doanh nghiệp và tích cực triển khai các hoạt động nhằm cải thiện môi trường đầu tư như: các hoạt động gặp gỡ, đối thoại doanh nghiệp; thành lập tổ công tác đầu tư do Chủ tịch UBND TP làm tổ trưởng, lồng ghép trong chủ đề hoạt động của TP các năm 2019, 2020, 2021.
Trưởng Tiểu ban pháp luật Hiệp hội các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) cho biết, một làn sóng nhà đầu tư mới đang đến Việt Nam để tìm hiểu cơ hội cho các doanh nghiệp nước ngoài và TP. Hồ Chí Minh có vị trí tốt để thu hút thị phần đầu tư này. Tuy nhiên, các dự án đầu tư nước ngoài vẫn còn gặp khó khăn khi áp dụng quy định, quy tắc và thủ tục tại Việt Nam.
Với tư cách đại diện Hiệp hội các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam, ông đưa ra một số quan điểm nhằm xây dựng kế hoạch đầu tư vào Việt Nam một cách hiệu quả. Trong đó, yếu tố con người được xem là tiên quyết, thị trường lao động của Việt Nam sẽ phải thích ứng với yêu cầu ngày càng cao trong giáo dục và đào tạo. Ngoài ra, Việt Nam cần tiếp tục nỗ lực cải thiện cơ sở hạ tầng trong nước để hỗ trợ việc phát triển các hoạt động thương mại và sản xuất đang gia tăng trong vùng đô thị...
Về phần mình, ông Choi Keun Hwan – Cố vấn Hiệp hội Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc tại miền Trung và miền Nam Việt Nam (Kocham), Tổng giám đốc Công ty Daejeon Metropolitan City – Văn phòng đại diện tại Việt Nam nhận định ngoài yếu tố vị trí địa lý, nhân lực thì Việt Nam có những kết nối kinh tế và đảm bảo mạng lưới cung ứng toàn cầu, sự phát triển mạnh mẽ về thị trường và vốn tín dụng. Theo quan điểm của ông, Việt Nam là môi trường đầu tư gần gũi với nhà đầu tư nước ngoài, an toàn về mặt chính trị và trị an. Riêng đối với thị trường TP. Hồ Chí Minh, cần tăng cường thu hút đầu tư trực tiếp từ nước ngoài, sử dụng công nghệ trong kinh doanh, mở rộng thị trường dành cho tuổi hưu trí và dân nhập cư. Và hình thức đầu tư ODA, PPP, tham gia cổ phần, vốn đầu tư mạo hiểm,…
TS. Phan Hữu Thắng – Chủ tịch Viện Nghiên cứu đầu tư quốc tế, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra những thống kê về xu hướng FDI tại Việt Nam trong thời gian vừa qua và những giải pháp tăng cường thu hút đầu tư trong bối cảnh mới. Để đảm bảo việc thực hiện đầu tư hiệu quả, TS. Phan Hữu Thắng cho biết, cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ hoàn thiện luật pháp, chính sách; rà soát, đánh giá các dự án đang hoạt động, từ đó xây dựng chiến lược, định vị lại lợi thế của Việt Nam, chú trọng điều chỉnh hoạt động xúc tiến đầu tư theo hướng thống nhất, có trọng tâm, trọng điểm, thể hiện tính liên ngành, liên vùng, gắn với thị trường, đối tác đầu tư và dự án cụ thể. Để đón làn sóng đầu tư trong bối cảnh mới, TP. Hồ Chí Minh cần chuẩn bị sẵn nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu về chất lượng và số lượng cho nhiều lĩnh vực, tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại để thu hút đầu tư nước ngoài.
Cùng quan điểm trên, bà Mai Phong Lan – Đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh cũng chỉ ra những điểm tạo thuận lợi và một số chính sách thu hút đầu tư tại TP. Hồ Chí Minh hiện nay. Nhiều năm liền, TP. Hồ Chí Minh là một trong những điểm sáng về thu hút vốn FDI của cả nước và khu vực Đông Nam Á...
Với những thực tiễn của nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam cũng như chia sẻ của đại diện của các cơ quan ban ngành đã phần nào giúp doanh nghiệp có một góc nhìn mới đầy đủ hơn, sâu sắc hơn về hoạt động đầu tư tại TP. Hồ Chí Minh nói chung cũng như tại Việt Nam nói riêng.