Tỷ lệ đỗ lớp 10 công lập của Hà Nội năm nay thấp kỷ lục?
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết, thông tin tỷ lệ đỗ lớp 10 công lập năm nay thấp kỷ lục (55,7%) là chưa chính xác.
Ngày 10/7, Văn phòng Chính phủ có văn bản số 5114/VPCP-KGVX truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về xử lý thông tin báo chí phản ánh tỷ lệ tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2023-2024 tại Hà Nội.
Văn bản này được phát đi trong bối cảnh hàng trăm phụ huynh phải xếp hàng xuyên đêm để xin học cho con ở một số trường THPT trên địa bàn Hà Nội.
Trả lời phóng viên Dân trí chiều 11/7, ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, một số báo chí cho rằng, tỷ lệ đỗ lớp 10 công lập năm nay thấp kỷ lục (55,7%) là chưa chính xác. Theo đó, tỷ lệ đỗ lớp 10 THPT của Hà Nội năm nay khoảng 60,9%.
Được biết, con số này sẽ được Sở báo cáo lên Bộ GD&ĐT để đơn vị này tổng hợp cùng một số địa phương, báo cáo Thủ tướng.
Cụ thể, năm học 2022-2023 , toàn thành phố có hơn 129 nghìn học sinh dự xét tốt nghiệp THCS, tăng khoảng 250 học sinh so với năm trước đó.
Thực hiện công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS, năm học 2023-2024 số lượng học sinh và tỷ lệ tuyển sinh vào trường THPT khoảng hơn 102 nghìn, tăng khoảng 1 nghìn so với năm học 2022-2023. Trong đó tuyển vào các trường công lập hơn 77 nghìn học sinh, chiếm tỷ lệ 59,96%.
Căn cứ kết quả tuyển sinh từ ngày 5-7/7, căn cứ nguồn học sinh đăng ký nguyện vọng dự tuyển vào trường, tình hình thực tế và đề xuất cụ thể của hiệu trưởng các trường THPT, ngày 10/7, Sở GD&ĐT đã hạ điểm chuẩn vào lớp 10 cho 31 trường THPT và trường chuyên trên địa bàn.
Sau khi hạ điểm chuẩn, dự kiến kết quả tuyển sinh của các trường THPT công lập là hơn 78 nghìn, chiếm 60,9%, tăng khoảng 1 nghìn học sinh so với năm học 2022-2023, không phải "thấp kỷ lục" như một số báo chí dẫn chứng.
Ông Cương cho biết, dựa trên cơ sở dữ liệu ngành, dự báo trong 3 năm tới, số lượng học sinh lớp 9 trên địa bàn tốt nghiệp THPT tăng khoảng 29 nghìn học sinh, tương đương khoảng 722 lớp.
Cụ thể: Năm 2024-2025 dự kiến gần 135 nghìn học sinh, tăng hơn 5 nghìn học sinh so với năm học 2023-2024.
Năm học 2025-2026 dự kiến hơn gần 130 nghìn học sinh, tăng khoảng 680 học sinh so với năm 2023-2024.
Năm 2026-2027 dự kiến có hơn 151 nghìn học sinh, tăng khoảng hơn 22 nghìn học sinh so với năm học 2023-2024.
Về quy mô các trường THPT công lập (không tính trường THPT công lập tự chủ và THPT công lập hiệp quản):
Đến năm 2024-2025, Hà Nội dự kiến có khoảng 121 trường, tăng hai trường so với năm học 2023-2024.
Đến năm học 2025- 2026, có khoảng 123 trường, tăng 4 trường so với năm học 2023-2024.
Đến năm học 2026-2027 có khoảng 125 trường, tăng 6 trường so với năm học 2023-2024.
Trả lời câu hỏi của phóng viên Dân trí, tại sao Hà Nội khẳng định không thiếu chỗ học trong khi phụ huynh vẫn phải xếp hàng xuyên đêm?
Ông Cương cho hay, sở dĩ nói như vậy vì tính số học sinh vào 10 đầu cấp, rải đều cho số chỉ tiêu của thành phố, Hà Nội không thiếu chỗ học.
Vấn đề ở đây, thành phố đang thừa thiếu cục bộ: Thừa ở ngoại thành và thiếu đậm đặc ở nội thành, đơn cử như quận Hoàng Mai, Nam Từ Liêm…
Để giải quyết bài toán thiếu trường lớp trong thời gian tới, theo ông Cương, đơn vị này có kế hoạch xây mới, thành lập mới trường học giai đoạn 2021-2025.
Cụ thể, năm 2021- 2025, Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội phê duyệt 7 dự án xây dựng và thành lập mới trường THPT trên địa bàn TP Hà Nội nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của con em sau khi hoàn thành chương trình THCS gồm: Trường THPT Minh Hà (Thạch Thất), THPT Thọ Xuân (huyện Đan Phượng), THPT tại ô đất A11 (quận Cầu Giấy), trường THPT Việt Hưng (quận Long Biên), Trường THPT Uy Nỗ, Trường THPT Nguyên Khê và Trường THPT Việt Hùng (huyện Đông Anh).
Ngoài việc đốc thúc một số quận, huyện yêu cầu các chủ đầu tư xây dựng trường ở các khu đô thị như cam kết, ông Cương cho hay, tại những quận quá tải, Hà Nội cũng đề xuất tăng số học sinh/lớp ở một số trường mới xây, phòng học rất rộng.