Tỷ lệ đô thị hóa của Bắc Ninh vượt cả nước sau 27 năm tái lập tỉnh

Bắc Ninh đang chuyển mình với mục tiêu trở thành đô thị loại I vào năm 2027 và thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030. Với tốc độ tăng trưởng ấn tượng, Bắc Ninh đã trở thành động lực tăng trưởng mới của vùng Thủ đô và vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ.

Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1589/QĐ-TTg, ngày 08/12/2023, với các mục tiêu dài hạn, có tầm nhìn chiến lược, mang khát vọng và niềm tin về một Bắc Ninh phát triển hiện đại, thịnh vượng, bền vững, giàu bản sắc Bắc Ninh - Kinh Bắc trong tương lai. Do đó, Quy hoạch tỉnh là căn cứ pháp lý quan trọng, là "kim chỉ Nam", là "đòn bẩy", tạo động lực để tỉnh Bắc Ninh vững bước trong giai đoạn phát triển mới.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trao Quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trao Quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh

Trong đó đưa ra mục tiêu phát triển đến năm 2030, Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc trung ương; là trung tâm kinh tế, văn hóa năng động của khu vực phía Bắc; một trong những cực phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng, kết nối chặt chẽ với Thủ đô Hà Nội; có hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển đồng bộ, hiện đại. Quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm. Người dân có cuộc sống phồn vinh, văn minh, hạnh phúc. Tỉnh phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân 8 - 9%/năm và GRDP bình quân đầu người đạt 346,6 triệu đồng.

Tầm nhìn đến năm 2050, Bắc Ninh là thành phố trực thuộc trung ương, thuộc nhóm địa phương đứng đầu cả nước về quy mô kinh tế; một trong những trung tâm công nghiệp công nghệ cao, nghiên cứu và phát triển, sản xuất thông minh hàng đầu châu Á và thế giới; là thành phố xanh, thông minh, hiện đại, đáng sống với trình độ phát triển cao, mang đậm bản sắc văn hóa Bắc Ninh - Kinh Bắc. Người dân được thụ hưởng các dịch vụ xã hội và chất lượng cuộc sống ngang với các nước phát triển trong khu vực châu Á.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn, Bắc Ninh với những tiềm năng, thế mạnh, không chỉ đặt mục tiêu trở thành một trung tâm công nghiệp hiện đại mà còn hướng tới việc xây dựng hình mẫu phát triển đô thị bền vững, gắn kết giữa tăng trưởng kinh tế, bảo vệ môi trường và bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống. Việc phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương không chỉ là nâng cấp về mặt hành chính, mà còn thể hiện khát vọng xây dựng một địa phương có sức hút toàn diện về đầu tư, dịch vụ và chất lượng sống.

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn thông tin: Để hiện thực hóa các mục tiêu này, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định rõ 5 nhiệm vụ trọng tâm và 3 đột phá chiến lược để hướng tới tăng trưởng xanh – tuần hoàn – bền vững, cụ thể là:

* 3 nhiệm vụ trọng tâm:

Nhiệm vụ thứ nhất là: Tập trung nguồn lực đầu tư vào ngành công nghiệp và dịch vụ; chú trọng phát triển các ngành công nghiệp có tiềm năng phát triển; chuyển đổi và thu hút đầu tư vào nhóm ngành mới.

Nhiệm vụ thứ hai: Phấn đấu trước năm 2030 tỉnh Bắc Ninh có 4 thành phố: Bắc Ninh, Từ Sơn, Tiên Du, Yên Phong; 2 thị xã: Quế Võ, Thuận Thành; 2 huyện: Lương Tài, Gia Bình.

Nhiệm vụ thứ ba: Thực hiện hiệu quả cải cách hành chính, chuyển đổi số; xây dựng chính quyền số gắn với xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức chuyên nghiệp, hiện đại. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài.

* 6 đột phá chiến lược:

Thứ nhất, nghiên cứu, đề xuất, triển khai thí điểm một số cơ chế, chính sách mới có tính đột phá, đặc thù để tỉnh Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc trung ương, trong đó có những chính sách khuyến khích, ưu đãi vượt trội mang tính cạnh tranh quốc tế đối với các dự án lớn, quan trọng để thu hút được các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia đầu tư sản xuất kinh doanh, nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo phù hợp với quy hoạch, định hướng phát triển.

Thứ hai, đẩy mạnh phát triển, hoàn thiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, nhất là hạ tầng giao thông (đường sắt đô thị, giao thông ngầm; giao thông kết nối nội vùng, liên vùng).

Thứ ba, hoàn thiện hạ tầng các khu công nghiệp, chuyển đổi các khu công nghiệp theo hướng xanh, tuần hoàn, bền vững.

Thứ tư, Thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách, giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo hướng hiện đại, tiếp cận chuẩn mực của thế giới để nâng cao chất lượng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho địa phương, vùng và cả nước

Thứ năm, thúc đẩy mạnh mẽ nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong lĩnh vực có tiềm năng và lợi thế.

Thứ sáu, Nâng cao chất lượng quản trị, chất lượng đội ngũ cán bộ gắn với đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Giải pháp trọng tâm thời gian tới: Chú trọng tăng trưởng xanh – tuần hoàn – bền vững: Cùng với Đất nước, Bắc Ninh đang bước vào một kỷ nguyên mới với “khát vọng vươn mình” mạnh mẽ, trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa và công nghệ hiện đại hàng đầu của Việt Nam. Tỉnh đã và đang tận dụng lợi thế từ vị trí địa lý chiến lược riêng có, tiềm năng con người và nền tảng công nghiệp phát triển để định hình tương lai.

Bắc Ninh tiếp tục kiên trì trong cải cách hành chính, đẩy mạnh chuyển đổi số, tập trung nguồn lực để nhanh chóng nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, nhất là hạ tầng giao thông chiến lược, hạ tầng khu công nghiệp, đáp ứng yêu cầu về cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao để tiếp tục thu hút các dự án FDI lớn, chiến lược theo định hướng phát triển, tạo đột phá ở mức cáo cho tăng trưởng kinh tế và Bắc Ninh có đủ tiềm lực, thế mạnh, quyết tâm và cơ hội để hiện thực hóa mục tiêu này.

Không chỉ tập trung phát triển kinh tế, Bắc Ninh đặt mục tiêu phát triển kinh tế để hướng tới xây dựng một xã hội hiện đại, giàu bản sắc văn hóa và bền vững về môi trường. Các khu đô thị thông minh, khu công nghiệp công nghệ cao và hệ thống giao thông đồng bộ đang tạo nền tảng cho một diện mạo đô thị năng động, sẵn sàng hội nhập quốc tế.

Đô thị hóa ở Bắc Ninh nhanh nhất cả nước.

Đô thị hóa ở Bắc Ninh nhanh nhất cả nước.

Song song đó, tỉnh không ngừng gìn giữ và phát huy di sản văn hóa quan họ, xây dựng bản sắc riêng để tạo sức hút toàn diện. Với tầm nhìn chiến lược và quyết tâm đổi mới, Bắc Ninh không chỉ là hình mẫu phát triển của khu vực Bắc Bộ mà còn hứa hẹn trở thành điểm sáng trong kỷ nguyên phát triển của dân tộc, khẳng định vị thế vững chắc trên bản đồ kinh tế và văn hóa quốc gia.

Theo Sở Xây dựng Bắc Ninh, về quy hoạch đô thị, Bắc Ninh đã có những bước tiến đáng kể. Từ việc phê duyệt Đồ án quy hoạch chung đô thị Bắc Ninh đầu tiên năm 2015 theo Quyết định số 1560/QĐ-TTg, đến việc xây dựng các trung tâm hành chính mang tính biểu tượng như: Cung Quy hoạch - Kiến trúc Bắc Ninh, Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc, Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh, tỉnh đã thể hiện sự kết nối hài hòa giữa truyền thống và hiện đại trong quá trình đô thị hóa.

Song song, Bắc Ninh cũng khẳng định vị thế "đô thị công nghiệp" với 16 khu công nghiệp tập trung, 1 khu công nghệ thông tin và hơn 30 cụm công nghiệp… mặc dù diện tích nhỏ, nhưng quy mô và tổng diện tích khu công nghiệp của tỉnh thuộc hàng lớn, chỉ đứng sau Quảng Ninh và Hải Phòng trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ.

Nhìn lại chặng đường 27 năm kể từ khi tái lập tỉnh (năm 1997), Bắc Ninh đã đạt được những thành tựu đáng tự hào trên mọi lĩnh vực. Hệ thống đô thị Bắc Ninh được đầu tư phát triển mạnh mẽ. Tỷ lệ đô thị hóa đạt 60,3%, cao hơn nhiều so với mức trung bình của cả nước; tỉnh đang khẳng định vị thế là một trong 4 cực tăng trưởng của vùng Đồng bằng sông Hồng.

Trong đó, TP Bắc Ninh là đô thị loại I, TP Từ Sơn là đô thị loại III. Có 03 đô thị loại IV: Quế Võ, Thuận Thành, Yên Phong; 04 đô thị loại V: Thị trấn Lim (Tiên Du), TT Gia Bình, TT Thứa (Lương Tài), đô thị Nhân Thắng (Gia Bình).

Mở rộng không gian đô thị với 4 thành phố: Bắc Ninh, Từ Sơn, Tiên Du, Yên Phong. Mới đây, tỉnh Bắc Ninh cũng trình hồ sơ Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2025 và thành lập thị trấn Nhân Thắng thuộc huyện Gia Bình; điều chỉnh phân loại thị xã Quế Võ và thị xã Thuận Thành là đơn vị hành chính loại I, thuộc tỉnh Bắc Ninh lên Bộ Nội vụ và đã được cơ bản thông qua tại Hội nghị thẩm định vào 13/9/2024. Nâng cấp các đô thị còn lại là Lương Tài, Gia Bình. Những định hướng phát triển này sẽ tạo động lực mới, góp phần đưa Bắc Ninh trở thành một tỉnh công nghiệp văn minh, hiện đại.

Trên cơ sở Quy hoạch tỉnh, quy hoạch chung đô thị Bắc Ninh, ngành Xây dựng Bắc Ninh tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố rà soát điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị, các khu chức năng cho phù hợp. Trong quy hoạch xây dựng Nông thôn mới, yêu cầu các địa phương rà soát quy hoạch, triển khai mỗi thôn, khu phố có một hồ nước, vườn hoa, cây xanh, khu tập luyện thể dục, thể thao

Toàn tỉnh hình thành 12 đô thị với hệ thống hạ tầng kỹ thuật được đầu tư đồng bộ, thu hút người dân và các dự án nhà ở. Hiện nay, ngành tập trung tham mưu đẩy mạnh đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng, dự án nhà ở. Lập danh mục các dự án, khu đô thị, khu chức năng đô thị cần thu hút đầu tư; phấn đấu đạt 70% vào năm 2025, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX.

Bắc Ninh hội tụ 2 tính chất nổi trội là "Đô thị di sản" và "Đô thị công nghiệp", mở ra tiềm năng to lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là trong lĩnh vực du lịch văn hóa. Tỉnh Bắc Ninh đã tạo nên nhiều tiềm năng, lợi thế, tin tưởng rằng, quy hoạch sẽ tạo ra những động lực mới cho Bắc Ninh phát triển mà vẫn giữ được bản sắc đáng tự hào của vùng đất văn hiến Bắc Ninh - Kinh Bắc.

PV

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/kinh-te/ty-le-do-thi-hoa-cua-bac-ninh-vuot-ca-nuoc-sau-27-nam-tai-lap-tinh-i753508/