Tỷ lệ học đại học của Việt Nam thấp hơn nhiều nước trong khu vực

Số liệu thống kê từ năm 2021-2023 của Bộ GD&ĐT cho thấy, tỷ lệ người học đại học trên số người trong độ tuổi từ 18-22 của Việt Nam mới chỉ đạt từ 27,9- 30%.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, sáng 4/11, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về Đánh kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.

 Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn giải trình các vấn đề đại biểu quan tâm. Ảnh: Phạm Thắng.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn giải trình các vấn đề đại biểu quan tâm. Ảnh: Phạm Thắng.

Cần tính toán lại cách tiếp cận của chúng ta đối với giáo dục đại học

Liên quan đến việc phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh, đặc biệt là học sinh theo Quyết định 522. Năm 2018 có thể thấy việc học sinh đối mặt với một sức ép rất lớn khi thi vào lớp 10 THPT. Đã đến lúc chúng ta cần phải đánh giá một cách đầy đủ sau một thời gian triển khai Quyết định 522 và xem công thức 70-30 cho học sinh sau trung học và 60-40 sau THPT thì mức độ phù hợp còn đến đâu.

Bởi vì, đây là căn cứ mà rất nhiều địa phương dựa vào và chuẩn bị hệ thống các trường công THPT đáp ứng chỉ khoảng 70%.

Khi nguyện vọng của các học sinh lớn hơn và sự khác biệt giữa các vùng miền rất lớn, nảy sinh ra rất nhiều vấn đề, gây căng thẳng cho các em trong sự lựa chọn. Thực tế, nhiều em lại chuyển sang học tại các trung tâm giáo dục thường xuyên và trung tâm giáo dục thường xuyên gánh vác một nhiệm vụ tương tự như trường THPT. Tuy nhiên, khó đảm bảo được các điều kiện tốt như các trường THPT hiện nay.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, chúng ta nên tính các tỷ lệ 70-30 một cách mềm dẻo hơn, đúng thực tế hơn và theo những thay đổi lớn về vấn đề nguồn nhân lực trong nước và trên thế giới.

Theo một số liệu thống kê 10 năm của UNESCO cho thấy, tỷ lệ thanh niên trong độ tuổi từ 15 cho đến 24 theo học ở các trình độ về giáo dục nghề nghiệp của Việt Nam đã có xu hướng tăng khá trong khu vực và cao hơn hẳn mức trung bình ở khu vực Đông Á và Đông Nam Á, tăng từ 5,2% lên 9,2%, xấp xỉ bằng mức trung bình của khu vực châu Âu và Bắc Mỹ và đã khá giữ ổn định ở phạm vi là 17,0 đến 17,9%.

Trong khi đó, số liệu thống kê từ năm 2021 đến năm 2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy tỷ lệ người học đại học trên số người trong độ tuổi từ 18 đến 22 của Việt Nam mới chỉ đạt từ 27,9% đến xấp xỉ 30%.

“Như vậy, chúng ta chỉ tương đương mức bình quân của các nước có thu nhập trung bình và thấp hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.

Bộ trưởng lấy ví dụ, tỷ lệ này ở Thái Lan là 34,8%, Singapore là 54,9%, Đức là 44,2%, Anh là 44,36%, Mỹ là xấp xỉ 46% và thấp hơn hẳn mức bình quân của các nước thu nhập trung bình cao, tức là gần 37%.

Mô hình tháp nhọn truyền thống chúng ta vẫn đang nghĩ lấy cơ sở là đào tạo sơ cấp, trung cấp thì đang dần dần không còn phù hợp và mức độ đáy của trình độ đào tạo nghề nghiệp đang dần dần tiệm cận đến phải lấy trình độ đại học làm chuẩn.

“Cho nên, chúng ta cũng cần phải tính toán lại ở tầm vĩ mô việc cơ cấu, quan niệm về giáo dục nghề nghiệp và cách tiếp cận của chúng ta đối với giáo dục đại học. Quan niệm về thầy và thợ trong đào tạo nhân lực chất lượng cao càng tiệm cận với nhau và rất khó phân biệt được vấn đề đâu là thầy, đâu là thợ trong đào tạo nhân lực cho các lĩnh vực công nghệ cao và mũi nhọn”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho hay.

ĐBQH: Người học nơm nớp lo học phí leo thang

Trước đó, đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương (đoàn Quảng Ngãi) đề nghị quan tâm đến vấn đề học phí, nhất là học phí đại học. Đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương nêu thực tế mức học phí cấp đại học tại các trường tự chủ đại học, nhất là hệ chất lượng cao, học phí gấp đôi so với hệ đại trà. “Người học luôn trong tình trạng nơm nớp lo ngại khi học phí tiếp tục leo thang, năm sau cao hơn năm trước 10%-30%”, đại biểu nói.

 Đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương (đoàn Quảng Ngãi) cho biết, người học luôn trong tình trạng nơm nớp lo học phí leo thang. Ảnh: Phạm Thắng.

Đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương (đoàn Quảng Ngãi) cho biết, người học luôn trong tình trạng nơm nớp lo học phí leo thang. Ảnh: Phạm Thắng.

Đại biểu cho hay, cử tri nêu ý kiến, việc phân luồng đào tạo không chỉ dựa vào học lực, mà còn dựa vào điều kiện kinh tế gia đình của học sinh có khả năng đáp ứng 4 đến 5 năm đại học hay không. Con em gia đình khó khăn khó mà theo học đại học, mặc dù các em có năng lực học tập tốt.

Vấn đề này cũng đã được đại biểu đề cập trước đây nhưng có ý kiến cho rằng, người nghèo thì có chính sách cho hộ nghèo, học sinh giỏi thì có chính sách học bổng. Tuy nhiên, theo đại biểu, con số này rất ít. Hiện nay, số lượng lớn gia đình có con em học đại học rất khó khăn về tài chính để trang trải kinh phí. Công tác quản lý, xây dựng ban hành định mức kinh tế kỹ thuật, thẩm định, phê duyệt học phí, giá các dịch vụ khác trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, cũng như việc kiểm soát của cơ quan chức năng thực hiện quản lý nhà nước là để xác định học phí sát đúng với chi phí phục vụ giảng dạy, bảo đảm phát triển sự nghiệp giáo dục, tạo nguồn nhân lực cho đất nước.

Đại biểu cho biết, hiện nay, các cơ sở đăng ký đạt mức kiểm định chất lượng chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định, hoặc đạt mức kiểm định chất lượng chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn nước ngoài thì được tự xác định mức thu học phí của chương trình đó, nên học phí các trường đại học tăng quá cao.

Đại biểu đề nghị Chính phủ, bộ, ngành liên quan xem xét đánh giá thực trạng và tăng cường vai trò quản lý nhà nước về vấn đề này, bảo đảm công khai, minh bạch; đồng thời có cơ chế đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo và phù hợp với điều kiện của đa số người dân.

Mai Loan

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/xa-hoi/ty-le-hoc-dai-hoc-cua-viet-nam-thap-hon-nhieu-nuoc-trong-khu-vuc-2049043.html