Tỷ lệ nắm giữ của khối ngoại tại các ngân hàng Big 4 tiếp tục tăng
Số liệu cập nhật trong tuần 14/11 - 18/11 của Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam ghi nhận, khối ngoại đã tăng mua vào cổ phần tại các ngân hàng trong nhóm Big 4 gồm Vietinbank, Vietcombank và BIDV để nâng tỷ lệ sở hữu.
Đối với ngân hàng BIDV (Mã: BID), nhà đầu tư nước ngoài hiện đang nắm giữ 17,03% trên tỷ lệ 30% cổ phần được sở hữu tối đa. Con số này đã tăng 0,02% so với mức 17,01% của tuần trước đó.
Tại Vietinbank (Mã: CTG), tính đến hết ngày 18/1, nhà đầu tư nước ngoài hiện nắm giữ 27,23% trên tỷ lệ 30% được sở hữu tối đa. Đáng chú ý, trong phiên giao dịch ngày 15/1, khối ngoại đã có hành động mạnh tay ở cổ phiếu CTG khi đã mua ròng gần 4 triệu đơn vị.
Qua đó, tỷ lệ nắm giữ của khối ngoại với mã CTG đã tăng 0,31% so với mức 26,92% của 1 tuần trước đây.
Tại Vietcombank (mã: VCB), nhà đầu tư nước ngoài hiện đang nắm giữ 23,6% trên tỷ lệ 30% được sở hữu tối đa. Như vậy, tỷ lệ nắm giữ của khối ngoại với mã VCB đã tăng 0,01% so với mức 23,59% của 1 tuần trước đó.
Chốt phiên giao dịch ngày 18/11, cổ phiếu BID đã tăng nhẹ lên 0,84%, đóng cửa ở mức 35.950 đồng/cổ phiếu. Trong khi đó, cổ phiếu VCB tiếp tục đi ngang và đóng cửa ở mức 76.500 đồng/cổ phiếu.
Chiều ngược lại, cổ phiếu CTG đã giảm 1,2% và đóng cửa ở mức 24.700 đồng/cổ phiếu.
Trong các báo cáo công bố mới đây, nhiều quỹ ngoại cũng đưa ra nhận định tích cực đối với nhóm cổ phiếu ngân hàng. Theo Dragon Capital Việt Nam nhận định, năm 2022, tín dụng được cải thiện, lợi nhuận bình quân toàn ngành có thể đạt mức tăng 30% so với năm 2021.
Các thông tin khác hỗ trợ cổ phiếu ngân hàng là một số nhà băng đang triển khai kế hoạch bán vốn chiến lược, ghi nhận lợi nhuận đột biến từ bán bảo hiểm độc quyền hay khả năng được chấp thuận tăng room ngoại.
Trong khi đó, VinaCapital cho biết, ngành ngân hàng tiếp tục có sức hấp dẫn cao trong dài hạn do tỷ suất lợi nhuận cao, chất lượng tài sản được kiểm soát tốt, tỷ lệ thâm nhập của các khoản vay thế chấp và bán lẻ thấp và thu nhập tăng.
Tuy nhiên trong ngắn hạn, những lo ngại với ngành ngân hàng có thể đến từ biên lợi nhuận mỏng do chi phí huy động vốn cao hơn và điều chỉnh lãi suất cho vay chậm hơn. Ngoài ra, những lo ngại này còn xuất phát từ rủi ro với chất lượng tài sản từ trái phiếu doanh nghiệp có khả năng không thể tái cấp vốn, chuyển nhượng hoặc hoàn trả trong bối cảnh các yêu cầu phát hành chặt chẽ hơn.