Tỷ lệ người Việt mắc bệnh đái tháo đường đang tăng nhanh
Tại Việt Nam hiện nay, tỷ lệ người mắc bệnh đái tháo đường đang gia tăng nhanh. Bệnh gây nên nhiều tác hại cho sức khỏe, tàn phế, thậm chí tử vong bởi thường được chẩn đoán, điều trị muộn.
7 triệu người Việt mắc đái tháo đường
Đái tháo đường là tình trạng rối loạn chuyển hóa mạn tính, do cơ thể không sản sinh được insulin hoặc không sử dụng được insulin để hấp thụ glucose máu dẫn đến đường trong máu cao hơn mức bình thường. Tăng glucose máu mạn tính trong đái tháo đường sẽ gây tổn thương, rối loạn chức năng hay suy nhược cơ quan.
Các triệu chứng của đường huyết cao bao gồm: Ăn nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều và sụt cân nhiều. Nếu bệnh đái tháo đường không được chữa trị, có thể gây ra nhiều biến chứng như: Hạ đường huyết, hôn mê nhiễm toan ceton, thậm chí tử vong, bệnh tim mạch, đột quỵ, suy thận mạn tính, loét chân, bệnh lý võng mạc...
Đái tháo đường được nhiều người biết đến ở dạng đái tháo đường tuýp 1, đái tháo đường tuýp 2 và đái tháo đường thai kỳ. Phụ nữ mắc đái tháo đường thai kỳ sẽ có nguy cơ sinh con mắc bệnh hoặc các biến chứng khác của đái tháo đường. Cứ 7 đứa trẻ sinh ra thì có một trẻ bị ảnh hưởng bởi đái tháo đường thai kỳ và có khoảng 542.000 đứa trẻ mắc đái tháo đường tuýp 1.
Tính đến nay, 5 phụ nữ trong độ tuổi sinh sản có hai người có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường. Con số này sẽ còn tiếp tục tăng lên, hơn 199 triệu phụ nữ sống với bệnh đái tháo đường và dự tính sẽ tăng lên 313 triệu người vào năm 2040.
Số liệu của Hiệp hội Phòng, chống đái tháo đường thế giới cho thấy, tại Việt Nam hiện nay tỷ lệ người mắc bệnh đái tháo đường đang gia tăng nhanh. Bệnh không chỉ xuất hiện ở khu vực đô thị mà còn xuất hiện ở hầu khắp các khu vực từ miền núi, trung du đến đồng bằng. Bệnh gây nên nhiều tác hại cho sức khỏe, tàn phế, thậm chí tử vong bởi thường được chẩn đoán, điều trị muộn.
Hiện nay, Việt Nam có khoảng 7 triệu người mắc đái tháo đường. Đáng chú ý, trong đó hơn 55% bệnh nhân đã có biến chứng, trong đó 34% là biến chứng về tim mạch; 39,5 có biến chứng về mắt và biến chứng về thần kinh; 24% biến chứng về thận. Bệnh nhân đái tháo đường bị biến chứng không chỉ làm gia tăng chi phí y tế mà còn làm giảm chất lượng cuộc sống.
Các yếu tố nguy cơ của bệnh đái tháo đường
Trên thế giới, cứ 10 người trưởng thành thì có 1 người mắc bệnh đái tháo đường. Trong đó, hơn 90% mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2. Gần một nửa vẫn chưa được chẩn đoán. Trong nhiều trường hợp, bệnh đái tháo đường tuýp 2 và các biến chứng có thể được ngăn ngừa bằng cách áp dụng và duy trì những thói quen sống lành mạnh. Biết được nguy cơ của mình và những việc cần làm là điều quan trọng để hỗ trợ phòng ngừa, chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời.
Các yếu tố nguy cơ của bệnh đái tháo đường tuýp 2 gồm: Tiền sử gia đình mắc bệnh đái tháo đường; Thừa cân; Chế độ ăn uống không lành mạnh; Không hoạt động thể chất; Tuổi cao; Huyết áp cao; Dân tộc; Giảm dung nạp glucose (tình trạng đường huyết cao hơn bình thường nhưng dưới ngưỡng chẩn đoán bệnh); Tiền sử bệnh đái tháo đường thai kỳ; Dinh dưỡng kém khi mang thai...
Do đó, để giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2, cần có chế độ ăn uống cân bằng và hoạt động thể chất thường xuyên. Trong đó, duy trì cân nặng ở mức bình thường là rất quan trọng vì thừa cân và béo phì làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Ngoài ra, cần thực hiện kiểm tra định kỳ và sàng lọc, đặc biệt là đối với những người có một hoặc nhiều yếu tố nguy cơ, giúp phát hiện các dấu hiệu sớm nhằm khuyến khích mọi người thực hiện những thay đổi cần thiết để trì hoãn hoặc ngăn ngừa sự khởi phát của bệnh.
Ngày Đái tháo đường thế giới được tổ chức lần đầu tiên vào 14/11/1991 đánh dấu ngày sinh của Frederick Banting, người có vai trò quan trọng trong việc tìm ra insulin, một phương pháp điều trị cứu sống bệnh nhân đái tháo đường vào năm 1922.
Từ đó, Liên đoàn Đái tháo đường thế giới (IDF) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) lấy ngày 14/11 hàng năm để hưởng ứng ngày đái tháo đường thế giới nhằm nâng cao nhận thức toàn cầu về căn bệnh này và các biến chứng của nó.