Tỷ lệ nợ xấu ngân hàng lập đỉnh mới, làm thế nào để xử lý?

Dù được giãn, hoãn nợ, nợ xấu nội bảng của hệ thống ngân hàng tại thời điểm cuối tháng 5/2024 vẫn tăng hơn 10% so với cuối năm ngoái. Theo các chuyên gia, để giải quyết nợ xấu có 2 vấn đề cần phải quan tâm: phát triển thị trường mua bán nợ và vực dậy thị trường bất động sản.

Theo báo cáo của Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp), 6 tháng đầu năm 2024, cùng với số cũ chuyển sang thì số vụ việc phải thi hành án lên đến gần 700.000 vụ, tỷ lệ án tồn đọng trong lĩnh vực ngân hàng rất lớn.

Nợ xấu ngân hàng tăng nhanh

Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, đến cuối tháng 5/2024, nợ xấu nội bảng của hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) là 833,3 nghìn tỷ đồng, tăng 10,8% so với cuối năm 2023. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức 4,94%, cao hơn mức 4,55% tại thời điểm cuối năm 2023. Trong khi đó, tỷ lệ nợ xấu gồm cả nợ tiềm ẩn và cơ cấu lại duy trì ở mức 6,9%.

Trên cơ sở dữ liệu của NHNN, xét về số tuyệt đối, Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) ước tính nợ xấu nội bảng đã tăng thêm khoảng 75.900 tỷ đồng so với cuối năm 2023. Đáng chú ý, nợ cơ cấu lại thời hạn và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 06/2024 sửa đổi Thông tư 02/2023 tăng khá mạnh, tổng giá trị nợ gốc và lãi đã tăng thêm 25,5% so với cuối năm 2023 lên 230.400 tỷ đồng. Đồng thời, số lượt khách hàng được cơ cấu lại thời hạn nợ và giữ nguyên nhóm nợ cũng tăng mạnh, từ 188.000 lượt lên 282.000 lượt tính đến cuối tháng 6/2024.

Đến cuối tháng 5/2024, tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức 4,94%, cao hơn mức 4,55% tại thời điểm cuối năm 2023.

Đến cuối tháng 5/2024, tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức 4,94%, cao hơn mức 4,55% tại thời điểm cuối năm 2023.

Dù tỷ lệ nợ xấu đang có xu hướng nhích lên do tình hình kinh tế khó khăn ảnh hưởng tới "sức khỏe" của doanh nghiệp, song việc trích lập dự phòng rủi ro tại nhiều ngân hàng giảm so với giai đoạn cuối năm ngoái. Điều này làm dấy lên lo ngại sẽ ảnh hưởng đến nguồn vốn cung ra thị trường trong bối cảnh tín dụng đang được đẩy tăng mạnh trong những tháng cuối năm để đạt mục tiêu tăng trưởng 15%.

Tuy nhiên, ông Lê Hoài Ân, Ban cố vấn Công ty dữ liệu Wingroup cho rằng, các ngân hàng Việt Nam đã có trích lập dự phòng nhiều. Giai đoạn trước, tỷ lệ trích lập dự phòng trên 100% của cả hệ thống ngân hàng, nếu tính số nợ xấu đang ghi nhận, số trích lập đã đủ để xử lý nợ xấu. Do đó, giai đoạn này trích lập dự phòng giảm nhưng vẫn đảm bảo trên 80%.

Hiện nay, mỗi ngân hàng cũng có cách riêng để kiểm soát nợ xấu. Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho hay: "Có những ngân hàng thành lập cả một đội nhóm thu hồi và xử lý nợ xấu, phân tích từng khoản nợ đi thu hồi xử lý từ hệ thống trung ương tới địa phương, không để các chi nhánh manh mún tự tổ chức thu hồi nợ nữa mà phải có một hệ thống trung tâm thu hồi nợ xấu ở trụ sở chính của ngân hàng".

Tại LPBank, ngân hàng đã áp dụng quy trình tập trung với các khoản vay từ 30 tỷ đồng trở lên, thậm chí HĐQT sẽ tham gia thẩm định và phê duyệt tại thực địa, vì vậy nợ xấu trong nửa đầu năm chỉ dưới 1,7%.

Bà Nguyễn Ánh Vân, Phó Tổng giám đốc LPBank chia sẻ: "Cùng với đơn vị kinh doanh làm việc trực tiếp với khách hàng tại thực địa, chúng tôi có thể đánh giá được dòng tiền và "sức khỏe" của khách hàng và khả năng ngân hàng cấp tín dụng thì khách hàng có trả nợ được hay không, từ đó để cấp tín dụng cho khách hàng".

Vì vậy, nợ xấu được xử lý cũng tăng đáng kể. Theo báo cáo mới nhất của NHNN, trong 5 tháng đầu năm, toàn hệ thống xử lý được 96,7 nghìn tỷ đồng nợ xấu, tăng gần 29% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, có hơn 47 nghìn tỷ đồng, tương đương gần 5% đã được các TCTD thu hồi, xử lý hoặc trích lập dự phòng rủi ro. Còn lại, các TCTD bán một phần nợ xấu cho Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC).

VAMC cho hay đã xử lý hơn 8.100 tỷ đồng trong số nợ mua lại của TCTD thông qua trái phiếu đặc biệt và theo giá thị trường.

Kết quả thi hành án tín dụng ngân hàng (không bao gồm ủy thác thi hành án, số chưa có điều kiện đã chuyển sổ theo dõi riêng) thì tổng số việc phải thi hành là 42.920 việc với hơn 173.033 tỷ đồng. Cho đến nay đã thi hành xong 2.278 việc và thi hành xong về tiền là hơn 12.802 tỷ đồng.

Kỳ vọng thị trường bất động sản khởi sắc

Trao đổi với báo chí tại họp báo triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết: “Nợ xấu là vấn đề lớn cần quan tâm, bởi đây là hệ quả của cả quá trình. Nhìn chung đó là những khoản nợ sau 2 năm có dịch Covid-19 và năm 2023 là do yếu tố khách quan khó khăn của nền kinh tế chứ không phải sự yếu kém của ngành ngân hàng. NHNN sẽ có biện pháp xử lý tích cực hơn, đảm bảo chất lượng tín dụng và kiểm soát nợ xấu, trích lập để đảm bảo an toàn ngân hàng”.

Các ngân hàng khẳng định sẽ thực hiện tái cơ cấu các khoản nợ vay, tìm cách đồng hành cùng doanh nghiệp để xử lý các khoản nợ xấu khó đòi. Tuy nhiên, thực tế có tình trạng không hợp tác, chây ỳ, chống đối trong việc trả nợ và bàn giao tài sản đảm bảo, nợ xấu đang có chiều hướng gia tăng.

Trong bối cảnh đó, Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu đã hết hiệu lực thi hành nhưng một số quy định không được kế thừa trong Luật Các TCTD 2024, đặc biệt là vấn đề hỗ trợ từ các cơ quan công an, chính quyền địa phương trong việc thực thi quyền thu giữ tài sản đảm bảo của chủ nợ, càng khiến cho việc xử lý nợ xấu của các TCTD khó khăn hơn.

Ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch HĐTV Agribank đề nghị các bộ ngành, NHNN, các cơ quan có thẩm quyền xem xét, hỗ trợ các TCTD trong quá trình xử lý nợ xấu, thu giữ tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu; trong đó công tác tố tụng giải quyết vụ án tại Tòa án các cấp và thi hành án cần được giải quyết rút gọn, đẩy nhanh tiến độ.

Các chuyên gia cho rằng, để giải quyết vấn đề nợ xấu, có 2 vấn đề cần phải quan tâm: phát triển thị trường mua bán nợ và vực dậy thị trường bất động sản, bởi đa số nguồn vốn đang nằm tại thị trường này và đa số nợ xấu của hệ thống ngân hàng cũng là bất động sản, 80-90% tài sản thế chấp ngân hàng là bất động sản. Nếu muốn xử lý nợ xấu nhanh thì phải vực dậy thị trường bất động sản, còn nếu thị trường bất động sản vẫn "đóng băng", ngân hàng cũng không thể xử lý được nợ xấu.

Nhiều ý kiến kỳ vọng những điểm mới trong Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai và Luật Nhà ở có hiệu lực từ đầu tháng 8 tới sẽ tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, đồng thời lãi suất cho vay tiêu dùng đã hạ nhiệt nhiều so với thời điểm trước đó cũng giúp tăng khả năng trả nợ của khách hàng.

Lãnh đạo một ngân hàng cho rằng, với những giải pháp đồng bộ đang được triển khai như: khoản vay mới với lãi suất thấp, khoản nợ cũ tiếp tục được giãn hoãn, nợ xấu được xử lý tích cực…, ngành ngân hàng sẽ đạt được mục tiêu kép là tín dụng tăng trưởng 15%, đồng thời nợ xấu dưới mức 3%.

Đối với thị trường mua bán nợ, ông Đỗ Giang Nam, Hội đồng thành viên VAMC cho hay, VAMC sẽ tập trung vào phát triển thị trường mua bán nợ cũng như vận hành tốt hơn sàn giao dịch nợ - nơi tập trung cơ sở dữ liệu về các hoạt động mua bán nợ xấu trên toàn thị trường, qua đó cung cấp đầy đủ các nghiệp vụ về môi giới, tư vấn cho các nhà đầu tư quan tâm đến việc mua lại các khoản nợ xấu này.

Huyền Anh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//ngan-hang/ty-le-no-xau-ngan-hang-lap-dinh-moi-lam-the-nao-de-xu-ly-1101327.html