Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp ngành Quản trị kinh doanh có việc làm đều ở mức rất cao
Theo số liệu phóng viên thống kê, điểm chuẩn và tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm ngành Quản trị kinh doanh tại một số CSGDĐH có sự chênh lệch.
Ngành Quản trị kinh doanh hiện đang là một trong những ngành đào tạo thu hút đông đảo thí sinh bởi tính ứng dụng cao và cơ hội nghề nghiệp rộng mở. Với mục tiêu đào tạo những nhà quản lý có tư duy chiến lược, khả năng điều hành và ra quyết định hiệu quả, ngành học này cung cấp nền tảng kiến thức toàn diện về kinh tế, tài chính, marketing, nhân sự và vận hành doanh nghiệp.
Để thí sinh và phụ huynh có thêm thông tin tham khảo, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã tìm hiểu và tổng hợp điểm chuẩn, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm năm 2024 và phương thức tuyển sinh năm 2025 của ngành Quản trị kinh doanh tại một số cơ sở giáo dục đại học ở 3 miền Bắc, Trung, Nam.
Ở khu vực miền Bắc, tại Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh - Đại học Thái Nguyên, điểm chuẩn ngành Quản trị kinh doanh theo phương thức xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024 là 18.5 điểm (thang điểm 30).
Theo đề án tuyển sinh năm 2024, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm ngành Quản trị kinh doanh đạt 95,4%.
Theo thông tin tuyển sinh đại học chính quy năm 2025, nhà trường dự kiến tuyển tổng 3.100 chỉ tiêu, trong đó, ngành Quản trị kinh doanh chiếm 350 chỉ tiêu. Nhà trường sử dụng xét tuyển theo 5 phương thức xét tuyển, các phương thức xét tuyển được quy đổi chung về thang điểm 30 gồm:
Phương thức 1: Xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Phương thức 2: Xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025.
Phương thức 3: Xét tuyển theo kết quả học tập cấp trung học phổ thông.
Phương thức 4: Xét tuyển sử dụng kết quả bài thi đánh giá đầu vào đại học trên máy tính (kỳ thi V-SAT).
Phương thức 5: Xét tuyển sử dụng kết quả bài thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội (bài thi HSA).
Đại học Kinh tế Quốc dân bắt đầu tuyển sinh ngành Quản trị kinh doanh từ năm 1997. Theo đề án tuyển sinh năm 2024, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm ngành này đạt 95,67%.
Năm 2025, nhà trường tuyển tổng 8.200 chỉ tiêu, trong đó ngành Quản trị kinh doanh hệ chuẩn chiếm 180 chỉ tiêu và áp dụng 3 phương thức xét tuyển gồm: Xét tuyển thẳng; Xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông; Xét tuyển kết hợp.
Đối với phương thức xét tuyển kết hợp, nhà trường áp dụng đối với 3 đối tượng sau:
Đối tượng 1: Thí sinh có chứng chỉ quốc tế SAT từ 1200 điểm trở lên hoặc ACT từ 26 điểm trở lên được các tổ chức quốc tế cấp từ ngày 01/6/2023 đến thời điểm kết thúc nộp hồ sơ xét tuyển kết hợp vào đại học chính quy năm 2025.
Đối tượng 2: Thí sinh có điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội (HSA) từ 85 điểm trở lên hoặc đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (APT) từ 700 điểm trở lên hoặc có điểm thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội (TSA) từ 60 điểm trở lên hoặc thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế IELTS từ 5.5 hoặc TOEFL iBT từ 46 hoặcTOEIC (4 kỹ năng: L&R 785, S 160 &W 150) trở lên kết hợp với một trong các điểm thi HSA/APT/TSA nêu trên.
Đối tượng 3: Thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế IELTS từ 5.5 hoặc TOEFL iBT từ 46 hoặc TOEIC (4 kỹ năng: L&R 785, S 160 &W 150) trở lên kết hợp với điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 của môn Toán và 01 môn khác môn tiếng Anh thuộc các tổ hợp xét tuyển.
Điểm chuẩn ngành này theo phương thức xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024 là 27.15 điểm (thang điểm 30).
Tại Trường Đại học Thương mại có 2 chuyên ngành thuộc ngành Quản trị kinh doanh là Quản trị kinh doanh; Khởi nghiệp và phát triển kinh doanh.
Điểm chuẩn 2 chuyên ngành này theo phương thức xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024 lần lượt là 26.1 và 25.55 (thang điểm 30). Theo đề án tuyển sinh năm 2024, nhà trường có tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm ngành Quản trị kinh doanh đạt 98,28%.

Điểm chuẩn ngành Quản trị kinh doanh hệ đại trà của Trường Đại học Thương mại năm học 2024-2025 theo phương thức xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Ảnh: Website nhà trường.
Về phương thức tuyển sinh, năm 2025, nhà trường xét tuyển theo các phương thức: Xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển; Xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông; Xét tuyển theo kết quả thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy do Đại học Quốc gia Hà Nội hoặc Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức; Xét tuyển kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ/chứng chỉ khảo thí quốc tế; Xét tuyển kết hợp giải học sinh giỏi cấp tỉnh/thành phố.
Tại Trường Đại học Mở Hà Nội, năm 2025, ngành Quản trị kinh doanh có tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm đạt 91,25%. Ở năm 2024, ngành này có tỷ lệ là 91,08%.
Điểm chuẩn ngành Quản trị kinh doanh theo phương thức xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024 là 23.52 điểm (thang điểm 30).
Về phương thức tuyển sinh năm 2025, nhà trường có nhiều phương thức xét tuyển để thí sinh lựa chọn gồm: Xét kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông; Xét học bạ; Xét kết quả bài thi đánh giá năng lực (HSA) của Đại học Quốc gia Hà Nội hoặc đánh giá tư duy (TSA) của Đại học Bách khoa Hà Nội; Xét tuyển thẳng theo quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Theo đề án tuyển sinh năm 2024 của Đại học Phenikaa, ngành Quản trị kinh doanh đạt 85,71% tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm. Điểm chuẩn ngành này theo phương thức xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024 là 20 điểm (thang điểm 30).
Theo thông tin tuyển sinh đại học hệ chính quy năm 2025, nhà trường xét tuyển theo 4 phương thức gồm: Xét tuyển thẳng theo Đề án tuyển sinh của Đại học Phenikaa; Xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025; Xét tuyển dựa vào học bạ bậc trung học phổ thông; Xét tuyển dựa vào kết quả bài thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội hoặc kết quả kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội hoặc kỳ thi đánh giá đầu vào đại học V-SAT.
Ở khu vực miền Trung, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng là một trong những trường đào tạo ngành Quản trị kinh doanh.
Theo đề án tuyển sinh năm 2024, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm ngành Quản trị kinh doanh của nhà trường đạt 91,7%. Điểm chuẩn ngành này theo phương thức xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024 là 25 điểm (thang điểm 30).
Năm 2025, theo thông tin tuyển sinh đại học chính quy, nhà trường dự kiến tuyển 260 chỉ tiêu ngành Quản trị kinh doanh hệ tiêu chuẩn trên tổng 3.635 chỉ tiêu. Hai phương thức xét tuyển gồm Xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; Xét tuyển kết hợp.
Phương thức xét tuyển thẳng, áp dụng đối với thí sinh đoạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế bậc trung học phổ thông và những thí sinh đủ điều kiện khác được xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (Đối tượng 1).
Với phương thức xét tuyển kết hợp, các đối tượng xét tuyển gồm:
Đối tượng 2: Thí sinh đã tham gia cuộc thi “Đường lên đỉnh Olympia” của Đài truyền hình Việt Nam.
Đối tượng 3: Thí sinh đoạt giải Khuyến khích kỳ thi học sinh giỏi cấp Quốc gia; giải Nhất, Nhì, Ba kỳ thi học sinh giỏi trung học phổ thông cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (chương trình dành cho học sinh lớp 12).
Đối tượng 4: Thí sinh có kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh năm 2025.
Đối tượng 5A: Thí sinh có năng lực tiếng Anh đáp ứng theo quy định và có điểm xét tuyển dựa trên kết quả học tập trung học phổ thông (học bạ) của 3 môn trong tổ hợp xét tuyển.
Đối tượng 5B: Thí sinh tốt nghiệp trung học phổ thông và có điểm xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 của 3 môn trong tổ hợp xét tuyển.

Các loại hình đào tạo của Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng. Ảnh: Website nhà trường.
Tại Đại học Duy Tân, theo thông báo tuyển sinh đại học chính quy năm 2025, nhà trường tuyển sinh ngành Quản trị kinh doanh theo 5 phương thức gồm: Xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; Xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông; Xét kết quả học tập trung học phổ thông năm lớp 12 (học bạ); Xét kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức; Xét kết quả kỳ thi V-SAT.
Theo đề án tuyển sinh năm 2024, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm ngành Quản trị kinh doanh của nhà trường đạt 86,96%. Điểm chuẩn ngành này theo phương thức xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024 là 16 điểm (thang điểm 30).
Ở khu vực miền Nam, năm 2025, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh giữ nguyên các phương thức tuyển sinh ngành Quản trị kinh doanh so với năm học trước.
5 phương thức tuyển sinh gồm: Xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; Xét tuyển thí sinh tốt nghiệp chương trình trung học phổ thông nước ngoài và có chứng chỉ quốc tế; Xét tuyển thí sinh có kết quả học tập tốt; Xét tuyển thí sinh có kết quả thi đánh giá năng lực kết hợp với năng lực tiếng Anh; Xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025.
Điểm chuẩn ngành này theo phương thức xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024 là 25.80 điểm (thang điểm 30).
Theo đề án tuyển sinh năm 2024, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm ngành Quản trị kinh doanh của nhà trường đạt 96,03%.
Còn ở Trường Đại học Tài chính - Marketing, ngành Quản trị kinh doanh có tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm đạt 88,17%.
Điểm chuẩn ngành này theo phương thức xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024 là 24.2 điểm (thang điểm 30).
Theo thông tin tuyển sinh trình độ đại học chính quy năm 2025, nhà trường tuyển sinh theo 5 phương thức gồm: Xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; Xét tuyển dựa trên kết quả học tập cấp trung học phổ thông (học bạ); Xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh; Xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi đánh giá đầu vào đại học trên máy tính V-SAT; Xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
Năm 2025, Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh tuyển sinh theo 4 phương thức gồm: Xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; Xét tuyển sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức; Xét tuyển sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông; Xét tuyển sử dụng kết quả học tập trung học phổ thông năm lớp 12 kết hợp thành tích nổi bật (nếu có).
Theo đề án tuyển sinh năm 2024, ngành Quản trị kinh doanh của nhà trường có tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm đạt 91%. Điểm chuẩn ngành này theo phương thức xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông là 24.25 điểm (thang điểm 30).

Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm ngành Quản trị kinh doanh tại một số cơ sở giáo dục đại học ở 3 miền Bắc - Trung - Nam theo đề án tuyển sinh năm 2024. Ảnh: An Vy.