Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ lên mức cao nhất trong 2 năm qua
KTSG Online) – Số lượng việc làm phi nông nghiệp mà nền kinh tế Mỹ tạo ra trong tháng 2 cao hơn dự báo. Nhưng số người báo cáo thất nghiệp trong tháng trước thậm chí còn lớn hơn, đẩy tỷ lệ thất nghiệp ở nền kinh tế lớn nhất thế giới lên mức cao nhất trong 2 năm.
Củng cố triển vọng giảm lãi suất vào tháng 6
Theo báo cáo của Bộ Lao động Mỹ, công bố hôm 8-3, nền kinh tế tạo ra 275.000 việc làm phi công nghiệp trong tháng 2. Con số này cao hơn mức dự báo 200.000 việc làm của các nhà kinh tế trả lời cuộc khảo sát của Reuters. Việc làm tăng thêm ở các lĩnh vực như chăm sóc sức khỏe, nhà hàng, xây dựng, vận tải và nhà kho.
Dù vậy, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ tăng lên 3,9% từ 3,7% trong tháng 1, đánh dấu mức cao nhất kể từ tháng 1-2022. Điều này là do có thêm 334.000 người báo cáo mất việc trong tháng 2, đưa tổng số thất nghiệp lên 6,5 triệu người.
Ngoài ra, Bộ Lao động Mỹ cũng cập nhật lại số liệu việc làm trong tháng 12-2023 và tháng 1-2024, khiến tổng số việc làm tạo ra trong hai tháng này giảm tổng cộng 167.000 so với dữ liệu công bố trước đó.
Một dấu hiệu khác cho thấy thị trường việc làm của Mỹ đang hạ nhiệt là mức tăng trưởng tiền lương theo giờ trong tháng 2 so với tháng 1 chỉ 0,1%. Tỷ lệ này chậm lại đáng kể so với mức tăng 0,5% trong tháng 1 so với tháng 12.
Báo cáo việc làm của Bộ Lao động Mỹ được nhà đầu tư theo dõi chặt chẽ để xác định triển vọng giảm lãi suất của Fed. Các thị trường tài chính hiện dự đoán, xác suất Fed thực hiện đợt giảm lãi suất đầu tiên vào tháng 6 tới là 80%, tăng từ 75% trước khi báo cáo việc làm được công bố.
“Có vẻ như thị trường lao động đang quay trở lại xu hướng tăng trưởng vừa phải quen thuộc của năm ngoái. Fed cũng nên hài lòng với báo cáo này, vì không chỉ việc làm ổn định mà tốc độ tăng trưởng tiền lương cũng đang chậm lại”, Nick Bunker, giám đốc nghiên cứu kinh tế khu vực Bắc Mỹ của Indeed Hiring Lab bình luận
Tại cuộc điều trần trước Ủy ban Dịch vụ tài chính của Hạ viện Mỹ hôm 6-3, Chủ tịch Fed, Jerome Powell cho biết, Fed có khả năng hạ lãi suất vào một thời điểm nào đó trong năm nay. Nhưng ông cũng nhấn mạnh, các nhà hoạch định chính sách của Fed cần có niềm tin lớn hơn vào đà giảm tốc của lạm phát trước khi hành động.
Các dấu hiệu đáng lo ngại bắt đầu xuất hiện
Cách đây 3 năm, nền kinh tế Mỹ trải qua sự biến động chưa có tiền lệ khi hàng triệu người lao động rời bỏ các vị trí lương thấp để tìm kiếm những công việc hứa hẹn hơn. Cùng lúc đó, nhiều nhân viên văn phòng chuyển sang làm việc từ xa.
Nhưng hiện nay, tình hình có vẻ như đang đảo ngược. Cụ thể, ít người lao động nghỉ việc hơn và tốc độ tuyển dụng chậm lại đáng kể. Một số nhà kinh tế bắt đầu gọi tên hiện tượng bám trụ công việc này là “great stay”.
Theo Mark Zandi, nhà kinh tế trưởng của Moody’s Analytics, thị trường lao động Mỹ đang đối mặt với một loạt các tín hiệu bất thường nên khó dự đoán liệu nền kinh tế có thể duy trì sức mạnh trong trung hạn hay không.
Bên cạnh xu hướng nghỉ việc giảm xuống, Zandi lưu ý, số giờ làm việc của người lao động Mỹ bị cắt giảm về các mức báo hiệu kinh tế đang đối mặt suy thoái. Theo báo cáo của Bộ Lao động Mỹ, số giờ làm việc trong lĩnh vực sản xuất giảm 3,3% trong quí 4-2023. Đó là mức giảm lớn nhất kể từ mức giảm lịch sử trong quí 2-2020.
Số lượng công việc tạm thời bị cắt giảm cũng đang đang lên. Theo Zandi, điều đó thường báo hiệu, doanh nghiệp chuẩn bị cắt giảm các vị trí làm việc toàn thời gian.
“Thị trường việc làm có vẻ đang mong manh”, ông nhận xét.
Các dấu hiệu đang lo ngại bắt đầu xuất hiện. Nhà cung cấp dịch vụ chuyển đổi nghề nghiệp Gray & Christmas cho biết, các thông báo sa thải trong tháng 2 ở Mỹ đang ở mức cao nhất so với bất kỳ tháng 2 nào kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009.
“Kể từ đầu năm 2024, chúng tôi chứng kiến một làn sóng sa thải dai dẳng. Các doanh nghiệp đang tích cực cắt giảm chi phí và đón nhận những đổi mới công nghệ. Hành động này đang định hình lại đáng kể nhu cầu nhân sự”, Andrew Challenger, chuyên gia về lao động của Gray & Christmas nói.
Trong kho đó Zandi lưu ý, tỷ suất lợi nhuận của các doanh nghiệp Mỹ bắt đầu giảm trong bối cảnh chi phí lãi suất cao hơn. Theo ông, điều này có thể gây thêm áp lực lên quỹ lương của họ.
Theo NBC, Reuters