Tỷ lệ tử vong do ung thư ở Anh tăng 17% kể từ đại dịch Covid-19
Theo một bài báo đăng trên tạp chí Lancet Oncology, tỷ lệ tử vong do ung thư ở Anh đã tăng 17% kể từ đại dịch Covid-19.
Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS) đưa ra cảnh báo nước Anh đang ở trong cuộc khủng hoảng chăm sóc sức khỏe lớn khi tình trạng chậm trễ điều trị ung thư kéo dài hàng tháng ngày càng trở nên phổ biến, dẫn đến tỷ lệ tử vong cao hơn.
Trước đó, ngày 14/12, một số phương tiện truyền thông của Anh đã trích dẫn số liệu gần đây của NHS cho thấy, gần 40% bệnh nhân ung thư, được bác sĩ gia đình giới thiệu khẩn cấp tới các cơ sở điều trị chuyên khoa vào tháng 10, phải đợi thêm hai tháng trước khi được điều trị. Đây được cho là hiệu suất tồi tệ thứ hai được ghi nhận và thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu 15%.
Tờ The Guardian dẫn lời các bác sĩ thông tin, việc trì hoãn chỉ 4 tuần trong điều trị ung thư "làm tăng tỷ lệ tử vong từ 6% đến 13% đối với khối u rắn, và tỷ lệ này còn tăng thêm nếu bị trì hoãn lâu hơn".
Trong khi đó, theo một bài báo đăng trên tạp chí Lancet Oncology, tỷ lệ tử vong do ung thư ở Anh đã tăng 17% do sự chậm trễ trong chẩn đoán và điều trị kể từ đại dịch Covid-19. Điều này được cho là đã góp phần đáng kể vào việc phá vỡ các phương pháp điều trị ung thư ở nước này.
Các bác sĩ lâm sàng từ Đại học Hoàng gia Luân Đôn, Viện Chính sách Ung thư tại Đại học King, Xạ trị Vương quốc Anh và Check4Cancer đã kêu gọi hành động ngay lập tức để giải quyết cuộc khủng hoảng y tế.
Bác sĩ chuyên khoa ung thư và người sáng lập chiến dịch đuổi kịp ung thư, Giáo sư Pat Price, đã mô tả tình hình hiện tại là "thời điểm bước ngoặt đối với các dịch vụ ung thư của Vương quốc Anh - cuộc khủng hoảng ung thư lớn nhất từ trước đến nay".
Ông cũng cảnh báo rằng, nước Anh "không thể chấp nhận việc bình thường hóa thời gian chờ đợi điều trị ung thư ở mức kỷ lục".
Một báo cáo vào năm 2021 đã trích dẫn tình trạng thiếu nhân viên và thiếu các thiết bị chẩn đoán, đặc biệt là trong lĩnh vực X quang và bệnh lý học (nghiên cứu và chẩn đoán).
Để xoay chuyển tình thế, các bác sĩ đã kêu gọi NHS tìm cách giữ chân nhân viên y tế và "cung cấp cho họ các thiết bị và sự hỗ trợ cần thiết để thực hiện công việc của mình", trong đó đặc biệt nhấn mạnh đầu tư vào xạ trị, lĩnh vực được cho là có nguy cơ sụp đổ ở Anh.
Trong khi đó, một phát ngôn viên của NHS nói với giới truyền thông rằng chính quyền đã "đầu tư hàng tỷ USD để mở rộng các dịch vụ chẩn đoán và điều trị nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng".