Tỷ lệ văn phòng trống ở Trung Quốc cao hơn ở Mỹ
Thị trường văn phòng của Mỹ đang gặp bất ổn lớn do tác động của xu hướng làm việc từ xa. Nhưng ở một số khía cạnh, tình trạng dư thừa nguồn cung văn phòng ở Trung Quốc thậm chí còn tồi tệ hơn ở Mỹ.
Trong bối cảnh nền kinh tế tăng trưởng trì trệ, một lượng lớn văn phòng đang bị bỏ trống ở các thành phố lớn của Trung Quốc như Thâm Quyến và Vũ Hán, trong khi giá thuê đang giảm.
Theo Công ty dịch vụ bất động sản CBRE, gần 24% diện tích tòa tháp văn phòng tại 18 thành phố lớn của Trung Quốc không có khách thuê tính đến tháng 6. Tỷ lệ đó còn tồi tệ hơn cả Mỹ, nơi tỷ lệ văn phòng trống đạt mức cao nhất trong 30 năm, 18,2% hồi tháng 6.
Tuy nhiên, không giống như Mỹ, thị trường văn phòng Trung Quốc không chịu tác động đáng kể do mô hình làm việc hybrid (làm ở văn phòng kết hợp với từ xa), nguyên nhân chính khiến các công ty phương Tây cắt giảm không gian văn phòng.
Trung Quốc đang đối mặt với một vấn đề cơ bản hơn: các nhà phát triển đã xây dựng quá nhiều văn phòng và hiện nền kinh tế quá yếu để có thể hấp thụ nguồn cung đó.
Nền kinh tế Trung Quốc hầu như không tăng trưởng trong quí gần đây nhất và tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên đạt mức cao kỷ lục trong tháng 7. Các biện pháp quản lý chặt chẽ đối với khu vực tư nhân, bao gồm các công ty internet tiêu dùng như Tập đoàn Alibaba và Tencent Holdings, cũng như mức đầu tư suy yếu của doanh nghiệp đã làm giảm nhu cầu thuê văn phòng mới.
Trung Quốc sẽ chứng kiến hàng loạt tòa tháp văn phòng mới khai trương trong những tháng cuối trong năm nay, có thể làm tăng thêm sự u ám của thị trường.
Henry Chin, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu khu vực châu Á Thái Bình Dương của CBRE , nhận định thị trường văn phòng Trung Quôc vẫn chưa nhìn thấy điểm đáy.
Những khó khăn của thị trường văn phòng làm liên tưởng đến cuộc khủng trong ngành bất động sản nhà ở của Trung Quốc, vốn đang chìm trong cơn suy thoái kéo dài nhiều năm sau khi các nhà phát triển xây dựng quá nhiều căn hộ và chính phủ thắt chặt tín dụng. Nhiều nhà phát triển bất động sản của Trung Quốc đã vỡ nợ trái phiếu quốc tế.
Nhìn chung, giới phân tích ít lo lắng hơn về hậu quả từ thị trường văn phòng Trung Quốc, vốn có quy mô nhỏ hơn ngành bất động sản nhà ở.
Hầu hết tài sản văn phòng ở Trung Quốc đều thuộc sở hữu của các nhà đầu tư trong nước ,nhưng một số công ty nước ngoài lớn cũng tham gia vào thị trường bất động sản thương mại của Trung Quốc, bao gồm BlackRock và Tishman Speyer của Mỹ.
Các nhà phân tích cho biết, nhiều chủ sở hữu trong nước có đủ nguồn tài chính để bù đắp một số khoản lỗ đối với tài sản văn phòng. Tuy nhiên, số lượng văn phòng bỏ trống ở mức cao là dấu hiệu của một nền kinh tế đang gặp khó khăn và một số nhà đầu tư có thể đang chịu áp lực lớn.
Soho China, một trong những nhà phát triển bất động sản thương mại lớn nhất Trung Quốc, báo cáo lợi nhuận ròng giảm 93% xuống còn khoảng 1,9 triệu đô la trong nửa đầu năm nay.
Công ty này cảnh báo giá thuê văn phòng và tỷ lệ lấp đầy sẽ “chịu áp lực liên tục” khi có nhiều dự án tung ra thị trường trong ba năm tới.
Nhiều doanh nghiệp nhỏ, chịu tổn thương lớn trong thời kỳ đại dịch Covid-19, đã phải trả lại mặt bằng văn phòng.
Zach Xu, Tổng giám đốc của Peak Solution, một công ty Đức cung cấp phần mềm kiểm tra ô tô tại Trung Quốc, cho biết công ty ông đã thu hẹp quy mô văn phòng ở Thượng Hải trong thời kỳ đại dịch và chuyển đến một tòa nhà mới với giá thuê rẻ hơn 30% để tiết kiệm chi phí.
Ông ước tính, khoảng một nửa diện tích của tầng lầu tại tòa nhà văn phòng mà Peak Solution thuê trước đây vẫn trống khi công ty chuyển đi vào cuối năm 2021. Ông cho biết, tỷ lệ trống có thể đã tăng lên kể từ đó.
Peak Solution đang cố gắng tìm kiếm khách hàng mới nhưng không dễ dàng trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện tại của Trung Quốc. “Mục tiêu của chúng tôi là tồn tại trong năm nay”, ông nói.
Tại Vũ Hán, 63.000 mét vuông văn phòng hạng A mới được đưa vào sử dụng, khiến tỷ lệ trống tại Optics Valley, một trung tâm công nghệ nổi tiếng, lên mức cao lịch sử, hơn 30% trong tháng 6, theo dữ liệu từ hãng dịch vụ bất động sản Savills.
Dữ liệu của Savills cũng cho thấy, tại Thâm Quyến, một trung tâm công nghệ khác ở miền nam Trung Quốc, nơi đặt trụ sở của Tencent và Huawei Technologies, hơn 25% diện tích văn phòng còn trống tính đến tháng 6. Tỷ lệ trống này gần mức cao nhất trước đó vào năm 2020 trong đợt bùng phát ban đầu của Covid-19.
Tencent, công ty đang thuê 15 tầng trong một tòa nhà văn phòng ở Thâm Quyến từ năm 2011, đã chấm dứt hợp đồng thuê trước thời hạn 3 năm. Netac Technology, bên cho thuê tòa nhà này, cho biết, việc Tencent kết thúc sớm hợp đồng là do “áp lực ngày càng gia tăng đối với nền kinh tế” và tốc độ tăng trưởng tiêu dùng chậm lại.
Hồi tháng 1, người phát ngôn của Tencent giải thích, quyết định chấm dứt hợp đồng thuê là một “sự điều chỉnh bình thường” đối với các không gian văn phòng của tập đoàn này.
Theo Savills, tình trạng cắt giảm diện tích văn phòng của các công ty công nghệ đã đẩy tỷ lệ văn phòng trống ở Bắc Kinh lên 18% trong quí 2, cao gần gấp ba lần so với mức của năm 2018.
Tính đến tháng 6, giá thuê văn phòng trung bình hàng tháng trên toàn quốc ở Trung Quốc giảm gần 7% so với năm 2019, theo dữ liệu của CBRE.
Theo WSJ
Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/ty-le-van-phong-trong-o-trung-quoc-cao-hon-o-my/