Tỷ phú Ấn Độ Narayana Murthy: Việt Nam là điểm đến công nghệ toàn cầu
Được mệnh danh là Bill Gates của Ấn Độ, tỷ phú Narayana Murthy - Nhà sáng lập Infosys cho biết, Việt Nam đang nổi lên như một điểm đến công nghệ toàn cầu. Infosys là doanh nghiệp thuộc top 3 công ty dịch vụ CNTT thế giới với giá trị vốn hóa trên 70 tỷ USD.
Việt Nam đầy tiềm năng về công nghệ
Mới đây, huyền thoại ngành CNTT Ấn Độ Narayana Murthy đã đến Việt Nam, khẳng định mạnh mẽ quan hệ hợp tác giữa doanh nghiệp CNTT Việt Nam và Ấn Độ, cũng như vị thế của Việt Nam trên bản đồ công nghệ thông tin thế giới.
Từ kinh nghiệm thực tiễn trong kinh doanh, quản trị, xây dựng văn hóa doanh nghiệp… giúp ông Narayana Murthy và cộng sự đưa Infosys trở thành huyền thoại của ngành CNTT Ấn Độ. Ông cũng đã cùng giới CNTT Việt Nam thảo luận về thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp, sự phát triển của các xu hướng công nghệ mới cũng như những cơ hội cho ngành CNTT Việt Nam.
Narayana Murthy được và Infosys đã có những đóng góp quan trọng đưa Ấn Độ thành cường quốc CNTT thế giới. Thời điểm hiện tại, Ấn Độ tiếp tục khẳng định vị thế khi đóng một vai trò quan trọng trong việc cung cấp nguồn lực cho nghiên cứu và phát triển kỹ thuật trên toàn cầu.
Theo một nghiên cứu mới đây của Hiệp hội Phần mềm Ấn Độ (NASSCOM) và Boston Consulting Group, Ấn Độ là quốc gia đi đầu trong thị trường nghiên cứu và phát triển kỹ thuật toàn cầu (Global Engineering Research &Development - ER&D). Đặc biệt, trong các lĩnh vực phần mềm, công nghệ ô tô, chip bán dẫn với 22% thị phần vào năm 2030.
Ông Narayana Murthy khẳng định, gần đây Việt Nam nổi lên như một điểm đến công nghệ toàn cầu, phản ánh cam kết và đầu tư của đất nước nhờ sự chăm chỉ, tính kỷ luật, sự sáng tạo và hoài bão. Nhờ những phẩm chất này, trong 20 năm tới, Việt Nam sẽ sớm trở thành một trong những quốc gia phát triển hàng đầu châu Á và là một trong những quốc gia tăng trưởng nhanh nhất thế giới. GDP của Việt Nam hiện đã đạt mức 4.300 USD bình quân đầu người và sẽ tiếp tục tăng nhanh hơn hầu hết các nền kinh tế trên thế giới.
Muốn đi xa đi cùng nhau
Vị này cho rằng, những doanh nghiệp như FPT sẽ giúp Việt Nam hiện thực hóa tiềm năng quốc gia. Sau 24 năm toàn cầu hóa, FPT đạt 1 tỷ USD doanh thu dịch vụ CNTT từ thị trường nước ngoài vào năm 2023, và Infosys cũng đạt được thành tựu như vậy với một khoảng thời gian tương tự. "FPT sẽ chạm đến cột mốc tiếp theo, 2 tỷ USD dịch vụ CNTT từ thị trường nước ngoài nhanh hơn rất nhiều, với vô vàn quyết tâm, sự can đảm và nỗ lực không ngừng. FPT đang và sẽ góp phần đáng kể vào tương lai tăng trưởng của Việt Nam - ông Narayana Murthy nhấn mạnh.
Trước những nhận định đó, Chủ tịch HĐQT FPT Trương Gia Bình cho hay, Ấn Độ, Infosys đã truyền cảm hứng cho FPT, cho Việt Nam. 24 năm trước, FPT đã đến Ấn Độ để học hỏi cách đưa Việt Nam trở thành cường quốc về phần mềm. Chính Narayana Murthy đã truyền cảm hứng cho chúng tôi với một sự tin tưởng tuyệt đối, Việt Nam là một quốc gia đặc biệt và Việt Nam có thể phát triển được phần mềm cho thế giới.
Năm 1998, sau khi trở thành doanh nghiệp tin học số 1 của Việt Nam, FPT đã quyết định bước ra khỏi vùng an toàn, quyết tâm ra biển lớn với hướng đi chiến lược là xuất khẩu phần mềm làm sáng danh trí tuệ Việt Nam trên bản đồ công nghệ số thế giới.
Khi ấy, cường quốc công nghiệp phần mềm Ấn Độ có doanh thu phần mềm và dịch vụ CNTT gấp 200 lần Việt Nam. Sau 20 năm, Việt Nam đã thu hẹp khoảng cách ấy hơn 10 lần. Hiệp hội đang hướng đến mục tiêu đưa ngành công nghiệp phần mềm và dịch vụ CNTT cán mốc 50 tỷ USD doanh thu trong năm 2030 và 150 tỷ USD vào năm 2045. FPT còn góp phần thắp sáng tên Việt Nam trên bản đồ trí tuệ thế giới khi tiên phong đi vào các xu hướng công nghệ mới nhất như AI, Big Data, Cloud, Blockchain, RPA…
Ba điều quan trọng giúp doanh nghiệp thành công: Bán hàng - Kiểm soát tài chính - Nhân lực. Từ chính kinh nghiệm thực tiễn của Infosys, Nhà sáng lập Infosys Narayana Murthy cho rằng, để thành công cùng với việc chọn những lĩnh vực có nhu cầu cao, thì để thành công doanh nghiệp cần đảm bảo các yếu tố đó.
"Nếu không bán được hàng, doanh nghiệp sẽ khó hoạt động. Không có doanh thu mà phải đảm bảo mọi chi phí đều được kiểm soát lúc đó đầy khó khăn. Hãy cố gắng chi ít hơn số tiền công ty có. Điều quan trọng khác là để đảm bảo hoạt động của tất cả các bộ phận trong công ty, chúng ta cần có đội ngũ nhân sự tốt" - vị này nói.
Cũng theo Nhà sáng lập Narayana Murthy, điều quan trọng nhất với công ty không phải là tạo ra lợi nhuận mà là tạo ra việc làm. Ông tin rằng, khi tạo ra nhiều việc làm thì doanh số, lợi nhuận sẽ tự đến, bởi đấy mới là gốc rễ của kinh doanh, còn doanh số và lợi nhuận chỉ là hệ quả.