Tỷ phú giàu nhất Nhật Bản: 'Uniqlo không phải hãng thời trang nhanh'
Đến Việt Nam khai trương cửa hàng Uniqlo đầu tiên, tỷ phú Tadashi Yanai dành cho Zing.vn cuộc trò chuyện 30 phút về triết lý kinh doanh, chọn người kế nhiệm và về Việt Nam.
Nhà sáng lập Uniqlo chia sẻ nhiều với Zing.vn những triết lý kinh doanh, kế hoạch chọn người kế nhiệm và đánh giá về Việt Nam.
Suốt buổi nói chuyện, ông Yanai luôn nghiêm nghị và chỉ một vài lần nở nụ cười. Ngồi gần đó, tổng giám đốc Uniqlo Việt Nam cẩn thận lắng nghe, ghi chép từng lời nói của vị chủ tịch.
Trang phục chỉ thừa ở quốc gia giàu có, không phải tại những nước như Việt Nam
- Thông điệp mới đây hồi tháng 11 của ông nói rằng công ty sẽ “làm, phân phối và bán chỉ những sản phẩm cần thiết”. Điều này có mâu thuẫn nguyên lý kinh doanh thông thường là bán những sản phẩm khách hàng muốn hay không?
- Tôi không muốn các bạn hiểu lầm và sẽ giải thích rõ hơn. Ngày nay, chúng ta cứ tưởng quần áo, trang phục được sản xuất rất nhiều, đầy đủ, thậm chí có thể nói là thừa trên thế giới. Nhưng câu chuyện không phải như vậy.
Nó chỉ đầy đủ, thậm chí thừa ở những quốc gia đã phát triển và giàu có. Còn những quốc gia đang phát triển trong đó có Việt Nam, vẫn có những người không đủ tiền, không đủ điều kiện mua sắm quần áo, trang phục cho mình.
Sản xuất quần áo, trang phục phải làm sao không tạo ra gánh nặng, áp lực lên môi trường. Tôi nói với nhân viên là chúng ta không làm ra, bán, vận chuyển những thứ quần áo tác động xấu đến môi trường.
Để làm tốt điều đó, có thể sau này người ta sẽ nói đến câu chuyện vận dụng trí tuệ nhân tạo (AI). Nhưng trước khi vận dụng AI, phải phát huy hết trí tuệ con người. Tôi thường nói với nhân viên của mình là trước khi các bạn đề cập việc sử dụng trí tuệ nhân tạo thì hãy phát huy hết trí tuệ của mình đã.
Trước khi học tiếng Anh, hãy học thật tốt tiếng Nhật. Tại sao tôi nói như vậy? Vì tôi là người Nhật, tôi không thể suy nghĩ, tư duy gì khác bằng ngôn ngữ khác được. Tiếng Nhật là ngôn ngữ mẹ đẻ của tôi. Phải làm tốt điều đó mới làm điều khác được.
- Cũng trong thông điệp đó, ông nói rằng người tiêu dùng đang nhận thức nhiều hơn về vấn đề của việc mua những loại quần áo chỉ mặc một vài lần. Trong mắt người tiêu dùng Việt, Uniqlo vẫn gắn liền với hình ảnh một thương hiệu thời trang nhanh dù công ty đang khẳng định điều ngược lại?
- Chúng tôi chắc chắn không phải là thời trang nhanh. Các bạn mặc thử sẽ biết quần áo, trang phục của chúng tôi rất bền. Về mặt chất lượng, yếu tố này là tiêu chuẩn.
Mục tiêu của tôi là sản phẩm Uniqlo sẽ trở thành tiêu chuẩn thế giới, một sản mặc bền qua nhiều năm. Các bạn mặc thử sẽ thấy và đó sẽ là câu trả lời rõ nhất cho việc chúng tôi không phải là thời trang nhanh.
- Triết lý của Uniqlo là đơn giản, chất lượng và tiện dụng hàng ngày. Tại sao trong thế giới thời trang khi tất cả quay cuồng với những xu hướng thời thượng nhanh đến rồi đi, ông luôn trung thành với triết lý đó?
- Cái cốt lõi nhất của tất cả điều đó là LifeWear. Tôi cũng nói về nghệ thuật và khoa học. Đó là những giá trị phổ quát chúng tôi muốn mang vào sản phẩm LifeWear của mình, mang giá trị đó đến người tiêu dùng ở Việt Nam, nơi chúng tôi có thể sản xuất được, tiêu thụ được, bán được, đảm bảo một chu trình khép kín.
Và còn một điều nữa. Không phải đơn giản là tốt nhất mà là đơn giản giúp tốt hơn. Đơn giản không phải là đơn điệu. Sự đơn giản rất khó. Làm cho nó đơn giản đi mà phải tốt hơn.
- Các doanh nghiệp Nhật Bản gắn liền với kỷ luật, nguyên tắc, hiệu quả trong công việc, sản phẩm của các công ty Nhật bền và tốt. Nhưng cũng vì điều này, doanh nghiệp Nhật đôi khi được cho là hơi cứng nhắc và chậm thích ứng với xu hướng mới. Điều này có đúng với Uniqlo không?
- Chúng tôi là một doanh nghiệp Nhật Bản nên chắc chắn doanh nghiệp chúng tôi sẽ mang trong mình gen di truyền văn hóa của một doanh nghiệp Nhật. Tôi nghĩ câu chuyện ở đây là làm thế nào phát huy điểm mạnh, khắc phục điểm yếu.
Phát huy điểm mạnh của mình thì công ty chúng tôi có thể thắng được trên thương trường trên thế giới. Tôi thường nói với nhân viên của mình là đừng để điểm mạnh của mình trở thành điểm yếu, nhược điểm, phải biết phát huy điểm mạnh đó.
"Rất khó có một người đóng nhiều vai trò như tôi"
- 2 năm trước, ông chia sẻ trên tờ Nikkei có thể sẽ nghỉ hưu ở tuổi 70 vào năm 2019. Lý do trì hoãn việc nghỉ hưu là ông muốn tự mình thực hiện tầm nhìn của công ty hay ông chưa tìm được người kế thừa xứng đáng?
Về con người kế thừa, tôi nghĩ tôi có đủ những con người có thể kế thừa được. Nhưng nếu có đủ hết tất cả sẽ là một câu chuyện rất khó vì làm sao để có một người đóng nhiều vai trò như tôi.
Tôi vừa là chủ tịch, vừa là giám đốc, vừa là CEO, vừa là người sáng lập và nói theo nghĩa khác tôi là người chủ công ty. Làm sao có thể có một người đầy đủ hết tất cả những yếu tố đó được? Cho nên chúng tôi cần phải có một đội.
Để có một đội, phải có người lãnh đạo của đội đó. Người lãnh đạo đó sẽ giỏi về kiến thức, có khả năng lãnh đạo và những yêu cầu khác còn phải xem xét.
- Trong tầm nhìn của ông, Uniqlo trong 5-10 năm nữa sẽ thế nào? Ông đang giữ những vị trí quan trọng nhất và cho rằng rất khó có một người như ông. Vậy khi ông chuyển giao quyền, Uniqlo sẽ thay đổi thế nào?
- Tôi sẽ gửi gắm lại điều đó cho những lớp đi sau tôi như là ông Ikezoe đang ngồi đây (Tổng giám đốc Uniqlo Việt Nam - PV) và những thành viên khác của Uniqlo giữ vai trò lãnh đạo ở các công ty, cửa hàng trên khắp thế giới.
Tôi mong muốn họ phát huy khả năng lãnh đạo để làm công ty vững mạnh, mang lại được hạnh phúc cho nhân viên, thông qua đó cống hiến cho xã hội. Chúng tôi muốn phát triển một doanh nghiệp đóng góp, cống hiến cho xã hội.
Sắp tới sẽ là thời đại của Đông Nam Á
- Việt Nam nằm ở đâu trong chiến lược của ông và công ty? Uniqlo gia nhập thị trường Singapore, Malaysia, Thái Lan, Philippines, Indonesia từ năm 2009 đến 2013 nhưng 6 năm sau, Việt Nam mới là nước thứ 6 ở Đông Nam Á có cửa hàng Uniqlo.
- Tôi cho rằng Việt Nam là đất nước có tiềm năng rất lớn cả về dân trí lẫn sự chăm chỉ, cần cù lao động, chịu thương chịu khó của người dân.
Về mặt lịch sử cũng vậy, quốc gia của các bạn đã trải qua rất nhiều gian khổ. Các bạn đã có thể thắng được những cuộc chiến tranh trước đây với nhiều nước lớn mà chúng tôi không làm được điều đó.
Cho nên với một quốc gia có bề dày lịch sử và những điều kiện như tôi vừa kể, tôi đặt rất nhiều hy vọng vào Việt Nam.
- Đông Nam Á đang là động lực tăng trưởng quan trọng của Uniqlo với mục tiêu lý tưởng có thêm 100 cửa hàng mỗi năm. Ông có thể chia sẻ những chiến lược cụ thể cho thị trường Việt Nam trong tương quan với các nước Đông Nam Á khác?
- Nói về chiến lược, tôi xin thú thật tôi là người ghét chiến lược lắm. Tôi không muốn nói về chiến lược vì chiến lược là những gì liên quan đến nhân tạo. Tôi muốn nói nhiều hơn về nhiệt huyết, về suy nghĩ của mình.
Như tôi nói trong bài phát biểu lúc nãy, thời đại sắp đến, những năm tháng sắp đến đây là thời đại của khu vực Đông Nam Á.
Và một ngày nào đó, có thể TP.HCM, Jakarata, Singapore, Manila, Bangkok sẽ trở thành những trung tâm thương mại, những trung tâm về văn hóa, nghệ thuật sánh ngang vai Paris, London, New York, Tokyo.
Thậm chí có những phần mà những đô thị tôi vừa kể đã bắt đầu thực hiện được rồi, đã bắt đầu làm được rồi. Tôi nghĩ là như vậy.