Tỷ phú hầu tòa vì nuốt lời mua bức tranh 14,5 triệu USD
Bức tranh trị giá 14,5 triệu USD của Jackson Pollock đã dẫn đến tranh chấp pháp lý giữa nhà đấu giá Phillips và một doanh nhân nổi tiếng trong giới nghệ thuật.

Phillips mô tả tác phẩm của Pollock (1948) là “bố cục thị giác gây choáng ngợp". Ảnh: The Pollock-Krasner Foundation/Artists Rights Society (ARS), New York.
Phillips Auctioneers, một trong những nhà đấu giá danh tiếng thế giới, mới đây đệ đơn kiện David Mimran, người thừa kế gia sản ngành đường và cũng là nhà sản xuất phim, sau khi người này không thanh toán số tiền 14,5 triệu USD như cam kết cho một tác phẩm của họa sĩ Mỹ Jackson Pollock.
Bức tranh không đề tên, được sáng tác khoảng năm 1948, là một trong những sáng tạo hiếm hoi của Pollock trên nền đen, thời kỳ danh họa vừa vượt qua chứng nghiện và bước vào giai đoạn sáng tạo mãnh liệt nhất trong đời.
Tác phẩm sử dụng chất liệu độc đáo gồm sơn dầu, sơn men, đá cuội và những mảnh giấy cắt dán, tạo nên một bố cục nhỏ gọn (79 x 58 cm) nhưng đầy năng lượng. Bức tranh từng được trưng bày trong triển lãm hồi cố năm 1998 tại Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại (MoMA), New York (Mỹ).
Phillips mô tả bức tranh như “một bản giao hưởng thị giác choáng ngợp”, thể hiện sức mạnh nội tâm bùng nổ và sự tỉnh thức mới mẻ của nghệ sĩ sau thời gian đắm chìm trong nghiện ngập.
Dù vậy, trong phiên đấu giá tháng 11/2024, không một người mua nào ra giá cao hơn mức sàn được bảo lãnh. Theo thông lệ ngày càng phổ biến trong thế giới đấu giá, Phillips đã ký thỏa thuận bảo lãnh bên thứ ba với Mimran. Theo đó, nếu tác phẩm không đạt giá kỳ vọng, tỷ phú sẽ là người mua cuối cùng. Đây là một “chiếc phao” đảm bảo giao dịch cho cả nhà đấu giá lẫn người bán.
Đổi lại, nếu có người trả giá cao hơn mức bảo lãnh, người bảo lãnh sẽ nhận một phần chênh lệch như một phần thưởng tài chính. Dù các điều khoản này thường được giữ kín, theo các chuyên gia, đó là chiến lược khôn ngoan được nhiều nhà sưu tập sử dụng để vừa đầu tư, vừa mượn nghệ thuật làm kênh sinh lời.
Theo hồ sơ được nộp tại Tòa án Tối cao bang New York, Mimran cam kết mua tác phẩm vào tháng 3/2025, nhưng đã không hoàn tất thanh toán đúng hạn. Thay vào đó, ông yêu cầu gia hạn đến cuối tháng 6. Trong thư điện tử gửi Phillips năm ngày trước hạn, luật sư của ông thông báo Mimran sẽ không thể thanh toán đúng hạn và đề nghị gia hạn thêm 60 ngày với lý do “một phần lớn tài sản của ông tại Tây Phi đang dần được giải ngân”.
Chia sẻ với Artnet, Mimran nói rằng mình từng có chút lưỡng lự khi được đề nghị bảo lãnh cho tác phẩm chỉ hai tuần trước buổi đấu giá.
“Tôi từng sở hữu một bức Pollock và yêu cầu điều khoản thanh toán 6 tháng như thường lệ vì biết mình có thể thiếu tiền mặt giai đoạn này. Tôi vẫn sẽ mua bức tranh, chỉ là trả muộn một chút. Trong thế giới nghệ thuật, chuyện này vẫn thường xảy ra”, ông cho biết.
Tuy nhiên, Phillips đang kiện đòi khoản gần 15 triệu USD, bao gồm giá trị bức tranh cùng lãi suất phát sinh. Mặc dù Mimran đã ký giấy xác nhận khoản nợ vào tháng 4, phía luật sư của ông đang cố gắng vô hiệu hóa tài liệu này bằng cách viện dẫn các thay đổi gần đây trong luật tiểu bang.
Luật sư Luke Nikas, người đại diện cho Phillips, phát biểu: “Nếu Mimran thực sự không có nổi một đồng để thanh toán, như ông ấy nói, thì ông ấy không nên giơ bảng trong phiên đấu giá”.
Ông cũng cho biết Mimran là một nhà sưu tập quen mặt với Phillips, từng thực hiện nhiều giao dịch lớn và là người có năng lực tài chính, được hậu thuẫn bởi cha mình, tỷ phú Jean-Claude Mimran. “Chúng tôi đã kiểm tra kỹ lưỡng, và khi nhìn vào bức tranh toàn cảnh, chúng tôi thấy có đủ lý do để tin tưởng”.
Dù vụ kiện có thể kéo dài nhiều tháng, nhưng danh tiếng của Mimran có lẽ đã phần nào sứt mẻ trong giới sưu tập. Luật sư chuyên ngành nghệ thuật Ralph Lerner nhận định: “Một nhà sưu tập phá vỡ cam kết bảo lãnh có thể bị các nhà đấu giá 'cấm cửa'. Giới nghệ thuật vẫn là thế giới của những cái bắt tay, của truyền miệng. Và lần này, ông ấy đã tự đào hố chôn mình”.
Nghệ thuật là cảm xúc, nhưng trong thế giới đấu giá triệu USD, nghệ thuật cũng là lời hứa, và đôi khi là món nợ không dễ trả.