Tỷ phú Ken Griffin ngừng tài trợ, Harvard mất nguồn quyên góp lớn
Sau loạt bê bối tố qua tố lại vụ đạo văn, tỷ phú Ken Griffin - một trong những nhà tài trợ lớn nhất của Harvard - tuyên bố ngừng quyên góp cho trường.
Nhiều năm qua, ông Griffin, một trong những người giàu nhất thế giới, đã tài trợ Harvard hơn 500 triệu USD. Sau loạt tranh cãi, vị tỷ phú quyết định tham gia vào danh sách những nhà tài trợ dừng quyên góp cho Harvard, Pennsylvania, Columbia cùng các trường hàng đầu khác. Có vẻ, danh sách này vẫn chưa “chốt sổ”.
Tại hội nghị diễn ra ở Miami hôm 30/1, Griffin bày tỏ sự thất vọng sâu sắc trước tình trạng của các trường đại học Mỹ, bao gồm cả lời khai tai hại trước Quốc hội của các hiệu trưởng Harvard, MIT và UPenn. Ông còn cho rằng Harvard đang tạo ra “những bông tuyết quá nhạy cảm”.
Dù không còn tài trợ, Griffin kỳ vọng Harvard thay đổi.
“Tôi sẽ không quan tâm chuyện tài trợ cho Harvard cho đến khi họ cam đoan sẽ tiếp tục vai trò giáo dục nam nữ thanh niên Mỹ trở thành nhà lãnh đạo, người giải quyết vấn đề, khó khăn”, vị tỷ phú chia sẻ với phóng viên CNBC.
Theo CNN, đến nay, Harvard chưa đưa ra phản hồi trước thông tin bị cắt tài trợ.
Phản ứng dữ dội của các nhà tài trợ tại nhóm trường Ivy League đặt ra câu hỏi về ảnh hưởng của những cá nhân giàu có đối với các tổ chức giáo dục.
Hồi tháng 4/2023, Griffin còn trao gói quà trị giá 300 triệu USD cho Khoa Khoa học và Nghệ thuật (FAS) của Harvard. Vào thời điểm đó, tỷ phú ca ngợi Harvard là “tổ chức tuyệt vời” và FAS đã “cam kết thúc đẩy những ý tưởng sẽ định hình tương lai nhân loại, đồng thời cung cấp cái nhìn sâu sắc, quan trọng về quá khứ của chúng ta”.
Harvard cho biết vào thời điểm đó, trong suốt 4 thập kỷ, Griffin đã quyên góp hơn 500 triệu USD, bao gồm khoản đóng góp 150 triệu USD cho hỗ trợ tài chính năm 2014, cũng là gói lớn nhất Harvard nhận được từ trước đến nay.
Thế nhưng hiện tại, Griffin lại tỏ ra quan ngại về định hướng của các trường ưu tú cũng như các chính sách đa dạng, công bằng và hòa nhập (DEI).
“Liệu các trường đại học ưu tú ở Mỹ có quay trở lại gốc rễ của việc giáo dục người trẻ Mỹ trở thành những nhà lãnh đạo tương lai của đất nước hay họ sẽ tiếp tục lạc lối trong vùng hoang dã của những hành vi vi phạm và chương trình nghị sự DEI không có hồi kết thực sự,” Griffin nói.
Thời gian gần đây, DEI trở thành điểm nóng tại các trường đại học và giới kinh doanh. Một số người cho rằng nó đã đi quá xa.
Theo lời Griffin, sinh viên các trường hàng đầu bị cuốn vào đó và trở thành những “bông tuyết mong manh, nhạy cảm”.
Không chỉ Griffin, một số nhà tài trợ lớn khác của Harvard đã ngừng quyên góp cho trường, bao gồm cựu tỷ phú Victoria's Secret Leslie Wexner, tỷ phú Len Blavatnik - người nắm quỹ gia đình từng quyên góp ít nhất 270 triệu USD cho Harvard.