Tỷ phú tiền mã hóa gặp khó ở Singapore
Dù quốc đảo này đang dang rộng vòng tay với lĩnh vực công nghệ, các công ty tiền mã hóa lại bị hắt hủi.
Chính sách nước đôi đối với lĩnh vực tiền mã hóa của nhà cầm quyền Singapore khiến Binance khốn khổ. Tỷ phú Changpeng Zhao, nhà sáng lập nền tảng này đang rất muốn thành lập công ty tại quốc đảo, nhưng không đáp ứng được các yêu cầu và tuyên bố đóng cửa văn phòng ở Singapore vào năm 2022.
Diễn biến này ảnh hưởng nặng nề tới tham vọng thành lập một trụ sở chính thức, qua đó giúp Binance dễ dàng hơn trong việc gọi vốn. Sau khi buộc phải rời khỏi Trung Quốc, công ty chủ quản của sàn tiền mã hóa lớn nhất thế giới không có một văn phòng đại diện nào, và chỉ đặt pháp nhân ở các quốc gia thiên đường thuế.
Singapore cởi mở với blockchain, nhưng làm khó sàn giao dịch
Trong giai đoạn Trung Quốc liên tục ban hành lệnh cấm giao dịch và đào tiền điện tử, Singapore lại khuyến khích công nghệ blockchain. Họ cũng công bố bộ khung pháp lý cho lĩnh vực tiền mã hóa. Tuy nhiên, Bloomberg nhận định gần đây các nhà làm luật tại Singapore dành sự chú ý về mức giá biến động thất thường của lĩnh vực tiền số. Chính phủ Singapore cũng không nhân nhượng cho các công ty tiền số, mặc dù họ có chính sách thông thoáng đối với lĩnh vực công nghệ cao.
“Tồn tại một lằn ranh rõ ràng giữa việc ủng hộ và bảo vệ nhà đầu tư tiền mã hóa”, Lena Ng, chuyên viên tại công ty luật Clifford Chance cho biết.
Theo Bloomberg, ông Ravi Menon, giám đốc Ngân hàng Trung ương Singapore (MAS) tin vào một tương lai nơi tính phi tập trung, các hợp đồng thông minh và cơ chế mã hóa được ứng dụng đại trà. Tuy nhiên ông Ravi cho rằng chúng có thể bị dùng sai mục đích dẫn đến những “hậu quả nghiêm trọng”, như dùng để rửa tiền hay tài trợ cho khủng bố.
“Các đồng tiền số có thể về 0 từ đó dẫn đến nhiều rủi ro và khủng hoảng, hoặc chúng có thể giúp xã hội về nền kinh tế trở nên tốt hơn. Chúng tôi đang xem xét mọi viễn cảnh và lựa chọn kết quả tốt nhất”, ông Ravi nhận định về làn sóng tiền mã hóa.
Tháng 1/2020, chính phủ Singapore ban hành bộ khung chính sách cho việc giao dịch và thanh toán tiền số và token. Quy định yêu cầu các sàn giao dịch tiền điện tử cần được cấp phép để tiếp tục hoạt động. Việc sớm ban hành luật cho lĩnh vực tiền mã hóa giúp Singapore thu hút nhiều công ty công nghệ đến đây.
Trong đó có các tay chơi lớn như Crypto.com, sàn giao dịch tiền mã hóa lớn thứ 4 thế giới đã nộp giấy phép xin đăng ký trụ sở tại đây. Đồng sáng lập của sàn lớn nhất Trung Quốc Huobi, ông Du Jun cũng đã nộp đơn đăng ký. Đại gia Binance đã chọn Singapore là nơi để tập trung nguồn lực của họ trong 2 năm qua.
Đã có hơn 170 tổ chức đăng ký xin mở trụ sở tại Singapore. Coinbase và Gemini, 2 tên tuổi lớn tại Mỹ cũng xuất hiện trong danh sách. Tuy nhiên hơn 100 đơn đã bị từ chối hoặc bên đăng ký xin rút lui. Theo Bloomberg, tình trạng trên do bên nộp đơn không đáp ứng được các quy định về dòng tiền và thanh toán quốc tế theo luật pháp của Singapore.
Tính đến hiện tại chỉ có 4 đơn đăng ký được chấp thuận. Sàn giao dịch Australia Independent Reserve, một công ty môi giới của ngân hàng DBS, startup blockchain địa phương Coinhako là những cái tên được công bố.
“Chúng tôi không cần đến 170 công ty. Chỉ cần một nửa thôi là đủ, quan trọng là đáp ứng được các tiêu chuẩn”, ông Ravi chia sẻ.
Bloomberg nhận định chính sách của Singapore có phần trung tính nếu nhìn vào cách tiếp cận tiêu cực của Trung Quốc hay lạc quan tin tưởng vào Bitcoin như El Salvador. Hong Kong, đối trọng của Singapore trong việc thu hút nguồn lực tại châu Á cũng có cách tiếp cận tương tự khi cho phép các sàn giao dịch tiền mã hóa đăng ký trụ sở.
Cơ hội cho Binance và các sàn tiền mã hóa
Tháng 9/2021, chính phủ Singapore đã nêu tên Binance.com vào danh sách các doanh nghiệp chưa được công nhận hay cấp phép hoạt động bởi Ngân hàng Trung ương Singapore. Ngay lập tức Binance dừng cung cấp dịch vụ cho các khách hàng có địa chỉ tại Singapore và trao quyền lại cho chi nhánh của họ tại Singapore.
Tháng 12/2021, Binance xin rút lui không đăng ký trụ sở tại quốc đảo này. “Điều này không gây ảnh hưởng gì đến danh tiếng trung tâm tiền mã hóa của Singapore”, Neal Cross, cựu giám đốc đổi mới của ngân hàng DBS bình luận. “Đặt ra khung pháp lý đem lại nhiều lợi ích. Tiền mã hóa còn non trẻ. Để chúng trở thành một loại tài sản trong danh mục đầu tư, tiền số phải được quản lý bởi luật pháp”, ông Neal chia sẻ thêm.
Phát ngôn viên của Binance cho biết họ đang làm việc với chính phủ Singapore để hỗ trợ và khuyến khích sự phát triển của blockchain tại đây. Đại diện của Binance cũng chia sẻ về hai mặt trái của nền tài chính phi tập trung (DeFi) dựa trên công nghệ blockchain.
“Một trong 2 bước lùi của DeFi hiện tại là các sàn giao dịch bị phá sản hoặc lừa đảo khiến nhà đầu tư mất trắng. Vẫn còn nhiều khó khăn trong việc theo dõi chính xác các giao dịch được thực hiện bằng tiền mã hóa, dẫn đến chúng có thể được sử dụng để rửa tiền”, vị phát ngôn viên nói với Bloomberg.
Tuy nhiên, một vài ý kiến cho rằng chiến lược tiếp cận tiền mã hóa của Singapore sẽ gây hại. “Khi Binance rời đi, nhiều sàn và công ty khác sẽ theo chân họ đến Dubai. Việc đưa Binance vào danh sách cấm có thể là dấu hiệu cho thấy Singapore không hoan nghênh các tổ chức tiền số”, Anndy Lian, Chủ tịch sàn giao dịch tiền số BigOne chia sẻ.
Binance đang dần dịch chuyển đến khu vực Trung Đông. Tháng 12/2021, công ty này cam kết sẽ phát triển hệ sinh thái số cho thành phố Dubai. Ngoài ra, Ngân hàng Trung ương Bahrain cũng cho phép Binance hoạt động dưới dạng công ty cung cấp dịch vụ về tiền mã hóa.
Trong khi đó tại Singapore, sàn Crypto.com đã ghi bảng quảng cáo của mình rằng “Sự giàu có chỉ đến với người dũng cảm”.
“Thật khó khăn để tìm được điểm cân bằng giữa việc giữ được tốc độ phát triển nhanh nhưng đi kèm với khung pháp lý đầy đủ”, Edward Chen, CEO sàn Huobi tại Singapore nhận xét.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ty-phu-tien-ma-hoa-gap-kho-o-singapore-post1289230.html