Tỷ trọng khách hàng xuất nhập khẩu lớn, Eximbank chuẩn bị kịch bản ứng phó nào trước biến động thuế quan?
'Eximbank là đơn vị có thế mạnh trong mảng tín dụng xuất nhập khẩu, nên ban lãnh đạo chúng tôi phải rất cẩn trọng và đánh giá chi tiết. Dự báo các yếu tố này sẽ ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng tín dụng và chất lượng tài sản ngân hàng', Chủ tịch Eximbank Nguyễn Cảnh Anh nhấn mạnh tại ĐHĐCĐ thường niên vừa diễn ra.

ĐHĐCĐ thường niên Eximbank sáng 29/4. Ảnh: T.D
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2025 của ngân hàng Eximbank diễn ra sáng 29/4, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Cảnh Anh đã có những chia sẻ, giải đáp thắc mắc của cổ đông liên quan đến những thách thức từ biến động kinh tế toàn cầu cũng như cuộc chiến tranh thương mại hiện nay và tác động đến hoạt động kinh doanh, chất lượng tài sản của ngân hàng.
Theo Chủ tịch Nguyễn Cảnh Anh, trong những tháng đầu năm 2025, tình hình kinh tế vĩ mô toàn cầu biến động rất khó lường. Nhiều dự báo được đưa ra vào cuối năm 2024, thậm chí ở thời điểm gần hơn nữa nhưng đều đã trở nên lạc hậu. Rất nhiều tổ chức dự báo và chuyên gia cũng "việt vị". Và môi trường kinh tế quốc tế nhiều biến động chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới tình hình kinh tế trong nước, đặc biệt là ngành tài chính - ngân hàng vốn rất nhạy cảm với các biến động vĩ mô.
Theo đánh giá của ban lãnh đạo Eximbank, các bất ổn trên thị trường quốc tế sẽ dẫn tới mặt bằng lãi suất toàn cầu có xu hướng tăng cao, dẫn đến rủi ro tỷ giá gia tăng và trở nên khó kiểm soát hơn. Trong nước, lạm phát nội địa và biến động giá cả hàng hóa cũng sẽ tạo áp lực lớn lên xuất khẩu, đầu tư và tiêu dùng nội địa.
“Eximbank là đơn vị có thế mạnh trong mảng tín dụng xuất nhập khẩu, nên ban lãnh đạo chúng tôi phải rất cẩn trọng và đánh giá chi tiết. Dự báo các yếu tố này sẽ ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng tín dụng và chất lượng tài sản”, Chủ tịch Eximbank nhấn mạnh. “Chất lượng tài sản có thể chịu áp lực, dẫn đến xu hướng tỷ lệ nợ xấu nội bảng tăng, nhất là trong bối cảnh Thông tư 02 của NHNN hết hiệu lực”.
Trong dài hạn, các biến động vĩ mô cũng sẽ khiến nhu cầu vốn dài hạn của các ngân hàng trong nước tăng lên, có thể dẫn đến cạnh tranh về lãi suất huy động trở nên gay gắt. Kỳ vọng lãi suất cao hơn từ phía khách hàng dự kiến cũng sẽ gây áp lực tăng chi phí vốn đối với ngân hàng. Ngoài ra, là thách thức từ cạnh tranh trong lĩnh vực fintech.
Trước những biến động như vậy, ban lãnh đạo Eximbank đã hệ thống một số nhóm giải pháp chính để ngân hàng ứng phó với thách thức, trong đó đáng chú ý là nhóm giải pháp về kiểm soát chất lượng tài sản và tái cơ cấu nguồn vốn.
Cụ thể, về chất lượng tài sản, ngân hàng hướng tới tăng trưởng tín dụng có chọn lọc, song song với kiểm soát rủi ro tín dụng chặt chẽ nhằm duy trì tỷ lệ nợ xấu (NPL) ở mức thấp. Năm nay, Eximbank đặt mục tiêu đưa tỷ lệ nợ xấu về dưới 2% (cụ thể là 1,99%).
Bên cạnh đó, về nguồn vốn, ngân hàng cũng sẽ tái cơ cấu lại nguồn vốn, đẩy mạnh tăng trưởng số dư CASA, qua đó kiểm soát chi phí huy động vốn hiệu quả nhất.
Ngoài ra, với Eximbank, ông Nguyễn Cảnh Anh nhận định việc đẩy mạnh thu nhập ngoài lãi, tập trung vào các lĩnh vực mà ngân hàng có thế mạnh, điển hình như tài trợ thương mại và thanh toán quốc tế sẽ là một trong ba định hướng kinh doanh trụ cột của ngân hàng để ứng phó với biến động thuế quan bên cạnh tăng trưởng tín dụng có chọn lọc và tăng trưởng nguồn vốn giá rẻ, đặc biệt là CASA.
Nói thêm về hoạt động tín dụng xuất nhập khẩu và tài trợ thương mại, Quyền Tổng giám đốc Eximbank Nguyễn Hoàng Hải nhấn mạnh từ cái tên ngân hàng xuất nhập khẩu Việt Nam đã thể hiện rõ sứ mệnh của ngân hàng.
“Tài trợ thương mại từ trước tới nay vẫn là mảng chính, là sản phẩm quan trọng của Eximbank và sau này vẫn vậy. Mặc dù số lượng khách hàng của chúng ta không tăng lên quá nhiều trong vòng 10 năm qua, nhưng lượng khách hàng bền vững ở lại với chúng ta từ 15 - 20 năm gần như là cao nhất thị trường”, ông Hải nhấn mạnh.
Một minh chứng khác cho hoạt động tài trợ thương mại tích cực tại Eximbank là việc ngân hàng đã được nhiều đối tác nước ngoài cấp hạn mức tài trợ lớn, từ 200-300 triệu USD cho tài trợ thương mại.
“Trong bối cảnh biến động và nhiều thách thức hiện nay, điều này cũng mở ra cho chúng ta thêm cơ hội để chúng ta không cạnh tranh bằng lãi suất mà cạnh tranh bằng dịch vụ”, Tổng giám đốc Eximbank cho hay.
Nhìn chung, lãnh đạo Eximbank cho rằng 2025 sẽ là một năm nhiều bất ổn và nguy cơ, nhưng trong nguy có cơ, và ngành ngân hàng vẫn có thể khai thác nhiều cơ hội tăng trưởng.
"Cơ hội sẽ đến với những tổ chức biết kiểm soát rủi ro tốt, tăng trưởng có chọn lọc, thực hiện quản trị hiệu quả và chuyển đổi số đúng bản chất. Sự kiên định chiến lược, khả năng thích ứng linh hoạt và sự đồng lòng trong hệ thống sẽ là yếu tố quyết định thành công”, Chủ tịch Eximbank Nguyễn Cảnh Anh nhấn mạnh.