Tỷ trọng thanh toán toàn cầu của đồng nhân dân tệ tiếp tục tăng

Trong bảng xếp hạng các loại tiền thanh toán toàn cầu dựa trên số liệu thống kê về số lượng, đồng nhân dân tệ chiếm 4,61%, tăng 0,14 điểm phần trăm so với tháng 5.

Đồng tiền giấy mệnh giá 100 Nhân dân tệ ở Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Đồng tiền giấy mệnh giá 100 Nhân dân tệ ở Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo báo cáo hàng tháng mới nhất do Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu (SWIFT) vừa công bố cho thấy tháng 6/2024, trong bảng xếp hạng các loại tiền thanh toán toàn cầu dựa trên số liệu thống kê về số lượng, đồng nhân dân tệ chiếm 4,61%, tăng 0,14 điểm phần trăm so với tháng 5, đánh dấu tháng thứ tám liên tiếp đồng nhân dân tệ đứng thứ tư trên thế giới về mặt tiền tệ thanh toán.

So với tháng 11/2022 (chiếm 2,37%), tỷ trọng thanh toán toàn cầu của đồng nhân dân tệ trong tháng 6 năm nay đã tăng gần gấp đôi.

Kể từ khi triển khai thanh toán bằng đồng nhân dân tệ trong thương mại xuyên biên giới vào năm 2009, quá trình quốc tế hóa đồng nhân dân tệ đã phát triển trong hơn 10 năm và có sức sống mãnh liệt.

Hiện nay, gần một nửa tổng giao dịch xuyên biên giới do các tổ chức tài chính, doanh nghiệp và cá nhân ở Trung Quốc thực hiện được thanh toán bằng đồng nhân dân tệ.

Tháng 5/2022, Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã tiếp tục nâng tỷ trọng của nhân dân tệ trong Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) từ 10,92% được xác định vào năm 2016 lên 12,28%, phản ánh sự ghi nhận cao của cộng đồng quốc tế đối với những thành tựu của cải cách đồng nhân dân tệ theo định hướng thị trường.

Đề cập đến nguyên nhân khiến quá trình quốc tế hóa đồng nhân dân tệ tăng tốc, ông Quản Đào, nhà kinh tế trưởng toàn cầu của BOC International(China)Ltd., cho rằng trước hết là do Trung Quốc có khối lượng thương mại và đầu tư khổng lồ; là nước xuất khẩu hàng hóa lớn nhất và là nước nhập khẩu hàng hóa lớn thứ hai thế giới; là nước sử dụng vốn nước ngoài và đầu tư ra nước ngoài lớn.

Chính sự kết nối chặt chẽ với nền kinh tế thế giới đã hỗ trợ rất nhiều cho việc lưu thông và sử dụng nhân dân tệ ở nước ngoài.

Thứ hai, Trung Quốc tuân thủ các chính sách kinh tế vĩ mô có trách nhiệm để đảm bảo uy tín của đồng nhân dân tệ.

Thứ ba, Trung Quốc đã đẩy nhanh việc mở cửa thị trường tài chính hai chiều và quá trình quốc tế hóa tài khoản vốn bằng đồng nhân dân tệ tiếp tục được cải thiện, điều này có lợi cho việc thu hút đầu tư nước ngoài nhằm tăng cường phân bổ tài sản tài chính bằng đồng nhân dân tệ.

 Nhân viên kiểm đồng USD và đồng nhân dân tệ tại một ngân hàng ở tỉnh An Huy, Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nhân viên kiểm đồng USD và đồng nhân dân tệ tại một ngân hàng ở tỉnh An Huy, Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Từ đầu năm đến nay, nhu cầu huy động vốn thương mại đồng nhân dân tệ đến từ thị trường nước ngoài tăng lên, trở thành động lực mới thúc đẩy vững chắc tiến trình quốc tế hóa đồng nhân dân tệ.

Theo số liệu thống kê cho thấy, tỷ lệ đồng nhân dân tệ trong thanh toán toàn cầu SWIFT đã phục hồi đáng kể trong tháng 6 năm nay, điều này cũng liên quan đến những biến động trong môi trường thanh toán toàn cầu trong tháng đó.

Trong tháng 6/2024, số tiền thanh toán toàn cầu bằng tất cả các loại tiền tệ đã giảm 3,23% so với tháng 5, nhưng số tiền thanh toán bằng đồng nhân dân tệ chỉ giảm 0,22% so với tháng trước, dẫn đến tỷ trọng thanh toán toàn cầu bằng nhân dân tệ tăng tương ứng.

Một số nhà phân tích cho rằng, do tác động của việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ duy trì lãi suất cao hơn, ngày càng nhiều công ty đa quốc gia và các công ty ở các nước thị trường mới nổi đang nỗ lực thử nghiệm sử dụng nhân dân tệ làm tiền tệ giao dịch thương mại. Trong khi đó, tỷ giá hối đoái của nhân dân tệ biến động tương đối ổn định và lãi suất tài chính thấp hơn đáng kể so với đồng USD.

Bà Triệu Tuyết Tình, nghiên cứu viên cấp cao tại Viện Nghiên cứu Ngân hàng Trung Quốc, cho biết trong giai đoạn tới, cần tiếp tục thúc đẩy ổn định và vững chắc quá trình quốc tế hóa đồng nhân dân tệ; cải thiện hơn nữa hệ thống chính sách cho việc sử dụng đồng nhân dân tệ xuyên biên giới; nâng cao hơn nữa mức độ mở và tiếp cận thị trường tài chính, đồng thời tăng tính thanh khoản của tài sản tài chính bằng đồng nhân dân tệ; cải thiện cơ chế cung cấp thanh khoản ra nước ngoài, tăng cường hợp tác tiền tệ, đóng vai trò tích cực của đồng nhân dân tệ trong thanh toán song phương bằng nội tệ và hoán đổi tiền tệ, nắm bắt các cơ hội chuyển đổi năng lượng và cải cách thanh toán.../.

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/ty-trong-thanh-toan-toan-cau-cua-dong-nhan-dan-te-tiep-tuc-tang-post967297.vnp