Tzu Chi đào tạo trực tuyến 5 chuyên đề Phật giáo

Khóa học trực tuyến miễn phí do Tzu Chi tổ chức không chỉ là cơ hội để tìm hiểu sâu sắc về Phật giáo, mà còn là cánh cửa mở ra những giá trị nhân văn mà đạo Phật mang lại cho xã hội đương đại.

Tổ chức từ thiện và nhân đạo toàn cầu Tzu Chi, có trụ sở tại Đài Loan, vừa thông báo ra mắt khóa học trực tuyến miễn phí mang tên “Phật giáo: Quá khứ, Hiện tại và Tương lai”.

Chương trình hướng đến việc cung cấp nền tảng kiến thức vững chắc về giáo lý và triết lý Phật giáo, cũng như ứng dụng trong đời sống văn hóa, xã hội và tâm linh trong đương đại.

Khóa học nhấn mạnh vai trò của Phật giáo đối với nhân quyền và công bằng xã hội.

Hình ảnh được cung cấp bởi Quỹ từ thiện Tzu Chi

Hình ảnh được cung cấp bởi Quỹ từ thiện Tzu Chi

Học tập linh hoạt với 5 chuyên đề sâu sắc

Đây là khóa học trực tuyến linh hoạt, gồm 5 chuyên đề chuyên sâu và hấp dẫn, được phối hợp tổ chức bởi Tzu Chi, Hội Vedanta Vivekananda tại Chicago và Đại học Tzu Chi.

Khóa học được triển khai trên nền tảng Home of Harmony: School of World Religions*, kéo dài đến ngày 31/12/2025, thời gian học dự kiến từ 2-5 giờ mỗi tuần. Hạn chót đăng ký tham gia là 31/03/2025.

Nội dung khóa học gồm 5 chuyên đề chính:

1. Nguồn gốc và các khái niệm cốt lõi của Phật giáo

2. Sự phát triển ban đầu của Phật giáo: Theravāda, Mahāyāna và Vajrayāna

3. Những bước tiến về sau và Phật giáo hiện đại

4. Phật giáo trong xã hội đương đại

5. Phật giáo - Nhân tố thay đổi thế giới

Mỗi chuyên đề sẽ khai thác nhiều nội dung quan trọng như:

+ Thời đại và cuộc đời của Đức Phật

+ Tam bảo: Phật - Pháp - Tăng

+ Tư tưởng Trung quán và Duy thức

+ Phong trào cải cách và hiện đại hóa Phật giáo

+ Phật giáo nhập thế

+ Hoạt động Tăng sự và Phật giáo cộng đồng

Khóa học có sự tham gia của các giáo sư, học giả đến từ các viện nghiên cứu tại Canada, Nhật Bản, Hà Lan, Đài Loan và Hoa Kỳ.

Lộ trình học tập và chứng nhận hoàn thành

Các chuyên đề sẽ được thực hiện cách nhau hai tháng. Học viên hoàn thành toàn bộ khóa học trước 31/12/2025 sẽ được cấp Chứng nhận hoàn thành từ Tzu Chi. Đặc biệt, ngay cả sau khi khóa học kết thúc, học viên vẫn có thể truy cập tài liệu để tiếp tục học tập và nghiên cứu.

Khóa học trực tuyến miễn phí không chỉ là cơ hội để tìm hiểu sâu sắc về Phật giáo, mà còn là cánh cửa mở ra những giá trị nhân văn mà đạo Phật mang lại cho xã hội đương đại. Với cách tiếp cận hiện đại và ứng dụng thực tiễn, chương trình hứa hẹn sẽ mang đến những trải nghiệm học tập ý nghĩa cho tất cả những ai quan tâm đến đạo Phật và triết lý nhập thế.

Tzu Chi - Dấu ấn của Phật giáo nhập thế

Tổ chức Từ thiện Phật giáo Tzu Chi, tên đầy đủ là Buddhist Compassion Relief Tzu Chi Foundation, Republic of China, được thành lập tại Đài Loan năm 1966 bởi Ni sư Chứng Nghiêm (Cheng Yen). Là một tổ chức phi chính phủ (NGO) được Liên Hợp Quốc công nhận, Tzu Chi hiện có khoảng 10 triệu thành viên và 432 văn phòng trên 51 quốc gia. Các hoạt động chính của tổ chức trải rộng trên nhiều lĩnh vực như cứu trợ nhân đạo, y tế, giáo dục và bảo vệ môi trường.

Ni sư Chứng Nghiêm là một biểu tượng tiêu biểu của Phật giáo nhập thế. Bà nhấn mạnh rằng từ bi không chỉ là sự cảm thương trước nỗi khổ của người khác, mà là hành động cụ thể để giúp họ vượt qua khổ đau.

Tại Đài Loan, Ni sư Chứng Nghiêm được tôn vinh là một trong “Tứ Đại Thiên Vương” của Phật giáo, cùng với:

+ Hòa thượng Thánh Nghiêm (Sheng Yen) - người sáng lập Pháp Cổ Sơn

+ Hòa thượng Tinh Vân (Hsing Yun) - người sáng lập Phật Quang Sơn

+ Hòa thượng Duy Giác (Wei Chueh) - người sáng lập Chung Thái Thiền Tự

Bốn tổ chức này, còn được gọi là “Tứ Đại Sơn”, đã phát triển thành những trung tâm Phật giáo có ảnh hưởng lớn nhất thế giới.

Chi tiết và đăng ký khóa học tại đây.

Tác giả: Craig C Lewis

Chuyển ngữ và biên tập: Thường Nguyên

Nguồn: buddhistdoor.net

* Home of Harmony: School of World Religions - Ngôi nhà của sự hòa hợp: Trường học về các tôn giáo thế giới. Một nền tảng độc đáo do Hội Vivekananda Vedanta Chicago trình bày để tìm hiểu các khái niệm và thực hành phổ quát của các tôn giáo thế giới từ các giảng viên có năng lực.

Nguồn Tạp chí Phật học: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/tzu-chi-dao-tao-truc-tuyen-5-chuyen-de-phat-giao.html