Ù tai, vì sao khó chữa?

Hiện nay nhiều bệnh nhân bị ù tai tỏ ra khá lo lắng bởi điều trị nhiều nơi nhưng vẫn không khỏi, có nơi bác sĩ nói bệnh này 'sống chung'. Vậy ù tai có thực sự khó chữa?

Ù tai (hay còn gọi tinnitus) là hiện tượng người bệnh nghe thấy những âm thanh không có nguồn phát bên ngoài như: rò rè, vo ve, rít… Ù tai thường được người bệnh mô tả bằng nhiều cách. Có thể dưới dạng tiếng vo ve bên tai, cảm giác như gió thổi bên tai, hay cảm giác nặng tai liên tục như có nước bên trong…

Dù dưới dạng mô tả như thế nào, vấn đề chính vẫn là hiện tượng bất thường tín hiệu thính giác không đồng bộ hai bên tai gây cảm giác khó chịu ở một bên.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Gần 15 năm, kể từ ngày sinh đứa con trai đầu lòng, chị N.T.V ( 49 tuổi, ngụ TP.HCM) phát hiện mình bị ù tai, dù đã điều trị nhiều nơi, khắp các bệnh viện nhưng vẫn không khỏi.

Chị đã đến nhiều bệnh viện ở TP.HCM, trong đó có cả những bệnh viện lớn như Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Tai mũi họng... điều trị, nhưng đều không khỏi. Tại 2 bệnh viện ấy, chị V. còn chụp CT-scan sọ não để phát hiện xem có những tổn thương gì không, nhưng đều không có gì bất thường.

"Các bác sĩ nói tôi thiếu máu não, cho uống thuốc bổ não, nhưng uống hoài vẫn cứ ù tai, nhất là khi mất ngủ hay nhức đầu thì ù tai càng nặng hơn. Những lúc ngủ ngon thì thấy ù tai nhẹ hơn tí. Lúc đầu chỉ ù tai bên trái, giờ ù cả 2 tai", chị V. nói.

Theo lời chị V., thời gian gần đây thấy tai ù nhiều nên chị đến Bệnh viện Tai mũi họng TP.HCM khám, bác sĩ kiểm tra tai vẫn không phát hiện gì bất thường, đo thính lực thì kết quả tốt. "Bác sĩ chỉ cho những loại thuốc bổ máu, bổ não uống thôi. Bác sĩ nói ù tai rất khó trị, và khuyên tôi phải kiểm tra, đo thính lực định kỳ, 6 tháng/lần nhằm điều trị kịp thời, tránh tai bị điếc", chị V. cho biết.

Theo BSCK2 Phạm Thị Ngọc Quyên (Khoa Thần kinh, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM), đối với ù tai, tùy căn nguyên, phương thức điều trị có thể dứt điểm, hoặc chủ yếu tập trung điều trị triệu chứng.

Do vậy, tuy cùng than phiền triệu chứng “ù tai” nhưng người bệnh này có thể điều trị dứt điểm nhưng người bệnh khác thì lại được tư vấn tình trạng mạn tính và hướng dẫn điều trị triệu chứng kết hợp thích nghi.

Phân tích của các chuyên gia y tế cho thấy ù tai có rất nhiều nguyên nhân gây nên, trong đó phổ biến do tiếp xúc với tiếng ồn lớn; lão hóa (presbycusis); tắc nghẽn ống tai; chấn thương đầu hoặc cổ; rối loạn tai trong (như bệnh ménìere); dùng thuốc độc với tai; tăng huyết áp và bệnh tim mạch; căng thẳng, lo âu, mất ngủ...

Ngoài ra, còn có các nguyên nhân khác như: u thần kinh thính giác (u dây thần kinh số 8); thiếu máu, rối loạn tuyến giáp; rối loạn khớp thái dương hàm.

Bác sĩ Quyên cho biết nguyên nhân gây ù tai có thể tạm chia thành 2 nhóm: nhóm liên quan tổn thương trực tiếp dây thần kinh thính giác (thần kinh số 8) và nhóm do các tổn thương gián tiếp (bao gồm các cấu trúc lân cận đường đi của dây thần kinh thính giác hoặc bệnh lý hệ thống).

Các nguyên nhân thường gặp bao gồm: viêm thần kinh tiền đình - ốc tai, mất thính lực (do tuổi tác hoặc do phơi nhiễm tiếng ồn lớn kéo dài), bệnh meniere, dị dạng mạch máu não lân cận đường đi thần kinh số 8, u dây thần kinh số 8, do thuốc… Tùy nhóm nguyên nhân, phương thức điều trị có thể triệt căn hoặc điều trị triệu chứng chủ yếu.

Phân tích của bác sĩ Quyên cho thấy những nguyên nhân không điều trị dứt điểm được triệu chứng ù tai đa phần liên quan những tổn thương cấu trúc thần kinh số 8 không hồi phục được, như: di chứng viêm thần kinh tiền đình, u thần kinh 8, điếc do tuổi cao, tổn thương thần kinh 8 do độc chất, chấn thương… Trong những trường hợp này, điều trị triệu chứng ù tai sẽ kết hợp các liệu pháp điều trị thích nghi nhằm cải thiện chất lượng sống của người bệnh.

“Những người ù tai lâu năm, không điều trị hết thường là do tuổi tác, di chứng của thần kinh tiền đình, và cũng có thể là u thần kinh tiền đình chưa xuất hiện, hay dị dạng mạch máu. Với những u thần kinh tiền định chưa phát hiện, nếu theo thời gian sẽ to dần, có thể gây chèn ép gây yếu liệt tay chân. Nếu dị dạng mạch máu mà không phát hiện được, thời gian sẽ gây sa sút trí tuệ. Trường hợp nhẹ nhất là do di chứng tiền đình, không có triệu chứng gì cả, chỉ có ù tai”, bác sĩ Quyên nói.

Theo bác sĩ Quyên việc điều trị triệu chứng ù tai quan trọng nhất vẫn là điều trị hướng đến căn nguyên, sau đó là các điều trị đi kèm như điều trị triệu chứng, điều trị thích nghi, phòng ngừa diễn tiến nặng thêm (như đeo tai nghe cách âm nếu phơi nhiễm tiếng ồn kéo dài, hạn chế các chất kích thích như rượu, thuốc lá…) và phòng ngừa tái phát (như chế độ ăn hạn chế muối trong bệnh méniere).

“Nếu có triệu chứng “ù tai” người bệnh nên thu xếp đến khám tại các bác sĩ chuyên khoa thần kinh, hoặc tai mũi họng để được xác định căn nguyên và có chiến lược điều trị sớm, hiệu quả”, bác sĩ Quyên khuyến cáo.

Hồ Quang

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/u-tai-vi-sao-kho-chua-234667.html