U23 Việt Nam học được gì từ thất bại ở giải U23 châu Á?
Thất bại của U23 Việt Nam ở giải châu Á mang lại nhiều bài học đáng quý không kém thành công năm 2018.
Sau hàng loạt thành công có được cùng bóng đá Việt Nam trong năm 2018 và 2019, HLV Park Hang Seo phải nếm trải dư vị thất bại "đắng ngắt". U23 Việt Nam sớm rời cuộc chơi ở giải U23 châu Á 2020 với 2 điểm sau 3 trận và vị trí cuối bảng.
Dẫu vậy, mọi thất bại đều có giá trị quý báu với tiến trình phát triển của bóng đá Việt Nam. Sau cùng, chúng ta học hỏi được gì?
Nỗi lo thế hệ kế cận
HLV Park Hang Seo không phải "vị thánh". Để thành công, HLV người Hàn Quốc cần cầu thủ giỏi, phù hợp với triết lý của ông.
Thành công của U23 Việt Nam năm 2018 in đậm dấu ấn của lứa U19 Việt Nam giai đoạn 2013 - 2014 với những Công Phượng, Xuân Trường, Đức Huy, Duy Mạnh,... và lứa dự U20 World Cup 2017 của Quang Hải, Đình Trọng, Văn Hậu,...
Sự xuất hiện của dàn cầu thủ đồng đều, tài năng ở mọi tuyến giúp ông Park xây dựng đội ngũ chinh phục lý tưởng. Phải thừa nhận, U23 Việt Nam năm 2018 mạnh toàn diện. Hơn một nửa đội hình được đôn lên ĐTQG và 1/3 trong số đó đóng vai trò không thể thay thế. Với đội ngũ dồi dào, mạnh mẽ, U23 Việt Nam đã kiến tạo kỳ tích Thường Châu, giúp bóng đá Việt Nam vươn cao trên bản đồ châu Á.
Tuy nhiên, khi gọi lứa cầu thủ này là "thế hệ vàng", người hâm mộ Việt Nam cần hiểu rằng không phải lứa nào cũng có thể tốt như thế. Lứa U23 Việt Nam hôm nay không tệ, về cả mặt chuyên môn lẫn kinh nghiệm, nhưng vì lứa cầu thủ trước xuất chúng nên có cảm giác thế hệ U23 Việt Nam hiện tại lép vế.
Nếu không kể những gương mặt được đưa xuống từ ĐTQG như Quang Hải, Đình Trọng, Đức Chinh, Tiến Linh các cầu thủ còn lại trong đội hình U23 Việt Nam rất khó chen chân được lên tuyển Việt Nam. Cả Thanh Thịnh, Tấn Tài, Hoàng Đức hay Đức Chiến đều là những cái tên giàu tiềm năng, song để đạt đến đẳng cấp và thay thế những cầu thủ đàn anh là chuyện tương đối xa vời.
Với bóng đá Việt Nam hiện tại, đào tạo ra một lứa cầu thủ giỏi đã là khó. Để các lứa cầu thủ có sự đồng đều ở mức cao về mặt chất lượng, cần có sự tham gia của nhiều trung tâm đào tạo. Hầu hết các gương mặt dự U23 châu Á năm nay đều xuất thân từ lò Hà Nội FC, Viettel, PVF, HAGL,... Từng ấy trung tâm đào tạo là không đủ.
Nên nhớ, mỗi CLB ở Hàn Quốc, Nhật Bản tham dự 3 giải đấu hàng đầu đều sở hữu một cơ ngơi đào tạo bài bản. Phải đầu tư ở mức độ ấy mới cho ra "trái ngọt", duy trì tính cạnh tranh qua nhiều năm. Với số ít lò đào tạo đang hoạt động và được tổ chức quy củ, "bắt" U23 Việt Nam phải gánh giấc mơ Olympic không phải điều đơn giản.
Cần chiến lược dài hơi
Người hâm mộ vẫn hy vọng, bất kể HLV Park Hang Seo tuyên bố bóng đá Việt Nam phải đầu tư cho lứa cầu thủ U10, U15,... mới có thể nghĩ tới World Cup và Olympic. Để dự sân chơi đẳng cấp thế giới, bóng đá nước nhà cần có chiến lược dài hơi. Không thể vừa vô địch SEA Games, U23 Việt Nam đã có thể "đánh chiếm" sân chơi châu Á ngay.
Thành công suốt 2 năm qua nâng tầm thầy trò HLV Park Hang Seo. Giờ đây, U23 Việt Nam không còn lạ lẫm với giải châu Á, được đối thủ coi trọng, đánh giá cao hơn. Tuy nhiên, nói vậy không có nghĩa U23 Việt Nam "đánh đâu thắng đấy". Người hâm mộ phải quen dần với cảm giác... thất bại, vốn rất ít khi xuất hiện trong năm 2018 và 2019.
Chân đế bóng đá Việt Nam chưa đủ vững mạnh để mơ mộng vào thành công liên tiếp như Nhật Bản, Hàn Quốc. Thậm chí, hai nền bóng đá này còn lúc thăng lúc trầm. Bóng đá Việt Nam phải có chiến lược đào tạo, nâng cấp giải VĐQG bài bản, dài hơi trong 10, 20 năm. Đến khi ấy, các đội tuyển sẽ còn có nguy cơ... thất bại tương đối nhiều.
Song, mỗi thất bại là một trải nghiệm quý giá. Để vươn tầm châu lục, nhiều nền bóng đá mạnh phải chịu đựng giai đoạn chuyển mình đau đớn kéo dài hàng chục năm.
Bóng đá Việt Nam tương đối may mắn khi suốt 2 năm qua luôn đón nhận thành công ở mọi giải đấu. Để rồi, ông Park cùng học trò trở thành nạn nhân của chính thành công quá khứ, khiến họ dự giải đấu nào cũng chịu áp lực lớn.
Tất nhiên, đó là kiểu áp lực chỉ dành cho những đội mạnh, mà những thế hệ trước muốn có cũng... không được. Dù vậy, chỉ số kỳ vọng sẽ tăng dần theo thời gian, trong khi sau giai đoạn phát triển nóng, bóng đá Việt Nam sẽ có giai đoạn chững lại, chùng xuống, phải tự làm mới mình, hay thậm chí "lùi một bước để tiến nhiều bước". CĐV có sẵn sàng cho điều đó?
ĐTQG vẫn là thước đo số 1
Mọi nền bóng đá phát triển đều lấy sức mạnh ĐTQG để đong đếm sức mạnh. Có một giai đoạn, bóng đá Việt Nam chuộng giải trẻ hơn giải đỉnh cao. Thành tích giải trẻ cũng có ý nghĩa lớn hơn với các đội bóng đang lên như Việt Nam.
Nhưng sau khi qua giai đoạn phát triển nóng, lấy giải trẻ làm bàn đạp rồi, bóng đá Việt Nam chỉ cần quan tâm ĐTQG. Các giải trẻ, suy cho cùng, chỉ là nơi rèn luyện để cầu thủ trẻ tích lũy thêm kinh nghiệm. Đó không phải chiến địa để săn lùng, thu gom thành tích nữa.
Nhận định trên có mâu thuẫn không khi HLV Park Hang Seo quyết mang Văn Hậu về, gọi Hùng Dũng, Trọng Hoàng để "săn vàng" SEA Games? Ông Park có cơ sở khi làm vậy, bởi ở thời điểm đó, ngôi vô địch SEA Games vẫn là nỗi trăn trở. Tuy nhiên, khi đã vô địch để "đoạn tuyệt" với quá khứ rồi, bóng đá trẻ Việt Nam sẽ không quay đầu nhìn lại.
Kể từ nay, các giải trẻ chỉ còn mang tính tham khảo. Bóng đá Việt Nam sẽ "ăn thua" ở những giải lớn như vòng loại World Cup, Asian Cup, bảo vệ vị thế ở AFF Cup.
Chiến dịch vòng loại World Cup 2022, Việt Nam vẫn đang nắm thế chủ động với ngôi đầu bảng. Mục tiêu của Quang Hải cùng đồng đội là giữ ngôi vị này để lọt vào vòng loại cuối lần đầu tiên trong lịch sử, sau đó là chiến đấu bảo vệ vương miện AFF Cup vào cuối năm nay.