U40 mãi không chịu lấy vợ khiến nhiều người sốt ruột muốn mai mối giúp, đồng nghiệp đến thăm nhà một hôm thì vội vàng 'quay xe'
Nguyên nhân cũng chẳng phải tại anh ta.
U40 có tất cả trong tay, chỉ thiếu một người vợ
Tôi có một người đồng nghiệp nam, tên Cường, năm nay 38 tuổi, có nhà có xe nhưng chưa lấy vợ. Anh ấy nói cả đời này anh ấy sẽ không kết hôn, anh không muốn làm khổ bất kì cô gái nào, dù cô gái đó tính cách như thế nào đi chăng nữa thì sẽ chỉ khóc lóc chạy ra khỏi nhà anh ấy mà thôi.
Trước đây, những người đã có gia đình như chúng tôi thường có thói quen giới thiệu bạn trai/bạn gái cho những đồng nghiệp còn độc thân trong cơ quan. Duy chỉ có anh Cường này là độc thân liên tục mười mấy năm liền. Không phải do nhà nghèo, cũng không phải không có cô gái nào thích, lại càng không phải anh ấy kén cá chọn canh, chỉ đơn giản là anh ấy ghét kết hôn đến mức tiêu cực, chúng tôi chưa kịp mở miệng giới thiệu thì anh ấy đã từ chối rồi.
Đã vậy thì chúng tôi cũng không ép buộc nữa, chỉ cảm thấy việc anh ấy sợ hãi kết hôn khá là kỳ quặc, mãi cho đến một ngày mọi người trong cơ quan đến nhà anh ấy ăn cơm, chúng tôi mới hiểu sâu sắc suy nghĩ “quyết không lấy vợ” của anh ấy nghĩa là gì.
Buổi ăn tân gia bất ổn
Người đồng nghiệp này mua nhà ra ở riêng, chỉ cuối tuần mới về nhà bố mẹ ăn cơm. Bình thường chúng tôi đều ra nhà hàng tụ tập ăn uống, hôm đó một người đề nghị về nhà mới của anh Cường ăn cơm, vì mua nhà mấy năm rồi mà chúng tôi vẫn chưa đến bao giờ nên hôm nay tiện đến ăn tân gia luôn.
Anh Cường đồng ý, thế là bảy tám người chúng tôi liền đến nhà anh ấy. Chúng tôi phân ra 3 nhóm, một nhóm về nhà anh Cường dọn dẹp trước, tôi với một người đồng nghiệp nữ đi chợ mua đồ ăn, còn lại hai người đồng nghiệp nam đi mua đồ uống và thức ăn vặt.
Nhóm tôi quay trở về muộn nhất, vừa xách túi thức ăn vào cửa, không ngờ bố mẹ của anh Cường cũng ở đây, đang ngồi trên sô pha. Tôi ngơ ra rồi vội vàng chào hỏi hai bác. Anh Cường đi đến giúp tôi xách đồ ăn vào bếp rồi giới thiệu tôi với bố mẹ. Lúc này vẫn chưa có gì bất thường, bố mẹ anh Cường cũng giống như bao bố mẹ bình thường khác, nhiệt tình chào hỏi, cùng vào bếp nấu ăn. Vừa làm bác gái vừa kể rằng hôm nay làm ít đồ ăn nên đem sang cho con trai, không ngờ lại gặp đồng nghiệp của con.
Vì trong bếp đông người nên tôi ra ngoài dọn dẹp bàn ghế, sắp xếp bát đĩa trước. Khoảng 20 phút sau, trong bếp bỗng truyền ra tiếng bát đĩa rơi vỡ loảng xoảng, tôi vội chạy vào xem sao. Không thể ngờ được mẹ của anh Cường đang ném bát đĩa xuống đất, ném hết cái nọ đến cái kia, vừa ném vừa mắng chửi chồng một cách rất khó nghe.
Bố của anh Cường cũng không chịu đứng yên, ông không ngại nhà có khách, gây gổ với vợ ngay trước mặt chúng tôi. Hai người túm lấy đồ đạc trong bếp ném lung tung cả lên, một người đồng nghiệp nữ còn bị một cây chổi ném suýt trúng đầu. Người đồng nghiệp nữ rất sợ hãi, cô ấy chưa kết hôn, mới đi làm không lâu, trong nhà cũng rất hòa thuận, có lẽ chưa từng thấy cảnh này bao giờ nên co rúm người lại.
Anh cường cực kì ngại, anh ấy muốn ngăn bố mẹ lại nhưng không ngăn nổi, chỉ biết bất lực đứng nhìn bố mẹ mình “đại chiến”. Hai ông bà thì vừa gây gổ vừa ném hết đồ đạc xuống đất, hoa quả và rau xanh trên bàn cũng không ngoài số phận, bị ném đầy trên sàn nhà. Đám chúng tôi cũng lao vào tách hai ông bà ra, một tay thì túm người ông bà, một tay thì che lên đầu mình, ai cũng sợ chẳng may lại bị cái gì ném trúng đầu.
Mãi một lúc sau, ông bà mệt quá mới dừng lại, chẳng thèm quan tâm trong nhà có rất nhiều người, cũng chẳng thèm giữ gìn mặt mũi cho người con trai gần 40 tuổi. Chúng tôi cũng ngại, không dám đi thu dọn giúp, chỉ đứng đó chờ anh Cường lên tiếng. Anh Cường chỉ nói xin lỗi mọi người, hôm nay nhà tôi có chút việc, mọi người về nhà đi, hôm nay để mọi người đói bụng mất rồi.
Thì ra lý do khiến hai cụ “gây chiến” là lúc ở trong bếp, mẹ anh Cường hỏi đồng nghiệp nữ đang phụ giúp một tay rằng cô đã kết hôn chưa, có người yêu chưa, có thấy con trai bác được không? Cô ấy rất lịch sự đáp, bác ơi, bác đừng trêu cháu, cháu có bạn trai rồi, chúng cháu cũng đang tính đến chuyện kết hôn.
Ông bố liền quay sang bảo: “Cháu nó có bạn trai rồi bà còn hỏi cái gì mà hỏi, xấu hổ quá!”. Bà mẹ giận dữ quay sang nạt lại: “Tôi làm sao mà xấu hổ? Ông mới xấu hổ ấy!”.
Chuyện chỉ có vậy thôi mà cả hai lao vào “đại chiến”. Đồng nghiệp nữ kia rối rít xin lỗi, tại cô ấy nói không được khéo nên mới khiến hai bác giận, anh Cường chỉ thờ ơ trả lời, không phải lỗi của cô, bố mẹ tôi ngày nào cũng thế, tôi đã quen rồi.
Bố mẹ không ly hôn vì con, nhưng đứa con có thật sự hạnh phúc?
Anh Cường sống trong cảnh áy náy mãi vì anh mà bố mẹ không thể ly hôn. Lúc nào ông bà cũng mang cái lý do: “Bố mẹ không ly hôn là vì muốn tốt cho con”, và thế là anh ngày ngày chịu đựng tính cách nóng nảy của hai ông bà.
Bố mẹ anh ấy không hợp nhau, người kia làm gì không vừa mắt người này là cả hai sẽ ngay lập tức “khai chiến”, bất kể là ở ngoài đường hay trong nhà. Mỗi lần cãi nhau xong, ông bà lại quay sang nói với anh ấy: “Sau này con phải đối tốt với bố mẹ, bố mẹ là vì con mới phải sống như thế này.” Bố mẹ anh ấy không chịu sửa lại tật xấu, anh ấy cũng không có cách nào, càng không thể mặc kệ bố mẹ muốn làm gì thì làm.
Nhiều khi, gia đình không phải là nơi tránh bão giông cuộc đời, mà lại là nơi khiến chúng ta càng thêm mệt mỏi khi trở về. Thế nên, anh Cường quyết định cả đời không lấy vợ, anh không muốn lôi kéo bất cứ cô gái nào chịu chung cảnh ngộ với mình, một mình anh gánh lấy là đủ rồi. Dù gì cũng là bố mẹ mình, người khác không đáng để phải chịu đựng cùng.
Thật sự mà nói, kiểu gia đình thế này, ai mà dám gả con gái vào chứ? Chỉ thương cho những đứa trẻ sinh ra trong gia đình đó mà thôi, luôn luôn ngần ngại do dự rồi cuối cùng không có nổi hạnh phúc cho riêng mình.