UAE quyết tâm chuyển đổi thị trường năng lượng Trung Đông
Trang tin Oilprice.com ngày 22/4 có bài bình luận cho rằng Các Tiểu vương quốc A-rập Thống nhất (UAE) đang chuẩn bị đồng thời cho việc tăng nhu cầu xăng dầu trong những năm tới cũng như việc gia tăng năng lượng tái tạo toàn cầu.
Tin tức tại địa bàn cho rằng UAE đang xem xét bán cổ phiếu trị giá 4 tỷ USD của Công ty Năng lượng Quốc gia Abu Dhabi (TAQA), một trong những công ty năng lượng A-rập thành công nhất, để cung cấp tài chính cho công ty dẫn đầu về năng lượng tái tạo ADNOC. Con số 4 tỷ USD nằm trong kế hoạch của Chính phủ UAE bán 10% tài sản từ TAQA. Tin về khả năng bán tài sản này đã thúc đẩy giá trị thị trường của TAQA lên 43 tỷ USD. Các nguồn tin kỳ vọng rằng các nhà đầu tư quốc tế sẽ quan tâm tới miếng bánh này. Các đấu thầu không ràng buộc dự kiến sẽ diễn ra trong tháng 5 và tính hấp dẫn của TAQA sẽ tăng lên sau khi công ty tập trung vào năng lượng tái tạo. TAQA đã sở hữu một trong những nhà máy điện mặt trời lớn nhất thế giới và đang xây dựng một nhà máy lớn hơn. Chính phủ UAE và công ty TAQA từ chối bình luận về vấn đề này.
Trong mấy tuần qua, TAQA nêu rõ rằng công ty muốn dẫn đầu sự chuyển đổi năng lượng trong khu vực và hành động như nhà vô địch về năng lượng các-bon thấp và nước. Công ty đã quyết định cho phép các nhà đầu tư nước ngoài sở hữu 49% cổ phiếu TAQA. Con số 4 tỷ USD là một phần của một kế hoạch lớn hơn. TAQA sẽ tập trung vào mở rộng công suất năng lượng từ 18GW lên 30GW trong UAE và tăng các hồ sơ đầu tư quốc tế lên 15GW.
TAQA không phải là công ty duy nhất đang tạo sóng ở UAE. Quỹ đầu tư lớn thứ hai ở Abu Dhabi là Quỹ Mubadala đã cho thấy ý định chuyển đổi từ hydrocacbon sang công nghệ và năng lượng tái tạo. Trong quá khứ, Mubadala là Quỹ đầu tư tập trung vào dầu khí nhưng nhưng hiện nay rõ ràng đang chuyển sang công nghệ, y tế và các ngành khác. CEO của Quỹ Mubadala Khaldoon al-Mubarak cho biết chiến lược của Quỹ 232 tỷ USD sẽ chuyển đổi, có nghĩa là họ sẽ bán bớt các hàng hóa truyền thống, chuyển sang lĩnh vực phi năng lượng. Khu vực địa lý tập trung đầu tư của Quỹ là Trung Quốc, với tiềm năng kinh tế lớn.
Sự phát triển trên đây phù hợp với tầm nhìn của lãnh đạo năng lượng của Abu Dhabi Sultan Al Jaber, người đứng đầu ADNOC. Công ty dầu khí này đã triển khai chiến lược năng lượng sạch tái tạo. Sultan Al Jaber tuyên bố rằng UAE có kế hoạch trở thành người đi tiên phong trong chuyển đổi sang năng lượng xanh hơn và chống biến đổi khí hậu ngay cả khi công ty thúc đẩy năng lực sản xuất dầu khí; khẳng định mục tiêu của công ty là trở thành “một lãnh đạo trong sản xuất tối đa khối lượng hydrocacbons với lượng khí thải ít nhất”. Công ty sẽ sản xuất những thùng dầu với ít khí các-bon nhất trên thế giới. Là một trong những công ty sản xuất dầu khí lớn nhất OPEC, ADNOC có mục tiêu thúc đẩy năng lực sản xuất dầu tăng thêm 1/5, lên tới 5 triệu thùng/ngày vào năm 2030.
Hiện còn chưa rõ con đường hai làn này sẽ thành công đến mức nào. Hiện nay việc tiền tệ hóa các tài sản liên quan đến dầu khí và tinh giảm sản xuất cần phải mang lại dòng tiền cho UAE. Các kế hoạch phát triển hiện nay, tất cả tập trung vào năng lượng tái tạo và đa dạng hóa nền kinh tế, là rất rõ ràng. Tuy nhiên, chương trình phát triển đa dạng hóa trong quá khứ không phải luôn thành công. Bán các tài sản về dầu khí trong khi đang rất cần nguồn thu từ dầu khí là một chiến lược mạo hiểm, do vậy, chiến lược này cần được triển khai một cách thận trọng. Việc quá phụ thuộc thị trường Trung Quốc cũng có những rủi ro, có thể dẫn đến những ràng buộc kinh tế không mong muốn trong tương lai. Biên lợi nhuận của năng lượng tái tạo không thể mang lại nguồn thu nhập mà UAE đang cần.
Tham vọng của UAE chuyển đổi thị trường năng lượng là đáng tôn trọng, tuy nhiên còn rất nhiều câu hỏi về việc chiến lược này sẽ thành công như thế nào.