UBND các cấp không tham gia tố tụng, chậm cung cấp tài liệu chứng cứ

Kì họp thứ 7 HĐND TP Hà Nội khóa XVI đã khai mạc sáng ngày 5/7/2022, dự kiến kéo dài trong 3 ngày đến 8/7/2022 tại trụ sở HĐND – UBND. Tại kì họp, HĐND TP đã nghe các báo cáo chuyên đề và báo cáo thường lệ. Theo đó, thực hiện Công văn số 22/CV-PC ngày 14/6/2022 của HĐND TP Hà Nội, đại diện TAND TP Hà Nội đã có Báo cáo kết quả 06 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2022 của TAND hai cấp TP Hà Nội.

Việc chậm trễ trong tiến độ giải quyết án hành chính:

Án hình sự tăng, đặc biệt các băng nhóm hoạt động cho vay theo kiểu “tín dụng đen” hoạt động phức tạp:

Trong 6 tháng đầu năm, TAND hai cấp TP Hà Nội đã thụ lý 23.163 vụ việc các loại; giải quyết 14.404 vụ việc, đạt tỉ lệ 62,18% trong đó có 4.871 vụ án hình sự, tăng 361 vụ so với cùng kì năm 2021.

Trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng tiếp tục được đẩy mạnh, với nhiều vụ án hình sự trọng điểm, nhạy cảm, phức tạp, được dư luận xã hội quan tâm, đặc biệt là các vụ án kinh tế, tham nhũng, phức tạp thuộc diên Ban Chỉ đạo TW về phòng chống tham nhũng đã được TAND TP Hà Nội khẩn trương nghiên cứu hồ sơ để đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh đáp ứng yêu cầu chính trị của địa phương.

Riêng đối với tội phạm ma túy, đây là nguyên nhân gây ra bất ổn xã hội và là mầm mống của các loại tội phạm nghiêm trọng khác như giết người, cướp tài sản, trộm cắp…Trong thời gian vừa qua, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 29/KH-UBND ngày 26/1/2022 về phòng chống ma túy trên địa bàn TP năm 2022. TAND hai cấp của TP cũng đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp để tăng cường giải quyết các vụ án ma túy, đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh, đáp ứng được yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trên địa bàn Thủ đô. Trong 6 tháng đầu năm, TAND hai cấp đã thụ lý trên 1700 vụ/ 2.398 bị cáo bị truy tố các tội về ma túy. Nhiều vụ việc các đối tượng hoạt động với phương thức, thủ đoạn tinh vi, tạo được các vỏ bọc kín đáo để che mắt lực lượng CA.

Vụ việc điều tra, khám phá đường dây mua bán ma túy từ các tỉnh Tây Bắc về Hà Nội và bắt giữ các đối tượng cầm đầu là Hoàng Gia Long, SN 1984, ở xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ và Nguyễn Đăng Hưng, SN 1977, ở phường Phúc La, quận Hà Đông thu giữ 10 bánh ma túy tổng hợp, 10 bánh heroin và nhiều tang vật khác được đông đảo quần chúng nhân dân quan tâm, ủng hộ. Đây là vụ việc tương đối phức tạp khi các đối tượng hoạt động khép kín, tạo vỏ bọc tinh vi để che mắt lực lượng CA. Đối tượng Long có vợ là thầy cúng tại huyện Chương Mỹ nhưng vẫn quan hệ với 1 phụ nữ khác ở huyện Mai Châu, Hòa Bình và có con chung. Đây chính là “bình phong” để che đậy việc Long thường xuyên có mặt tại Hòa Bình, Sơn La để mua ma túy số lượng lớn mang về Hà Nội tiêu thụ. Thủ đoạn của Long là không trực tiếp mang hàng theo xe ô tô của mình mà gửi hàng theo xe khách, xe tải chạy chuyến Sơn La – Hòa Bình về Hà Nội.

Các vụ án về ma túy và tội phạm ma túy được đưa ra xét xử đã tạo được niềm tin của quần chúng nhân dân đối với các cơ quan thực thi pháp luật, góp phần răn đe các đối tượng đang manh nha có các hoạt động vi phạm pháp luật đồng thời qua đó, tuyên truyền phổ biến cho người dân Thủ đô nắm bắt được các thủ đoạn mới của loại tội phạm này, để thực hiện tốt việc phát hiện và tố giác tội phạm.

Trong 6 tháng đầu năm, các băng nhóm hoạt động cho vay lãi suất cao, tín dụng đen trên địa bàn Thủ đô hoạt động tương đối phức tạp. Hoạt động “tín dụng đen” là mầm mống phát sinh các loại tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác như cướp tài sản, cưỡng đoạt tài sản, cố ý gây thương tích, bắt giữ người trái pháp luật, gây rối TTCC…

Các đối tượng cầm đầu đường dây cho vay dưới hình thức "tín dụng đen" qua app "vaynhanhpro"

Các đối tượng cầm đầu đường dây cho vay dưới hình thức "tín dụng đen" qua app "vaynhanhpro"

Một trong số các vụ việc được dư luận chú ý là CATP Hà Nội phối hợp với Cục CSHS, Bộ CA bắt khẩn cấp 7 đối tượng trong đường dây ‘tín dụng đen” xuyên quốc gia do các đối tượng người Trung Quốc cầm đầu và các thành viên là người Việt Nam, gần 300 đối tượng khác có liên quan đến đường dây này. Các đối tượng đã thực hiện cho vay qua các app “cashvn”, “vaynhanhpro” và “ovay” trên địa bàn 3 tỉnh, TP gồm Hà Nội, Thái Nguyên và Vĩnh Phúc. Thủ đoạn của các đối tượng là quản cáo trên mạng xã hội, vay tiền thế chấp bằng hình ảnh cá nhân kèm thông tin nhân thân lai lịch và danh bạ điện thoại. Nếu khách hàng không có khả năng trả tiền, ngoài việc tấn công, khủng bố tinh thần con nợ, chúng sẽ tấn công vào bạn bè, người thân của nạn nhân thông qua danh bạ điện thoại được khách hàng cung cấp trước đó. Thậm chí nhiều người dù không liên quan nhưng cũng bị chúng tấn công bằng cách cắt ghép ảnh “nóng” rồi tung lên mạng xã hội để bôi nhọ danh dự, gây áp lực để đòi tiền. Đã có gần 1 triệu tài khoản vay qua các app của đường dây này và số tiền giải ngân lên đến 1000 tỷ đồng. Cho đến khi bị đánh sập, đường dây cho vay lãi nặng và đòi nợ dưới hình thức “tín dụng đen” này ước tính đã thu lợi nhuận bất chính khoảng 5000 tỷ đồng.

Các tháng đầu năm 2022, TAND hai cấp của TP đã thụ lý 19 vụ việc liên quan đến hoạt động tín dụng đen, phần lớn các bị cáo đều áp dụng hình phạt tù có thời hạn, đảm bảo hiệu quả răn đe, phòng ngừa chung.

Án hành chính giảm, tuy nhiên có tình trạng Tòa nhiều lần triệu tập nhưng UBND các cấp không tham gia tố tụng:

Trong 6 tháng đầu năm 2022, theo báo cáo của TAND TP Hà Nội thì án dân sự, án kinh doanh thương mại, án lao động đều có xu hướng tăng; riêng án hôn nhân và gia đình giảm 862 vụ việc so với cùng kì năm 2021. Án hành chính cũng giảm 71 vụ so với cùng kì năm ngoái, TAND TP đã thụ lý 947 vụ, giải quyết 172 vụ đạt tỷ lệ giải quyết 18,16%. Các khiếu kiện hành chính chủ yếu liên quan đến các Quyết định hành chính, hành vi hành chính về quản lý đất đai; người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan chính là UBND các quận , huyện và TP Hà Nội. Theo quy định của Luật Tố tụng hành chính, tư cách khi tham gia tố tụng của các đương sự là ngang nhau. Mặc dù vậy, vẫn xảy ra tình trạng Tòa án đã nhiều lần triệu tập, yêu cầu cung cấp tài liệu chứng cứ, nhưng UBND các cấp không tham gia tố tụng, chậm cung cấp tài liệu chứng cứ. Đây là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết án hành chính.

Xác định rõ việc giải quyết đối với án hành chính còn gặp nhiều khó khăn nên TAND TP Hà Nội đã đưa ra nhiều giải pháp, trong đó đặc biệt chú trọng đến việc tăng cường công tác đối thoại trực tiếp tại địa phương; chủ động hướng dẫn, trao đổi nghiệp vụ với TA cấp huyện nơi có nhiều vụ án hành chính phải thụ lý giải quyết, giải quyết dứt điểm đối với những vụ án hành chính phức tạp, có đông người và cùng chung đối tượng khởi kiện; biệt phái Thẩm phán trung cấp đnag công tác tại TAND cấp huyện để giải quyết án có tranh chấp tạo địa bàn lân cận. Tuy nhiên, các giải pháp trên đều mới chỉ mang chính chất tạm thời.

Đối với các vụ án kinh tế, tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp được Ban Chỉ đạo TW về phòng chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo, TAND TP Hà Nội luôn chú trọng đến công tác thông tin tuyên truyền, bố trí thêm phòng trực tuyến để tạo điều kiện cho các cơ quan báo chí, phóng viên theo dõi, đưa tin kịp thời về diễn biến, kết quả phiên tòa, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị địa phương.

Đăng Khôi

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/ubnd-cac-cap-khong-tham-gia-to-tung-cham-cung-cap-tai-lieu-chung-cu-296256.html