UBND Thành phố Hà Nội trả lời ý kiến cử tri về những vấn đề cấp bách

Thực hiện yêu cầu của Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội về việc trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri sau kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, UBND TP đã báo cáo tổng hợp trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri, trong đó có một số vấn đế cấp bách.

Đối với ý kiến của cử tri huyện Đan Phượng, huyện Thường Tín đề nghị UBND TP đầu tư kinh phí, đẩy nhanh tiến độ xây dựng công trình nước sạch phục vụ người dân trên địa bàn, UBND TP nêu: Huyện Đan Phượng có 1 thị trấn Phùng và 15 xã với dân số khoảng 162.900 người.

Trên địa bàn huyện có các trạm cấp nước tập trung: Thị trấn Phùng; xã Đan Phượng, Song Phượng, Tân Hội, Tân Tây Đô và một số khu vực thuộc xã Đồng Tháp, Phương Đình, Thượng Mỗ với dân số khoảng 70.047 người đã có hệ thống cấp nước đạt trên 43%.

Để hoàn thành việc đầu tư phát triển hệ thống cấp nước cho huyện Đan Phượng, UBND TP đã giao Cty CP nước sạch Tây Hà Nội đang triển khai dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước cho 8 xã (Trung Châu, Thọ An, Thọ Xuân, Hạ Mỗ, Hồng Hà, Liên Hồng, Liên Hà, Liên Trung), huyện Đan Phượng, TP Hà Nội tại Quyết định chủ trương đầu tư số 5978/QĐ-UBND ngày 29-10-2019.

Tại huyện Thường Tín, để đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch cho người dân trên địa bàn huyện, UBND TP đã phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng phát triển mạng lưới phân phối nước sạch cho các xã thuộc huyện Thường Tín, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Thanh Oai cho Liên danh: Cty CP nước Aqua One và Cty CP nước mặt sông Đuống (Công ty TNHH hai thành viên phân phối nước sạch huyện Thường Tín, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Thanh Oai) triển khai thực hiện tại Quyết định số 3845/QĐ-BND ngày 24-6-2017, trong đó có Xây dựng mới hệ thống cấp nước hoàn chỉnh cho 26 xã chưa có hệ thống cấp nước của huyện Thường Tín: Ninh Sở, Nhị Khê, Duyên Thái, Khánh Hà, Hòa Bình, Hiền Giang, Hồng Vân, Vân Tảo, Liên Phương, Tự Nhiên, Tiền Phong, Hà Hồi, Thư Phú, Nguyễn Trãi, Quất Động, Chương Dương, Lê Lợi, Thắng Lợi, Tân Minh, Dũng Tiến, Thống Nhất, Nghiêm Xuyên, Tô Hiệu, Văn Tự, Vạn Điểm, Minh Cường.

Thành phố đã chỉ đạo đôn đốc các Nhà đầu tư khẩn trương triển khai dự án phát triển mạng đã được UBND TP giao thực hiện theo kế hoạch đề ra, hoàn thành trong năm 2020.

Đối với ý kiến cử tri huyện Sóc Sơn đề nghị UBND TP xem xét, sớm chỉ đạo rà soát, giải quyết dứt điểm việc quy hoạch rừng năm 2008 trùng lấn với đất ở, đất nông nghiệp của các hộ dân để phục vụ cho công tác quản lý và quyền lợi của các hộ dân, UBND TP cho biết: Sau khi có kết luận của Thanh tra TP về quản lý, sử dụng đất rừng trên địa bàn huyện Sóc Sơn, nội dung quy hoạch rừng huyện Sóc Sơn năm 2008 còn bất cập, trùng chéo quy hoạch rừng vào đất ở dân cư, bản đồ quy hoạch lấy theo mốc giả định;

Ngày 11-12-2019, Thành ủy đã có Thông báo số 2351-TB/TU về kết luận của Ban Thường vụ Thành ủy về kết quả xử lý, khắc phục sau thanh tra toàn diện công tác quản lý, sử dụng đất rừng trên địa bàn 10 xã và thị trấn huyện Sóc Sơn giai đoạn 2008-2018. UBND TP đã có văn bản về kết quả xử lý, khắc phục sau thanh tra toàn diện công tác quản lý, sử dụng đất rừng trên địa bàn 10 xã và thị trấn huyện Sóc Sơn giai đoạn 2008-2018 và ra văn bản rà soát hoàn thiện nội dung đề nghị điều chỉnh quy hoạch đất rừng huyện Sóc Sơn.

Hiện nay UBND TP đã chỉ đạo UBND huyện Sóc Sơn tiến hành rà soát chi tiết diện tích rừng huyện Sóc Sơn. Sau khi có kết quả rà soát rừng của UBND huyện Sóc Sơn, Sở Nông nghiệp và PTNT sẽ phối hợp với Sở TN&MT, Sở QH-KT và UBND huyện Sóc Sơn báo cáo đề xuất UBND TP xem xét điều chỉnh theo quy định.

Trước ý kiến cử tri đề nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo các cơ quan chức năng duy tu, bảo trì, bảo dưỡng nhà chung cư cũ và hỗ trợ kinh phí cho công tác phòng cháy, chữa cháy tại các khu tập thể, chung cư cũ, UBND TP cho biết: Hiện nay trên địa bàn các quận Thanh Xuân và Nam Từ Liêm đã bán hết cho các hộ dân theo nghị định 61/CP (nay là Nghị định 99) tổng số 150 nhà tập thể, chung cư cũ (quận Thanh Xuân: 141 tòa, quận Nam Từ Liêm: 9 tòa); số còn lại là 75 tòa thuộc quận Thanh Xuân đã bán cơ bản còn lại một số căn hộ cho thuê do Cty TNHH MTV quản lý phát triển nhà đơn vị được TP giao trực tiếp quản lý. Sở Xây dựng đã có văn bản báo cáo UBND TP để yêu cầu các quận, huyện đẩy nhanh tiến độ tiếp nhận để quản lý.

Căn cứ quy định tại Điều 40, Nghị định số 46/2015/NĐ-CP ngày 12-5-2015 của Chính phủ, Quyết định số 17/2018/QĐ-UBND ngày 6-8-2018 của UBND TP ban hành quy định chi tiết một số nội dung thuộc thẩm quyền của UBND TP về quản lý, sử dụng nhà ở cũ thuộc sở hữu Nhà nước trên địa bàn TP Hà Nội, Điều 82, Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20-10-2015 của Chính phủ, việc duy tu, bảo trì, bảo dưỡng tại các khu tập thể, nhà chung cư cũ và kinh phí cho công tác phòng cháy, chữa cháy tại các khu tập thể, chung cư cũ được thực hiện theo nguyên tắc do các chủ sở hữu tự đóng góp kinh phí tương ứng với diện tích sở hữu riêng của từng hộ; các đơn vị được UBND Thành phố giao quản lý vận hành nhà ở chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện bảo trì phần diện tích thuộc sở hữu Nhà nước chưa bán và cùng với các chủ sở hữu đóng góp kinh phí bảo trì phần sở hữu chung.

Việc triển khai Dự án Công viên tưởng niệm thiên đường Thanh Tước phù hợp với định hướng quy hoạch chuyên ngành được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (ảnh minh họa)

Việc triển khai Dự án Công viên tưởng niệm thiên đường Thanh Tước phù hợp với định hướng quy hoạch chuyên ngành được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (ảnh minh họa)

Trả lời ý kiến cử tri Mê Linh về việc dừng thực hiện Dự án Công viên tưởng niệm thiên đường Thanh Tước, UBND TP nêu rõ: Về quy hoạch, theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26-7-2011. Trong đó, Nghĩa trang Thanh Tước dự kiến quy mô: Hiện có 7 ha, giai đoạn đến năm 2020 mở rộng với tổng diện tích khoảng 14 ha và đến năm 2030 khoảng 23 ha.

Quy hoạch phát triển Nghĩa trang Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 496/QĐ-TTg ngày 8-4-2014 đã xác định Nghĩa trang Thanh Tước được mở rộng giai đoạn đến năm 2020 với diện tích khoảng 17 ha và năm 2030 khoảng 23 ha.

Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội TP Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1081/QĐ-TTg ngày 6-7-2011 đã xác định việc đầu tư xây dựng mở rộng nghĩa trang Thanh Tước và là một trong các chương trình, dự án ưu tiên nghiên cứu đầu tư của TP.

Nghị Quyết 11/2011/NQ-HĐND ngày 12-12-2011 của HHĐN TP Hà Nội về các chương trình mục tiêu và danh mục các dự án trọng điểm của TP Hà Nội giai đoạn 2011-2015 và Quyết định số 1948/QĐ-UBND ngày 10-5-2012 của UBND TP Hà Nội về việc phê duyệt kế hoạch tiến độ chi tiết các công trình, cụm công trình trọng điểm của TP giai đoạn 2011-2015 cũng xác định đầu tư xây dựng mở rộng nghĩa trang Thanh Tước.

Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội huyện Mê Linh đã được UBND TP phê duyệt tại Quyết định số 3947/QĐ-UBND ngày 6-9-2012 xác định dự án Cải tạo nghĩa trang Thanh Tước hiện có thành công viên nghĩa trang với quy mô khoảng 14ha.

Về môi trường: Báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án Công viên tưởng niệm thiên đường Thanh Tước (không có hoạt động hung táng) đã được UBND TP phê duyệt tại Quyết định số 7120/QĐ-UBND ngày 27-12-2014. Chủ đầu tư dự án, khi triển khai và vận hành dự án phải tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường và thực hiện đúng theo Báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án được duyệt. Trường hợp Nhà đầu tư vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Về khoảng cách ly an toàn vệ sinh môi trường: Khi xem xét quy hoạch dự án các cơ quan đã nghiên cứu, đối chiếu với các quy định liên quan quy định khoảng cách an toàn vệ sinh môi trường tối thiểu của nghĩa trang cát táng là 100m. Khoảng cách tính từ ranh giới khu vực lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Công viên tưởng niệm thiên đường Thanh Tước đến khu vực dân cư hiện có lớn hơn 200m (theo số liệu kiểm tra tại hiện trường giữa đơn vị tư vấn với chính quyền địa phương), đảm bảo yêu cầu về khoảng cách an toàn vệ sinh môi trường theo các quy chuẩn nêu trên.

Bên cạnh đó, ngày 22-8-2013, Sở Quy QH-KT đã có công văn số 2682/QHKT-P3 gửi Bộ Xây dựng và đã được Bộ Xây dựng có công văn trả lời số 18/BXD-HTKT ngày 4-10-2013 trong đó: Thống nhất diện tích sử dụng đất cho mỗi mộ cát táng đối đa không quá 3m2 và Kênh Tam Báo là công trình thủy lợi được thực hiện trong vùng an toàn vệ sinh môi trường của nghĩa trang Thanh Tước.

Theo Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia các công trình hạ tầng kỹ thuật- QCVN 07:2010/BXD quy định: “...Khoảng cách an toàn vệ sinh môi trường nhỏ nhất từ công trình khai thác nước sinh hoạt tập trung tới nghĩa trang cát táng là 3.000m".

Khoảng cách từ nhà máy nước Phúc Yên tới nghĩa trang Thanh Tước hiện có là khoảng 3.450m, tới ranh giới khu vực lập quy hoạch chi tiết 1/500 Công viên tưởng niệm Thiên đường Thanh Tước là khoảng 3.600m.

Thực tế, theo kết quả khảo sát tại báo cáo số 61/2015 HSV-BC ngày 31-8-2015 của Cty CP đầu tư Hoa Sen Vàng (Chủ đầu tư dự án): Khoảng cách từ Dự án đến Trạm cấp nước thôn Yên Vinh là: 3.338,6 m.

Như vậy, khoảng cách từ công trình khai thác nước sinh hoạt tới phạm vi ranh giới khu vực lập quy hoạch của dự án là đảm bảo tuân thủ quy chuẩn.

Việc triển khai quy hoạch, lập dự án nêu trên là phù hợp với định hướng quy hoạch chuyên ngành được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Hà Nội và huyện Mê Linh được duyệt; đồng thời tuân thủ các quy định liên quan.

T. An

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/ubnd-thanh-pho-ha-noi-tra-loi-y-kien-cu-tri-ve-nhung-van-de-cap-bach-188888.html