UBND tỉnh chỉ đạo theo dõi chặt chẽ, chủ động ứng phó, khắc phục tình hình mưa lũ, thiên tai trên địa bàn tỉnh

UBND tỉnh vừa ban hành Công văn số 1800/UBND-NNTNMT chỉ đạo về việc theo dõi chặt chẽ, chủ động ứng phó, khắc phục với tình hình mưa lũ, thiên tai trên địa bàn tỉnh.

Mực nước sông Hồng chiều 10/9. Ảnh Thế Trang

Mực nước sông Hồng chiều 10/9. Ảnh Thế Trang

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT và Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, vào 15h ngày 10/9/2024: mực nước trên sông Đáy tại Trạm thủy văn Phủ Lý là: 4.56m (trên Báo động III: 0.56m), mực nước sông Hồng tại Trạm thủy văn Hưng Yên là 6,27m (dưới báo động II là 0,03m).

UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan theo chức năng nhiệm vụ theo dõi chặt chẽ tình hình mưa lũ, thực hiện nghiêm chế độ thường trực; khẩn trương, quyết liệt thực hiện các nội dung, giải pháp chủ động ứng phó khắc phục với tình hình mưa lũ, thiên tai trên địa bàn tỉnh, ưu tiên đảm bảo an toàn tính mạng người dân; hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa lũ gây ra và tập trung thực hiện một số nội dung cụ thể sau:

Mực nước sông Đáy tại Phủ Lý hiện đã vượt báo động III, UBND các huyện, thị xã, thành phố: Phân công, bố trí lực lượng thường trực theo quy định (lưu ý, mỗi xã chuẩn bị, huy động lực lượng để duy trì thực hiện nhiệm vụ tại địa phương mình, đồng thời dự phòng 01 Tổ khoảng 10 người có thể điều động tăng cường hỗ trợ cho địa phương khác xử lý tình huống do mưa lũ gây ra).

Kịp thời triển khai trên thực tế các phương án hộ đê, bảo vệ trọng điểm, phương án đảm bảo an toàn công trình đã được phê duyệt theo phương châm “4 tại chỗ”. Rà soát, chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện tại các khu vực trọng điểm xung yếu, các công trình đê điều đang thi công, cống dưới đê đã thi công hoàn thành chưa qua thử thách để sẵn sàng triển khai xử lý kịp thời các sự cố, đặc biệt là những tình huống có nguy cơ mất an toàn do mưa, lũ và ảnh hưởng của việc vận hành điều tiết xả lũ các hồ thủy điện có thể gây ra.

Phân luồng giao thông, hạn chế đi lại các khu vực xung yếu, nguy cơ sạt lở. Chủ động sơ tán các hộ dân đang sinh sống tại các khu vực nguy hiểm, nhất là các khu vực ven sông, vùng trũng thấp, khu vực có nguy cơ xảy ra ngập lụt để đảm bảo an toàn cho người và tài sản.

Chuẩn bị nhu yếu phẩm cần thiết để kịp thời hỗ trợ người dân tại các khu vực ngập úng, chưa di chuyển được. Kịp thời khắc phục các sự cố, thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra, đảm bảo cung cấp điện, nước sạch, thông tin liên lạc và vệ sinh môi trường; hướng dẫn và triển khai thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh trong và sau lũ.

Đôn đốc, kiểm tra việc thống kê, khắc phục các nội dung liên quan đến thiệt hại do Bão số 3 gây ra để thực hiện công tác hỗ trợ đảm bảo theo quy định. Kịp thời báo cáo tham mưu UBND tỉnh xử lý đối với nội dung, tình huống vượt quá khả năng xử lý của địa phương do mưa lũ gây ra.

Thực hiện nghiêm túc, hiệu quả công tác tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều trong mùa mưa lũ theo đúng quy định của Luật Đê điều và hướng dẫn của Bộ NN&PTNT tại Thông tư số 01/2009/TT-BNN ngày 06/01/2009 để kịp thời phát hiện và xử lý các sự cố có thể xảy ra ngay từ giờ đầu.

Chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu chủ quan, lơ là trong lãnh đạo, chỉ đạo, để xảy ra sự cố gây mất an toàn đê điều do việc không thực hiện việc tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều theo đúng quy định pháp luật.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Thực hiện nghiêm túc chế độ trực ban, báo cáo kịp thời các diễn biến tình hình mưa lũ, thiên tai, các sự cố công trình đê điều; khẩn trương kết nối chia sẻ thông tin giữa các Sở, ngành, đơn vị, địa phương đảm bảo thông tin kịp thời, đầy đủ, chính xác (hoàn thành trong ngày 10/9/2024)

Hướng dẫn, đôn đốc các Sở, ngành, địa phương, đơn vị thực hiện báo cáo, tổng hợp nội dung liên quan về công tác phòng chống thiên tai theo quy định (gửi báo cáo UBND tỉnh, đồng gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - qua Chi cục Thủy lợi để tổng hợp, tham mưu).

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh chỉ đạo công tác bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh, tăng cường lực lượng, phương tiện hỗ trợ địa phương thực hiện khắc phục hậu quả sau Bão số 3 và ứng phó với tình hình mưa lũ, thời tiết thiên tai phát sinh; chủ động bố trí lực lượng, phương tiện tại các khu vực xung yếu để thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn.

Sở Giáo dục và Đào tạo nắm chắc diễn biến, tình hình mưa lũ, thông báo các Phòng GD&ĐT các huyện, thị xã, thành phố căn cứ tình hình thực tế mưa lũ, chủ động cho học sinh, sinh viên nghỉ học đảm bảo an toàn.

Sở Giao thông Vận tải thực hiện các nội dung đảm bảo an toàn giao thông (ngừng hoạt động các bến đò ngang, hạn chế thuyền bè lưu thông trong thời gian mưa lũ...theo quy định)

Sở Thông tin và Truyền thông; Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh; Báo Hà Nam theo dõi nắm bắt các bản tin dự báo, các chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh và các Sở, ngành, đơn vị về diễn biến mưa lũ, thiên tai; tăng cường thời lượng đưa tin và những nội dung hướng dẫn biện pháp ứng phó với mưa, lũ, thiên tai đảm bảo thông tin kịp thời đến người dân và các tổ chức có liên quan biết để phòng tránh.

Công ty Điện lực tỉnh khẩn trương sửa chữa khắc phục các sự cố, đảm bảo cấp điện cho các trạm bơm tiêu thoát nước, cơ sở y tế, các khu công nghiệp, sinh hoạt của người dân.

Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện các giải pháp đảm bảo nước sạch sinh hoạt, khuyến cáo người dân tích trữ nước sạch dự phòng...

Ban Quản lý các Khu công nghiêp tỉnh khẩn trương, chủ động thực hiện các giải pháp đảm bảo tiêu thoát nước, phòng chống ngập tại các Khu công nghiệp (trong đó lưu ý Khu công nghiệp Châu Sơn, Đồng Văn I, Đồng Văn II...)

Thủ trưởng các Sở, ngành, các đồng chí thành viên Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh theo chức năng nhiệm vụ, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan chủ động triển khai đảm bảo an toàn hệ thống công trình đê điều ứng phó với tình hình mưa lũ và vận hành xả lũ các hồ thủy điện theo quy định.

PV

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/moi-truong-do-thi/ubnd-tinh-chi-dao-theo-doi-chat-che-chu-dong-ung-pho-khac-phuc-tinh-hinh-mua-lu-thien-tai-tren-dia-ban-tinh-135345.html