UBND tỉnh Đồng Nai: 'Cảng TP.HCM là tài sản chung, không phải của riêng TP.HCM'
ng Võ Tấn Đức, Phó Chủ tịch UBND Đồng Nai cho biết: Cảng TP.HCM là tài sản quốc gia, không phải của riêng TP.HCM phục vụ xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước. Vì vậy, cảng TP.HCM phải được sử dụng bình đẳng trên nguyên tắc lợi ích chung của quốc gia.
Mới đây, UBND Đồng Nai đã có công văn gửi Bộ Tài chính liên quan tới triển khai thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển tại TP.HCM.
Theo đó, tỉnh này nhận được nhiều ý kiến phản ánh của các doanh nghiệp, hiệp hội trên địa bàn tỉnh kiến nghị về việc này. Theo UBND Đồng Nai, một trong những quy định gây ra rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp tại Đồng Nai chính là việc đăng ký tờ khai tại TP.HCM.
Ảnh minh họa.
Theo đó, với trường hợp mở tờ khai các đơn vị Hải quan ngoài Cục Hải quan TP.HCM sẽ dao động từ 500.000 đồng - 1 triệu đồng, tùy trọng tải xe. Trong khi đó, nếu mở tờ khai tại TP.HCM, chi phí này chỉ bằng 1 nửa, khoảng 250.000 - 500.000 đồng đối với các xe cùng trọng tải.
Các doanh nghiệp, hiệp hội cho rằng, mức thu phí mà TP.HCM rất cao và có sự phân biệt đối xử khi không mở tờ khai tại TP.HCM, cũng không phù hợp với chính sách của Nhà nước Việt Nam, làm tăng chi phí cho doanh nghiệp, nhất là trong điều kiện dịch bệnh.
Ông Võ Tấn Đức, Phó Chủ tịch UBND Đồng Nai phân tích: Theo Luật Hải quan, Nghị định của Chính phủ về thủ tục hải quan hiện nay, thì lệ phí Hải quan đều thống nhất ở mức 20.000 đồng/tờ, dù doanh nghiệp làm thủ tục ở bất cứ đâu.
Đồng thời, doanh nghiệp mở tờ khai ở đâu đi chăng nữa thì vẫn sử dụng công tình trong khu vực cửa khẩu cảng biển TP.HCM như nhau. Do vậy, mức thu có sự chênh lệch là điều rất bất hợp lý.
“Nếu TP.HCM thực hiện quy định này, thì các doanh nghiệp sẽ dồn về TP.HCM mở tờ khai để nộp mức phí thấp hơn, TP.HCM sẽ thu thuế xuất nhập khẩu từ việc này. Do đó, việc thu thuế xuất nhập khẩu tại Đồng Nai sẽ giảm một nửa”, ông Đức cho biết.
Phó Chủ tịch UBND Đồng nai nhấn mạnh: Cảng TP.HCM là tài sản quốc gia, không phải của riêng TP.HCM phục vụ xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước. Vì vậy, cảng TP.HCM phải được sử dụng bình đẳng trên nguyên tắc lợi ích chung của quốc gia, không thể thu phí có sự phân biệt nơi mở tờ khai hải quan và sẽ gây sự biến động, ảnh hưởng rất lớn liên quan tới các vấn đề kinh tế - chính trị - xã hội cho các địa phương khác.
Trên các yếu tố này, UBND Đồng Nai đã có ý kiến với Bộ Tài chính để báo cáo với Chính phủ, đồng thời kiến nghị HĐND TP.HCM xem xét, cân nhắc có quyết định phù hợp với pháp luật Việt Nam.
Vào ngày 7/4, các hiệp hội doanh nghiệp liên quan đường thủy nội địa đã gửi văn bản tới Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, kiến nghị không thu phí sử dụng hạ tầng khu vực cửa khẩu cảng biển đối với hàng hóa vận tải bằng đường thủy nội địa.
Theo các Hiệp hội này, mặc dù việc ban hành Nghị quyết và thu phí là đúng với thẩm quyền của HĐND TP.HCM. Tuy nhiên, việc thu phí này trái với Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vận tải đường thủy nội địa và lợi ích của quốc gia.
Bên cạnh đó, không khuyến khích hàng hóa được vận tải bằng đường thủy nội địa để giảm áp lực cho hạ tầng đường bộ, giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông đường bộ kết nối đến cảng biển, giảm khí thải carbon vào môi trường theo cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị COP26.
“Chúng tôi kiến nghị dừng hoàn toàn việc thu phí hạ tầng thủy nội địa. Lý do, chúng ta sử dụng hạ tầng cảng biển bằng đường bộ theo đề án này là để chống ùn tắc còn vận tải thủy không sử dụng nên việc thu này tạo gánh nặng chi phí.
Thêm vào đó, việc thu này là thu sai đối tượng và đi ngược lại với chính sách khuyến khích vận tải nội thủy để giảm ùn tắc giao thông”, ông Trần Việt Huy, Trưởng ban Hải quan và thuận lợi hóa thương mại, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam nêu ý kiến.
Được biết, trước bất cập nói trên, các Hiệp hội đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp vận tải đường thủy nội địa đã có nhiều văn bản báo cáo đến TP.HCM; đồng thời gửi văn bản báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan. Mặc dù nhận được văn bản của các Hiệp hội, ý kiến của các bộ, ngành, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 29/9/2020 nhưng Hải Phòng và TP. Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục thu phí không đúng đối tượng, không có văn bản trả lời đến các Hiệp hội, không tổ chức đối thoại, làm rõ bất cập khi thu phí không đúng đối tượng.
Do đó, để hỗ trợ các doanh nghiệp liên quan đến vận tải đường thủy nội địa, đảm bảo lợi ích chung của quốc gia, các Hiệp hội, doanh nghiệp kiến nghị Chủ tịch Quốc hội chỉ đạo Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội và các cơ quan có liên quan giám sát việc ban hành văn bản pháp luật theo chức năng, nhiệm vụ đã được pháp luật quy định.