UBND tỉnh họp phiên chuyên đề tháng 11
BHG - Ngày 19.11, UBND tỉnh họp phiên tháng 11; đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển KT – XH năm 2021; phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 và xem xét, cho ý kiến vào các tờ trình. Đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì phiên họp. Dự họp có các đồng chí: Hoàng Gia Long, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Trần Đức Quý, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Hà Thị Minh Hạnh, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành.
Năm 2021, tỉnh triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển KT – XH trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều ngành, lĩnh vực và đời sống nhân dân. UBND tỉnh đã chủ động nắm bắt, đánh giá tình hình, sâu sát cơ sở, linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành, quyết tâm thực hiện “mục tiêu kép”; linh hoạt nới lỏng các hoạt động phát triển KT – XH phù hợp với tình hình dịch bệnh của tỉnh, đảm bảo các điều kiện an toàn về phòng, chống dịch. Trong 32 chỉ tiêu được giao, có 23 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, đạt 71,9%; có 9 chỉ tiêu không đạt kế hoạch, chiếm 28,1%.
Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm ước đạt trên 177 nghìn ha, tăng trên 1.218 ha so với năm trước. Tổng sản lượng lương thực có hạt ước đạt trên 421 nghìn tấn, tăng trên 6.800 tấn so với năm trước. Giá trị sản xuất công nghiệp (giá hiện hành) ước đạt trên 7.288 tỷ đồng, tăng 17,18% so với năm 2020. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chung toàn tỉnh tăng 1,81% so với năm 2020. Du lịch linh hoạt, đổi mới xúc tiến, quảng bá thông qua các nền tảng số. Tập trung cải thiện môi trường cạnh tranh, thúc đẩy khởi nghiệp, khuyến khích phát triển các thành phần kinh tế; lập, thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện quy hoạch. Thu ngân sách Nhà nước ước đạt 2.700 tỷ đồng, đạt 144,6% dự toán T.Ư giao và 100% dự toán tỉnh giao, tăng 6,7% so với năm 2020. Các chương trình mục tiêu Quốc gia được triển khai hiệu quả. Làm nhà ở cho 1.395 hộ; lũy kế toàn tỉnh có 5.121 hộ triển khai và hoàn thành nhà ở. Đến nay có tổng số 1.143 hộ/11 huyện, thành phố cải tạo vườn tạp; giải ngân cho 1.032 hộ vay vốn với số tiền 30,3 tỷ đồng; cải tạo trên 931 nghìn m2 vườn tạp. Ước cả năm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm 4,0% so với cuối năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn giai đoạn 2016-2020 còn 18,29%. Các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục được quan tâm, QP – AN giữ vững...
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn, nhấn mạnh: Thời gian còn lại năm 2021 và sang năm 2022 sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức, nhất là dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tác động đến các lĩnh vực. Tỉnh xác định đặt nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 lên hàng đầu; do đó, các ngành, địa phương cần xác định giải pháp thích ứng an toàn với dịch Covid-19 để có quyết tâm phấn đấu hoàn thành mức cao nhất các chỉ tiêu đặt ra trên cơ sở 3 khâu đột phá, 5 chương trình trọng tâm theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVII; trong đó đặc biệt quan tâm thực hiện tiêu chí điện ở các xã biên giới; nỗ lực hoàn thành tiêu chí xây dựng NTM đối với các xã phấn đấu đạt chuẩn. Quyết tâm khống chế dịch tả lợn châu Phi; dựa trên thế mạnh sẵn có của địa phương, cần tập trung phát triển công nghiệp, thương mại để phấn đấu tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 7,5%. Đẩy mạnh thu hút đầu tư; xây dựng kết cấu hạ tầng chiến lược, đồng bộ, hiện đại; các ngành liên quan chuẩn bị hồ sơ, thủ tục, giải phóng mặt bằng phục vụ dự án xây dựng đường cao tốc kết nối với cao tốc Nội Bài – Lào Cai.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu ngành Y tế chấn chỉnh đội ngũ cán bộ trong công tác báo cáo về tình hình dịch bệnh. Các cơ quan truyền thông của tỉnh phối hợp chặt chẽ để truyền thông đậm nét, tạo dấu ấn về lễ kỷ niệm 130 năm thành lập tỉnh, 30 năm tái lập tỉnh và 60 năm Bác Hồ lên thăm Hà Giang. Các ngành đánh giá, xem xét cụ thể về chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng sao cho đúng với thực tế; đánh giá chính xác tốc độ tăng tổng sản phẩm bình quân đầu người; thu ngân sách; cơ cấu kinh tế, thương mại, dịch vụ. Tập trung cải thiện môi trường đầu tư; thúc đẩy khởi nghiệp, khuyến khích phát triển các thành phần kinh tế. Đổi mới cơ cấu ngân sách Nhà nước; phát triển tín dụng để hỗ trợ cho phát triển KT – XH. Thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện trên cả 3 trụ cột: Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước; siết sặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tăng cường tiềm lực QP – AN; giữ vững an ninh biên giới, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại phục vụ phát triển KT – XH...
Tại phiên họp, các đại biểu xem xét, cho ý kiến vào các tờ trình; trong đó, có một số dự thảo nghị quyết quan trọng, như: Quy định nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách Nhà nước năm 2022; quy định về phí thăm quan Công viên ĐCTC CNĐ Đồng Văn; về dự toán thu ngân sách Nhà nước; thu, chi ngân sách địa phương năm 2022; phân bổ ngân sách địa phương năm 2022; danh mục các công trình, dự án thu hồi đất; chuyển mục đích sử dụng đất năm 2022 trên địa bàn tỉnh; phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án khởi công mới, giai đoạn 2021-2025 sử dụng vốn đầu tư công thuộc cấp tỉnh quản lý; phân bổ kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022; phê duyệt tổng biên chế công chức, chỉ tiêu hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP và Nghị định số 161/2018/NĐ-CP trong các cơ quan, tổ chức hành chính của tỉnh năm 2022… Sau khi nghe các ý kiến tham gia, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn đề nghị các ngành hoàn thành nội dung các tờ trình để làm căn cứ tổ chức thực hiện.