UBND tỉnh họp phiên thường kỳ tháng 4 lần 2
Chiều 8.4, đồng chí Triệu Thế Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì phiên họp tháng 4 lần 2 của UBND tỉnh để xem xét, thảo luận các tờ trình, dự thảo do các sở báo cáo.
Xem xét 3 dự án đầu tư công
Đối với 2 báo cáo về chủ trương đầu tư dự án nâng cấp đường tỉnh ĐT 391: đoạn từ Km24+600-Km28+400; đoạn từ vành đai I TP Hải Dương đến đường trục Đông Tây, Chủ tịch UBND tỉnh Triệu Thế Hùng cơ bản thống nhất chủ trương, nội dung do Sở Kế hoạch và Đầu tư trình bày. Tuy nhiên, để phát huy cao nhất hiệu quả dự án trong khi nguồn ngân sách hạn chế, các sở, ban, ngành liên quan cần rà soát, cân đối nguồn vốn phù hợp. Trong đó, ưu tiên kinh phí cho giải phóng mặt bằng. Việc lựa chọn, nâng cấp các đoạn tuyến ở vị trí tập trung dân cư phải được quan tâm đầu tư để phục vụ nhu cầu của người dân. Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu ý kiến của các đại biểu tại cuộc họp, hướng dẫn chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ về chủ trương đầu tư. Sở Tài chính, Ban Quản lý đầu tư xây dựng tỉnh trên cơ sở căn cứ pháp lý tính toán chặt chẽ về vốn đầu tư, làm rõ việc tăng mức đầu tư, phân kỳ đầu tư. Văn phòng UBND tỉnh phối hợp tham mưu Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh xin ý kiến Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chủ trương đầu tư 2 dự án này trước khi trình HĐND tỉnh quyết định.
Theo báo cáo chủ trương đầu tư dự án cải tạo, nâng cấp đường tỉnh ĐT 391 đoạn từ Km 24+600-Km 28+400, dự kiến mức đầu tư dự án gần 425 tỷ đồng. Quy mô đầu tư gồm phần đường cấp III đồng bằng với 4 làn xe, tốc độ thiết kế 89 km/giờ; phần cầu xây dựng thêm 1 đơn nguyên cầu Xe. Mức vốn bố trí ban đầu cho dự án là hơn 119 tỷ đồng với quy mô 2 làn xe nhưng để phù hợp với quy mô toàn tuyến phải điều chỉnh lên 4 làn xe dẫn đến tăng chi phí đầu tư
Dự kiến tổng mức đầu tư dự án cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 391 đoạn từ vành đai I TP Hải Dương đến đường trục Đông Tây gần 1.393 tỷ đồng lấy từ ngân sách tỉnh trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và giai đoạn 2026-2030. Tổng chiều dài tuyến khoảng 14,2 km với phần đường dài 12 km xây dựng theo quy mô đường cấp III, tốc độ thiết kế 80 km/giờ. Phần cầu xây thêm 1 đơn nguyên cầu vượt đường ô tô cao tốc Hà Nội-Hải Phòng và 1 đơn nguyên cầu tại Km 9+750.
Chủ tịch UBND tỉnh cơ bản nhất trí với chủ trương đầu tư dự án xây dựng hệ thống giám sát, điều hành thông minh Tỉnh ủy. Hạ tầng công nghệ thông tin của các cơ quan Đảng đã được đầu tư, xây dựng từ lâu nhưng cần được nâng cấp, đầu tư mới. Hầu hết các ban Đảng chưa được đầu tư trang thiết bị hiện đại so với yêu cầu thực tế. Các ứng dụng thực hiện riêng lẻ, phân tán nên hiệu quả công việc chưa cao. Việc đầu tư là cần thiết song UBND tỉnh chưa kết luận nội dung này, giao Văn phòng Tỉnh ủy, Sở Thông tin và Truyền thông xây dựng lại dự án trên cơ sở tiếp thu các ý kiến đóng góp. Ngoài đánh giá hiện trạng hạ tầng ứng dụng công nghệ thông tin, phải dự kiến hiệu quả dự án và xây dựng tính kết nối với hệ thống giám sát, điều hành hiện có. Các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính tham mưu cho UBND tỉnh về bố trí vốn thực hiện. Sau khi đề án được phê duyệt, các sở, ngành liên quan phải thực hiện quy trình đấu thầu, mua sắm, lắp đặt trang thiết bị công nghệ thông tin, phần mềm theo quy định.
Theo báo cáo chủ trương đầu tư dự án xây dựng hệ thống giám sát, điều hành thông minh Tỉnh ủy, tổng mức đầu tư dự án là 75 tỷ đồng để đầu tư hệ thống họp thông minh, hệ thống số hóa, hội nghị truyền hình và hạ tầng kỹ thuật. Dự án góp phần nâng cấp hạ tầng thông tin hiện có, tích hợp và kết nối liên thông với các ứng dụng được triển khai theo chương trình ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động các cơ quan Đảng giai đoạn 2021-2025 vào hệ thống giám sát điều hành thông minh Tỉnh ủy phù hợp với quy định của Văn phòng Trung ương Đảng.
Chưa thống nhất căn cứ xác định giá đất
Về dự thảo quyết định ban hành quy định một số chỉ tiêu trong phương pháp thặng dư làm căn cứ xác định giá đất cụ thể trên địa bàn tỉnh Hải Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Triệu Thế Hùng giao các Sở: Tư pháp, Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu cụ thể thể thức văn bản theo quy định. Từ đó, tham mưu UBND tỉnh các căn cứ xây dựng văn bản, quy trình ban hành quy định. Sở Xây dựng nghiên cứu, cho ý kiến bằng văn bản về thời gian xây dựng hạ tầng kỹ thuật nhà ở, công trình trên đất; thời gian bán hàng, thời điểm tính doanh thu; việc phân nhóm dự án theo diện tích; vận dụng tính theo suất vốn đầu tư đối với dự án giao đất có diện tích dưới và trên 20 ha; phân trách nhiệm đối với hạ tầng dự án có yếu tố đặc thù… Cục Thuế tỉnh căn cứ quy định pháp luật cho ý kiến về việc tính tiền lãi tiền sử dụng đất, thuê đất chưa nộp. Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp thu ý kiến của các sở, ngành tham gia để hoàn thiện dự thảo. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh phân công đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Quân trực tiếp chỉ đạo việc thực hiện nội dung này.
Theo dự thảo quyết định, căn cứ xác định giá đất dựa trên 7 chỉ tiêu. Đó là số năm xây dựng, số năm bán hàng, thời điểm phát sinh chi phí xây dựng, doanh thu và tỷ lệ phân bổ chi phí xây dựng, doanh thu của dự án phát triển nhà ở. Tỷ suất lợi nhuận nhà đầu tư có tính đến rủi ro kinh doanh và chi phí vốn. Chi phí quảng cáo, bán hàng, quản lý. Tỷ suất chiết khấu dòng tiền của dự án. Mức biến động giá bất động sản hằng năm của dự án phát triển nhà ở. Nội dung, phương pháp, trách nhiệm xác định chi phí xây dựng làm căn cứ tính giá đất. Khoản nộp tiền lãi của tiền sử dụng đất, tiền thuê đất chưa nộp.
Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/tin-tuc/ubnd-tinh-hop-phien-thuong-ky-thang-4-lan-2-200290