UBND tỉnh triển khai kế hoạch phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2020-2025
Ngày 4-9, UBND tỉnh tổ chức
Ngày 4-9, UBND tỉnh tổ chức “Hội nghị triển khai kế hoạch phát triển giáo dục nghề nghiệp tỉnh Nam Ðịnh giai đoạn 2020-2025”. Ðồng chí Trần Lê Ðoài, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 38 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, gồm 6 trường Cao đẳng, 5 trường Trung cấp, 15 Trung tâm giáo dục nghề nghiệp và 12 cơ sở tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Trong đó có 2 trường Cao đẳng, 2 trường Trung cấp công lập thuộc tỉnh quản lý. Về cơ cấu ngành nghề đào tạo, toàn tỉnh hiện đào tạo trên 110 ngành nghề với quy mô đào tạo bình quân 34 nghìn người/năm. Năm 2019, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh tuyển sinh đào tạo 34.284 người, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 45%. Riêng 6 tháng đầu năm 2020, toàn tỉnh đã tuyển sinh 16.544 người, đạt 47% kế hoạch. Dự kiến năm 2020, toàn tỉnh tuyển mới 35.200 người, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề lên 46%. Từ năm 2010 đến năm 2019, toàn tỉnh đã đào tạo cho 59.914 lao động nông thôn; tỷ lệ lao động sau học nghề có việc làm ổn định đạt trên 85%, với mức thu nhập trên 3,5 triệu đồng/người/tháng. Trong công tác giải quyết việc làm, theo thống kê hàng năm, học sinh, sinh viên tốt nghiệp hệ trung cấp, cao đẳng ra trường có việc làm ngay đạt trên 90%, mức lương bình quân từ 5-7 triệu đồng/tháng.
Giai đoạn 2020-2025, tỉnh tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp. Tiếp tục rà soát, sắp xếp lại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo tinh thần Nghị quyết 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng theo hướng giảm đầu mối, tăng quy mô tuyển sinh; các trường đào tạo đa cấp trình độ, đa ngành nghề; tăng cường liên kết với các cơ sở đào tạo có uy tín trong nước và trên thế giới ở một số ngành nghề yêu cầu lực lượng lao động có chất lượng cao; khuyến khích thành lập mới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục và cơ sở giáo dục nghề nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài... Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý để thực hiện chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp. Xây dựng chương trình đào tạo trên cơ sở chuẩn đầu ra, có sự tham gia của doanh nghiệp, cơ quan sử dụng lao động; đổi mới công tác tuyển sinh, tổ chức, quản lý và phương pháp đào tạo, hình thức và phương pháp thi, kiểm tra trong giáo dục nghề nghiệp. Tập trung đầu tư đồng bộ cơ sở vật chất và thiết bị theo ngành, nghề đào tạo. Coi trọng quản lý chất lượng đầu ra đồng thời với quản lý quá trình đào tạo và chuẩn hóa các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Xây dựng cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục và cơ sở giáo dục nghề nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Từng bước thực hiện tính đúng, tính đủ chi phí đào tạo nghề theo lộ trình chung để đảm bảo chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Ðẩy mạnh nghiên cứu khoa học trong giáo dục nghề nghiệp; tăng cường hợp tác quốc tế về giáo dục nghề nghiệp; tăng cường hoạt động đánh giá, cấp chứng chỉ Kỹ năng nghề quốc gia.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Lê Ðoài cảm ơn Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp luôn quan tâm công tác giáo dục nghề nghiệp của tỉnh và nhấn mạnh: Giai đoạn 2020-2025, tỉnh phấn đấu đưa Trường Cao đẳng Kinh tế và Công nghệ Nam Ðịnh vào danh sách Trường Cao đẳng chất lượng cao theo Quyết định 1363/QÐ-TTg ngày 11-10-2019 của Thủ tướng Chính phủ. Ðề nghị ngành LÐ-TB và XH, Trường Cao đẳng Kinh tế và Công nghệ Nam Ðịnh nghiên cứu, xây dựng đề án thực hiện đáp ứng đúng yêu cầu theo lộ trình./.
Tin, ảnh: Viết Dư