UBND TP Hải Phòng phát công văn 'hỏa tốc' phòng chống dịch viêm phổi cấp
UBND TP Hải Phòng phát đi công văn hỏa tốc yêu cầu Sở Y tế và các sở, ban ngành liên quan quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch viêm phổi cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) gây ra.
Liên quan dịch viêm phổi cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) gây ra đang bùng phát ở Trung Quốc, chiều 30 Tết Nguyên đán, UBND TP Hải Phòng phát đi công văn hỏa tốc về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh này.
Theo đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 121/CĐ-TTg ngày 23/1/2020 về việc phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra, để chủ động tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh, ngăn chặn bệnh lan truyền vào thành phố Hải Phòng, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng yêu cầu các sở, ban ngành, đoàn thể thành phố, UBND các quận, huyện của Hải Phòng triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Trong đó, Sở Y tế TP Hải Phòng thường xuyên cập nhật thông tin từ Bộ Y tế, tổng hợp kịp thời tình hình dịch trong nước và quốc tế, báo cáo về UBND TP Hải Phòng và các đơn vị liên quan.
Bên cạnh đó, Sở Y tế triển khai kế hoạch đáp ứng phòng chống dịch bệnh với 3 tình huống diễn biến dịch tới các địa phương theo kế hoạch ban hành tại Quyết định UBNsố 156/QĐ-BYT ngày 20/1/2020 của Bộ Y tế.
Sở Y tế Hải Phòng đồng thời chỉ đạo Trung tâm Kiểm dịch Y tế quốc tế thực hiện quyết liệt việc giám sát dịch bệnh tại các cửa khẩu quốc tế, đặc biệt tổ chức giám sát chặt chẽ bằng máy đo thân nhiệt từ xa và quan sát tình trạng sức khỏe đối với các hành khách nhập cảnh từ thành phố Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc) và các vùng có dịch. Khi phát hiện trường hợp có triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh cần thực hiện ngay việc cách ly, khám sàng lọc, lấy mẫu xét nghiệm và quản lý đối với các trường hợp nghi ngờ theo quy định để hạn chế bệnh lây lan ra cộng đồng.
UBND TP Hải Phòng cũng yêu cầu Sở Y tế chỉ đạo công tác điều tra dịch tễ, lấy máu, bảo quản, vận chuyển mẫu để đảm bảo an toàn sinh học, chất lượng mẫu. Đảm bảo giám sát, lấy mẫu xét nghiệm tất cả các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh; giám sát, theo dõi tình trạng sức khỏe của những người có tiếp xúc gần với trường hợp bệnh trong vòng 14 ngày kể từ lần tiếp xúc cuối cùng.
Sở Y tế Hải Phòng chỉ đạo các bệnh viện tuyến thành phố, trước mắt là Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp, Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng chuẩn bị đầy đủ, sẵn sàng khu vực cách ly, phân khu điều trị, cơ số thuốc, trang thiết bị hồi sức cấp cứu và các phương tiện cần thiết để sẵn sàng tiếp nhận, cấp cứu, điều trị bệnh nhân; chuyển tuyến kịp thời và khi cần thiết để hạn chế thấp nhất mức độ lây lan của dịch bệnh; xây dựng phương án mở rộng điều trị trong trường hợp dịch lan rộng.
Các bệnh viện trên cần giám sát để cách ly ngay trường hợp nghi ngờ mắc bệnh; đặc biệt chú ý khai thác tiền sử người bệnh từng cư trú hoặc đến từ thành phố Vũ Hán và vùng có dịch trong vòng 14 ngày. Thực hiện chặt chẽ kiểm soát nhiễm khuẩn; phòng lây nhiễm chéo tại các cơ sở khám chữa bệnh. Thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng hộ cá nhân đối với nhân viên y tế khi thăm khám, điểu trị, chăm sóc người bệnh.
Bên cạnh đó, Bệnh viện Việt Tiệp, Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng kiện toàn các đội cấp cứu lưu động, đội phản ứng nhanh nội viện, ngoại viện sẵn sàng hỗ trợ đơn vị tuyến dưới.
UBND TP Hải Phòng yêu cầu Sở Y tế thành phố tổng hợp nhu cầu trang thiết bị, hóa chất… kinh phí… trình UBND thành phố xem xét bổ sung để đảm bảo đầy đủ nguồn lực cho công tác phòng chống dịch.
Sở Y tế cần kịp thời cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng chống tới các cơ quan báo, đài; thường xuyên cập nhật các khuyến cáo để truyền thông cho người dân, cộng đồng về dịch bệnh và chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống phù hợp, tránh gây hoang mang lo lắng.
Sở Y tế Hải Phòng tổ chức các đoàn công tác trực tiếp đi kiểm tra, giám sát, đánh giá việc chỉ đạo và công tác chuẩn bị sẵn sàng phòng, chống dịch tại các đơn vị, trước hết tập trung vào các nơi có cửa khẩu quốc tế; đề xuất kịp thời với UBND thành phố các biện pháp để chỉ đạo công tác phòng, chống dịch.
Ngoài ra, UBND TP Hải Phòng cũng yêu cầu các sở, ban ngành liên quan trong chức năng, quyền hạn của mình tích cực tuyên truyền, khuyến cáo người dân về dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona.
Hiện nay, dịch bệnh này đang diễn biến phức tạp tại Trung Quốc. Đây là dịch bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do virus Corona biến chủng gây ra, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc-xin phòng bệnh. Bệnh lây truyền từ người sang người qua đường tiếp xúc gần hoặc nước bọt.
Đến nay, tại Trung Quốc ghi nhận trên 541 trường hợp mắc bệnh, trong đó có 15 nhân viên y tế và có 17 trường hợp thiệt mạng. Thế giới cũng ghi nhận các trường hợp mắc bệnh xâm nhập vào một số các quốc gia khác.
Theo đánh giá của UBND TP Hải Phòng, nguy cơ xâm nhập dịch bệnh này vào Việt Nam rất lớn thông qua khách du lịch, người lao động nhập cảnh từ thành phố Vũ Hán, và vùng có dịch về hàng ngày tại các cửa khẩu hàng không quốc tế. Đặc biệt, trong thời điểm Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 có sự gia tăng đi lại giữa các khu vực, các quốc gia cùng với điều kiện khí hậu mùa đông xuân lạnh ẩm, rất thuận lợi cho tác nhân gây bệnh phát sinh và phát triển.