UBTVQH XEM XÉT TỜ TRÌNH VỀ ĐỀ XUẤT ĐIỀU CHỈNH CHỦ TRƯƠNG ĐẦU TƯ CTMTQG PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÙNG ĐỒNG BÀO DTTS&MN
Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 32, chiều 16/4, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét Tờ trình về đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2023.
Cùng dự Phiên họp có Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh; Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên; Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Hà Thị Mỹ Dung; đại diện Văn phòng Trung ương Đảng, đại diện Văn phòng Chính phủ; đại diện lãnh đạo Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư…
Cần thiết điều chỉnh chủ trương đầu tư của Chương trình
Trình bày Tờ Trình về việc hoàn thiện hồ sơ Báo cáo đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh nêu rõ cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết điều chỉnh chủ trương đầu tư của Chương trình.
Chương trình được phê duyệt chủ trương đầu tư theo Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội là một chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước dành cho đồng bào dân tộc thiểu số. Đây là chương trình mục tiêu quốc gia mới, gồm nhiều dự án, tiểu dự án thành phần với sự tham gia của nhiều bộ, ngành, cơ quan trung ương cùng tham gia chủ trì, quản lý các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành trung ương đã ban hành các văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện. Với sự quan tâm của toàn bộ hệ thống chính trị, thời gian vừa qua Chương trình đã được triển khai tại các địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, bước đầu tạo được những tác động tích cực tới đời sống của người dân, đặc biệt là ở khu vực các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn vùng đồng bào DTTS&MN.
Tuy nhiên, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho rằng, trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện phát sinh một số khó khăn, vướng mắc, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân và kết quả thực hiện Chương trình, cần thiết phải điều chỉnh một số nội dung tại chủ trương đầu tư Chương trình.
Một số đơn vị sự nghiệp công lập lĩnh vực dân tộc, cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, thiết chế văn hóa DTTS tiêu biểu, cơ sở y tế… chưa được quy định tại chủ trương đầu tư Chương trình được Quốc hội phê duyệt, dẫn đến một số khó khăn trong việc lập, thẩm định kế hoạch bố trí vốn, thanh quyết toán trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Vì vậy, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh khẳng định sự cần thiết phải báo cáo Quốc hội điều chỉnh, bổ sung đối tượng nêu trên nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong tổ chức triển khai thực hiện Chương trình.
Đề xuất điều chỉnh nguồn vốn thực hiện và điều chỉnh đối tượng thuộc Chương trình
Về các nội dung đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết, có 2 đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư:
(1) Điều chỉnh nguồn vốn thực hiện Chương trình:
Theo quy định tại Nghị quyết số 120/2020/QH14: "Nguồn vốn của Chương trình được bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025”.
Chính phủ đề xuất điều chỉnh, bổ sung quy định về nguồn vốn sự nghiệp thực hiện Chương trình như sau: "Kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình được bố trí trong dự toán ngân sách hàng năm theo quy định”.
(2) Điều chỉnh đối tượng thuộc Chương trình:
Đề xuất đồng ý về chủ trương và sự cần thiết đầu tư, hỗ trợ một số đối tượng gồm: "Một số đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động trong lĩnh vực công tác dân tộc (các trường dự bị Đại học, Đại học, trường Hữu nghị T78, trường Hữu nghị 80, trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc; các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú); các di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia có giá trị tiêu biểu của các dân tộc thiểu số; một số Trung tâm y tế huyện, bệnh viện của huyện có xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi".
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh nêu rõ, việc điều chỉnh Chương trình là cần thiết để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn thực hiện Chương trình và phấn đấu hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình ở mức cao nhất theo Nghị quyết số 88/2019/QH14, Nghị quyết số 120/2020/QH14, đáp ứng nguyện vọng và mong đợi của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cũng như cả nước.
Đồng thời việc điều chỉnh trên bảo đảm nguyên tắc không làm tăng tổng mức đầu tư và cơ cấu nguồn vốn đã được Quốc hội phê duyệt tại Nghị quyết số 120/2020/QH14; không trùng lặp, chồng chéo với các Chương trình mục tiêu quốc gia khác và phù hợp với các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu theo Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội khóa XIV.
Việc điều chỉnh chủ trương đầu tư cần đảm bảo đầu tư có trọng tâm trọng điểm, tập trung cho các xã, thôn, bản khó khăn nhất, ưu tiên
Thẩm tra về đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết, việc Chính phủ đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (Chương trình DTTS &MN) để Quốc hội xem xét, quyết định là đúng pháp luật và thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 34 của Luật Đầu tư công cũng như đảm bảo thời gian theo quy định.
Việc Chính phủ trình Quốc hội xem xét, điều chỉnh một số nội dung của chủ trương đầu tư Chương trình DTTS&MN là xuất phát từ thực tiễn vướng mắc, nội dung quy định chưa rõ ràng, thống nhất về đối tượng, địa bàn triển khai thực hiện một số dự án, tiểu dự án hỗ trợ các đơn vị sự nghiệp công về giáo dục, y tế, đào tạo nghề… Do đó, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định điều chỉnh một số nội dung của chủ trương đầu tư để tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân một số dự án, tiểu dự án của Chương trình là phù hợp, cần thiết.
Thường trực Hội đồng Dân tộc nhận thấy, Hồ sơ của Chính phủ đã bổ sung, làm rõ cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý, ghi rõ thời điểm trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024), bổ sung danh mục các công trình dự kiến đầu tư nằm ngoài vùng DTTS&MN… Tuy nhiên, một số ý kiến tham gia thẩm tra của các Ủy ban cho rằng, Hồ sơ bổ sung của Chính phủ chưa tiếp thu đầy đủ, báo cáo giải trình chưa rõ ràng từng nội dung trong Báo cáo thẩm tra sơ bộ về: làm rõ sự cần thiết, tính cấp bách, Báo cáo đánh giá tác động, tính chính xác và sự cần thiết của danh mục kèm theo (có nhiều danh mục chưa thật sự phù hợp); làm rõ tính khả thi của việc điều chỉnh trong bối cảnh thời gian thực hiện của Chương trình còn rất ít...
Về đề nghị điều chỉnh vốn tại điểm b khoản 3 Điều 1 của Nghị quyết 120/2020/QH14, Thường trực HĐDT thống nhất với nhiều ý kiến tham gia thẩm tra, thực tế không có vướng mắc trong quá trình thực hiện liên quan đến nội dung này và việc điều chỉnh trong bối cảnh thời gian còn rất ít như hiện nay là không cần thiết. Mặt khác các Nghị quyết của Quốc hội về giao vốn (cả vốn đầu tư và vốn sự nghiệp) cho các Chương trình mục tiêu quốc gia đã đảm bảo cơ sở pháp lý để thực hiện.
Về đề nghị điều chỉnh đối tượng Chương trình, tại Nghị quyết số 120/2020/QH14 phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình quy định đối tượng Chương trình theo Nghị quyết số 88/2019/QH14 là: “Xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Hộ gia đình, cá nhân người dân tộc thiểu số; Hộ gia đình, cá nhân người dân tộc Kinh thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo sinh sống ở xã, thôn đặc biệt khó khăn; Doanh nghiệp, hợp tác xã, các tổ chức kinh tế, xã hội hoạt động ở địa bàn vùng đặc biệt khó khăn”.
Nhiều ý kiến cho rằng, báo cáo của Chính phủ chưa thật sự làm rõ được sự cần thiết, cấp bách đối với các đối tượng, danh mục đầu tư này. Nội dung về đánh giá tác động chưa thật sự rõ ràng, chưa chỉ rõ được những tác động về thay đổi nguồn vốn, các văn bản phải bổ sung, tính khả thi trong việc tổ chức triển khai thực hiện (nếu được Quốc hội thông qua vào Kỳ họp thứ 7); việc điều chỉnh này có đảm bảo được nguyên tắc của Chương trình đã được Quốc hội thông qua trong Nghị quyết 120/2020/QH14 là “đầu tư có trọng tâm trọng điểm và bền vững, tập trung cho các xã, thôn, bản khó khăn nhất; giải quyết các vấn đề bức xúc, cấp bách nhất; ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo, các nhóm dân tộc thiểu số khó khăn nhất”.
Có ý kiến cho rằng, Chính phủ cần khẳng định rõ các đối tượng dự định điều chỉnh, bổ sung này có nằm ngoài quy định về chủ trương đầu tư trong Nghị quyết 120/2020/QH14 của Quốc hội hay không? Đồng thời, để Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội có đầy đủ căn cứ xem xét, quyết định, đề nghị Chính phủ bổ sung các phụ lục tính toán kinh phí chi tiết đối với các đối tượng này. Bên cạnh đó, đề nghị giao cho Chính phủ thẩm quyền rà soát, điều chỉnh danh mục, làm rõ đối tượng đầu tư để đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành các mục tiêu của Chương trình.
Về thời gian trình, Thường trực Hội đồng Dân tộc cơ bản thống nhất với nhiều ý kiến là trình Quốc hội xem xét quyết định vào Kỳ họp thứ 7 và bổ sung vào nội dung Nghị quyết Kỳ họp, không nên ban hành thành nghị quyết riêng. Vì việc điều chỉnh này không ảnh hưởng đến quy mô, cơ cấu vốn đã được Quốc hội giao ngay từ thời gian đầu Chương trình mà chỉ làm rõ, thống nhất về đối tượng thực hiện./.
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=86272