Úc hy vọng sẽ tạo ra một nền kinh tế không còn rác thải
i dạo một vòng quanh trung tâm thành phố Sydney, Úc, bạn sẽ không mất nhiều thời gian để tìm thấy một thùng rác tái chế hoặc một sản phẩm làm từ vật liệu tái chế. Mặc dù có vẻ không lớn lao, nhưng đó là một dấu hiệu cho thấy thói quen sử dụng bao bì của Úc đang thay đổi.
Bước ngoặt bất ngờ vào năm 2017
Cách đây 5 năm, Úc có một nền kinh tế tuyến tính về đóng gói, về cơ bản liên quan đến việc lấy nguyên liệu thô từ trái đất, sử dụng chúng để tạo ra sản phẩm để bán và thải bỏ chúng khi sản phẩm hết hạn sử dụng.
Úc thải ra 54 triệu tấn rác thải mỗi năm, tương đương khoảng 880kg mỗi người.
Theo báo cáo chất thải của Úc được công bố vào năm 2018, khoảng 40% trong số 54 triệu tấn chất thải mà nước này tạo ra từ năm 2016 đến năm 2017 đã được gửi đến bãi chôn lấp, tương đương khoảng 880kg mỗi người.
Để quản lý hoạt động tái chế, Úc - giống như nhiều nước phát triển khác - phụ thuộc vào việc xuất khẩu chất thải của mình ra nước ngoài, trong đó có Trung Quốc. Tuy nhiên, bước ngoặt đến vào năm 2017, khi Trung Quốc tuyên bố ngừng tiếp nhận rác thải nhựa và đồ tái chế trên thế giới.
Điều này đã tạo ra một vấn đề lớn đối với các công ty thu hồi và tái chế chất thải ở Úc và trên toàn cầu, với các nhà tái chế phải tranh nhau tìm nơi nào đó để gửi chất thải mà họ đã thu gom.
Do không có nhiều lựa chọn trong việc tìm các quốc gia tiếp nhận chất thải mới, giới chức nước này buộc phải hướng đến các công ty tái chế ở trong nước, cũng như việc tạm thời lưu trữ chất thải tái chế trong kho để chờ tìm được người mua mới ở nước ngoài.
Cùng với sự thay đổi trong thái độ của người tiêu dùng đối với tính bền vững, sự việc này đã dẫn đến những thay đổi đáng kể trong cách thức quản lý chất thải của Úc và quyết tâm hướng tới một nền kinh tế tuần hoàn.
Úc hiện đang chạy đua để đạt được mục tiêu 100% các sản phẩm bao bì trong nước có thể tái chế, có thể dễ dàng phân hủy hoặc tái sử dụng vào năm 2025. Nước này cũng đang tìm cách nâng tỷ lệ tái chế bao bì nhựa lên 70% trong cùng khung thời gian.
Theo số liệu mới nhất từ Tổ chức Hiệp ước Bao bì Úc (APCO), đơn vị được chính phủ giao nhiệm vụ đưa ra các mục tiêu, thì 86% bao bì của Úc đã ở dạng có thể tái chế, có thể phân hủy hoặc tái sử dụng tính đến năm tài chính 2019-2020 của đất nước.
Tổ chức phi lợi nhuận này đã quy tụ được tới 2.200 thành viên là các doanh nghiệp - chiếm khoảng 20% tổng sản phẩm quốc nội của Úc - hoạt động trên hơn 150 ngành nghề bao gồm bán lẻ, thực phẩm và đồ uống, nhằm thúc đẩy việc sản xuất và mở rộng thị trường cho bao bì đã qua sử dụng.
Vẫn còn nhiều thách thức
Tuy nhiên, việc đạt được mục tiêu đầy tham vọng trên không phải là câu chuyện một sớm một chiều. Úc thực tế vẫn còn cách một khoảng rất xa so với mục tiêu tái chế được đề ra, với chỉ 16% bao bì nhựa được tái chế hoặc làm phân bón trong giai đoạn từ năm 2009-2020.
Rác được tái chế thành các thành phẩm nhỏ, để sẵn sàng xuất khẩu để làm nguyên liệu khô.
Giám đốc điều hành của APCO, Brooke Donnelly giải thích: “Thách thức lớn nhất là việc thu gom và tái chế. Chúng tôi đã thấy, việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng cho việc tái chế đã được tiến hành trong những năm qua. Nhưng rõ ràng, phải mất vài năm để xây dựng các nhà máy và để đạt được công suất cần thiết”.
Để khuyến khích người tiêu dùng tái chế đúng cách, APCO đã tạo ra nhãn tái chế mà các thương hiệu có thể thêm vào sản phẩm của họ để xác định rõ ràng hơn các thành phần khác nhau và cách loại bỏ chúng.
Được phát triển vào năm 2018, nhãn hiệu này liệt kê các thành phần hoặc vật liệu được sử dụng trong bao bì như hộp hoặc nắp, kèm theo hướng dẫn về việc chúng nên được tái chế, vứt bỏ hay tái chế đặc biệt - ví dụ như thông qua thùng thu gom nhựa mềm.
Trong khi đó, một thử nghiệm do một nhóm công ty bao gồm Nestlé, Nespresso Australia và công ty tái chế iQRenew thực hiện nhằm thu gom, xử lý và tái chế nhựa phế thải mềm thành các sản phẩm khác, đã được mở rộng đến nhiều hộ gia đình hơn.
Cho đến nay, khoảng 15.000 hộ gia đình ở khu vực Central Coast và Newcastle Council đang tham gia vào chương trình tái chế Curby Soft Plastics - còn được gọi là CurbCycle - tăng so với 2.000 hộ khi chương trình thử nghiệm lần đầu tiên được triển khai vào năm 2020.
Nhựa mềm như giấy gói bánh quy và túi nhựa được thu gom riêng, sau đó trải qua quá trình tái chế vật lý và hóa học để sản xuất nhựa, sau đó chúng có thể được sử dụng cho nhiều loại sản phẩm bao gồm cả bao bì hoặc tấm lợp xây dựng.
Theo ông Gordon Ewart, giám đốc CurbCycle, cho đến nay chương trình đã giúp chuyển hơn 50.000 kg nhựa mềm từ bãi rác. Chương trình tái chế của Úc hiện đang mở rộng quy mô để trao quyền cho các cộng đồng, hướng tới mục tiêu thực hiện đồng bộ ở các bang trên toàn quốc.
Hoàng Hải (theo CNA)