Ukraine đã và sẽ tiến công bao xa vào lãnh thổ Nga?

Một số nhà quan sát tin rằng để đạt được các mục tiêu của mình, Ukraine không cần tiến công quá sâu vào lãnh thổ Nga. Ukraine càng tiến xa thì rủi ro các lực lượng của họ bị cắt đứt tuyến tiếp tế càng lớn.

Ukraine đã thực hiện "bước đầu tiên" trong sự thay đổi chiến lược trong cách phòng thủ trước cuộc tấn công của Nga, Jen Spindel, Giáo sư tại Đại học New Hampshire ở Mỹ nhận định khi nói về những diễn biến gần đây tại khu vực Kursk ở phía Tây nước Nga.

"Ukraine không thể tiếp tục chiến đấu theo cách giống như nước này từng làm trong 2 năm qua. Kiev không có đủ nhân lực và kho vũ khí để làm vậy", bà Spindel, một chuyên gia về chính sách an ninh và đối ngoại nhận định.

Hình ảnh từ trên cao cho thấy một xe tăng đang khai hỏa của Ukraine ở khu vực Kursk ngày 11/8/2024. Ảnh: Reuters

Hình ảnh từ trên cao cho thấy một xe tăng đang khai hỏa của Ukraine ở khu vực Kursk ngày 11/8/2024. Ảnh: Reuters

"Tiềm lực của Nga lớn hơn nhiều và Moscow có lực lượng quân sự lớn hơn. Ukraine không thể tiếp tục giao tranh với Nga ở vị trí cân bằng. Nước này cần thích nghi nhiều hơn với một cuộc xung đột bất đối xứng và đưa nó sang Nga nếu muốn cầm cự trong cuộc giao tranh này", chuyên gia Spindel cho hay.

Bà nhận định, điều đó tức là thay vì đối đầu với quân đội Nga vốn chiếm ưu thế lớn hơn về nhiều mặt trên chiến trường thì Ukraine cần triển khai các chiến thuật phù hợp hơn với sức mạnh và kho vũ khí sẵn có. Đó chính xác là những gì đang xảy ra ở Kursk.

"Tôi coi chiến dịch này ở Nga là một nỗ lực của Ukraine nhằm dịch chuyển đôi chút chiến lược của mình. Điều ấy cho thấy lãnh thổ Nga không còn nằm ngoài phạm vi tấn công và Kiev sẽ buộc Moscow phải chuyển hướng các lực lượng của mình khỏi các chiến dịch ném bom cũng như phá hủy ở Ukraine", chuyên gia Spindel nói với DW.

Tại sao Ukraine đưa quân vào Kursk?

Vào tuần Ukraine tiến hành cuộc đột kích vào Nga, Kiev gần như giữ im lặng về các kế hoạch của mình. Ngày 12/8, Tổng Tư lệnh Lực lượng Vũ trang Ukraine - Tướng Oleksandr Syrskyi lần đầu tiên nói về "chiến dịch tấn công vào khu vực Kursk". Ông thông báo Ukraine hiện kiểm soát khoảng 1.000km2 lãnh thổ Nga.

Phát biểu tại cuộc họp với các quan chức quốc phòng Nga cùng ngày, Tổng thống Vladimir Putin cho biết cuộc tấn công của Ukraine là một nỗ lực của Kiev nhằm giành ưu thế trong các cuộc đàm phán tương lai để chấm dứt xung đột. Tuy nhiên, ông cho biết, kế hoạch của Ukraine sẽ không thành công khi mục tiêu chủ yếu của Nga là "kéo căng và đẩy lùi đối phương khỏi lãnh thổ của chúng tôi".

Ukraine đã tiến sâu đến đâu vào lãnh thổ Nga?

Theo các nguồn tin từ Nga, quân đội Ukraine đã tiến vào khu vực Kursk ngày 6/8. nhanh chóng di chuyển khoảng 10km qua biên giới. 1 tuần sau, truyền thông địa phương cho biết Ukraine đã tiến được khoảng 30km vào lãnh thổ Nga và chiếm được một số ngôi làng nhỏ. Tiền tuyến vẫn liên tục biến động.

Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố đã ngăn chặn được cuộc tiến công của Ukraine, cho biết cuộc giao tranh hiện chỉ diễn ra ở 2 quận biên giới. Moscow đặc biệt lo ngại về tính an toàn của nhà máy điện hạt nhân Kursk mặc dù theo các bài báo của Nga, giao tranh vẫn cách khu vực này ít nhất 30km.

Cuộc tấn công trên là cuộc tấn công chính thức đầu tiên của quân đội Ukraine vào lãnh thổ Nga kể từ khi Moscow tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt vào tháng 2/2022.

Cuộc tiến công của Ukraine là "kết quả từ việc lên kế hoạch cẩn thận" của Kiev và cho thấy "sự thất bại hoàn toàn trong hoạt động trinh sát của Nga", nhà sử học Australia Markus Reisner đánh giá.

Ông dẫn ra việc Kiev đã có một "thắng lợi rõ ràng về mặt tuyên truyền" bởi hiện nay mọi người đều tập trung vào Kursk thay vì khu vực Donbass, nơi Nga đang từ từ tiến công về phía các thành phố Chasov Yar và Pokrovsk. Nếu Ukraine có thể duy trì quyền kiểm soát khu vực Kursk, nước này sẽ buộc Nga phải tái tổ chức lực lượng, giảm bớt sức ép ở Donbass”.

Gustav Gressel, một chuyên gia quân sự tại Hội đồng Đối ngoại châu Âu thì lại bày tỏ lập trường hoài nghi về những ngày đầu Ukraine tiến hành cuộc tấn công xuyên biên giới khi gọi điều này "tốt cho tinh thần chiến đấu nhưng ảnh hưởng không đáng kể đến cuộc xung đột".

"Không có dấu hiệu nào cho thấy Nga đang di chuyển quân đội từ phía Đông để ngăn chặn cuộc tiến công của Ukraine", ông Gressel nói với DW. Tuy nhiên, trong những ngày gần đây, có những báo cáo chưa được xác nhận cho thấy Nga đã di chuyển một số binh lính từ phía Đông Bắc Ukraine tới Kursk.

"Moscow là bên được lợi chính đối với việc mở rộng chiến tuyến sang lãnh thổ Nga bởi nước này sẽ ngày càng kéo căng lực lượng vũ trang Ukraine", ông Gressel nói.

Tuy nhiên, các chuyên gia tin rằng Ukraine cũng có thể theo đuổi các mục tiêu khác bằng cuộc tiến công vào Kursk. Chẳng hạn, như Tổng thống Putin chỉ ra, là cải thiện vị thế đàm phán với Nga hoặc thúc đẩy tinh thần chiến đấu của quân đội Ukraine, những người chỉ đang bảo vệ các vị trí của mình trong một cuộc xung đột tiêu hao ác liệt suốt 1 năm rưỡi qua, chuyên gia về Ukraine Winfried Schneider-Deters bình luận.

Với Ukraine, ông Winfried Schneider-Deters cho rằng cuộc tấn công trên - đặc biệt trên lãnh thổ của đối phương - có thể có ý nghĩa đáng kể.

"Có thể giới lãnh đạo Ukraine muốn thể hiện cho Nga và trên hết là phương Tây thấy rằng Ukraine vẫn chưa đến giới hạn cuối cùng. Kiev muốn cho thấy nước này vẫn có thể giành chiến thắng với các đợt vận chuyển vũ khí bổ sung từ Washington", ông Schneider-Deters nói.

Ukraine sẽ tiến công bao xa vào lãnh thổ Nga?

Chuyên gia Spindel tin rằng để đạt được các mục tiêu của mình, Ukraine không cần tiến công quá xa vào lãnh thổ Nga.

"Tôi không nghĩ bất kỳ ai muốn thấy sự leo thang trong một cuộc xung đột mà Ukraine đưa quân vào Moscow hay triển khai UAV hoặc chiến đấu cơ theo hướng này", bà Spindel nói, đồng thời nhận định quân đội Ukraine càng tiến xa thì rủi ro các lực lượng của họ bị cắt đứt tuyến tiếp tế càng lớn.

Chuyên gia Spindel cũng đánh giá, các cuộc tiến công gần đây của Ukraine vào những khu vực Nga triển khai lực lượng và lưu trữ vũ khí đủ để tạo nên một chiến dịch đáng chú ý bên trong nước Nga nhưng không đủ để gây ra sự leo thang rộng hơn của cuộc xung đột.

Theo bà, Ukraine cần duy trì sự cân bằng và cho các đối tác phương Tây thấy sự thận trọng. Tuy nhiên, bà tin rằng cuộc đột kích này vào lãnh thổ Nga sẽ không phải cuộc đột kích cuối cùng.

"Tôi đặt cược chúng ta sẽ chứng kiến ngày càng nhiều chiến dịch kiểu thế này nhưng Ukraine sẽ cố gắng tiến hành chúng một cách bất ngờ, tương tự như với chiến dịch Kursk. Ukraine không thể theo kịp quy mô quân đội của Nga nhưng có thể dựa vào các chiến dịch bất ngờ và vượt trội để khiến Moscow mất cân bằng", bà Spindel bình luận.

Kiều Anh/VOV.VN (biên dịch) Theo: DW

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/ukraine-da-va-se-tien-cong-bao-xa-vao-lanh-tho-nga-post1114116.vov